Bản tin dịch COVID-19 trong 24h: BV dã chiến ở cung thể thao Tiên Sơn sẽ đi vào hoạt động trong vài ngày nữa

Đăng bởi Hải Yến

11/08/2020 21:03

Chỉ trong một thời gian ngắn gấp rút thi công ngày đêm, mới đây, đơn vị thi công đã bàn giao Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn - Đà Nẵng cho UBND TP. Đà Nẵng để thành phố triển khai lắp đặt trang thiết bị y tế, máy móc phục vụ điều trị bệnh nhân nhiễm COVID – 19. Chậm nhất ngày 8/8, Bệnh viện sẽ đi vào hoạt động và đón tiếp bệnh nhân.

Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 9h hàng ngày.

Tính đến 9h00 ngày 6/8/2020, theo thống kê của worldometers.info:

*Thế giới: 18.971.698 người mắc; 711.116 người tử vong, 12.160.946 đã bình phục.

215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.

- Việt Nam đứng thứ 157/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.

* Việt Nam: 717 ca mắc COVID-19, 08 ca tử vong

Trong đó:

- Số ca điều trị khỏi: 381 ca

328 ca bệnh đang được điều trị.

Số TH nhiễm nhập cảnh được quản lý ngay

Số TH nhiễm phát hiện tại cộng đồng

Số TH đang được cách ly tập trung

Số TH được cách ly tại nhà và theo dõi y tế

309

408

29.527

140.384


Tính đến 9h ngày 6/8: Việt Nam có tổng cộng 309 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

+ Từ 18h ngày 5/8 – 6h sáng 6/8: ghi nhận 45 ca mắc mới.

2. Số ca bình phục trong 24h qua: 03 ca

3. Số ca tử vong: 09

4. Số ca tiến triển tốt:

- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 22 ca.

- Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 11 ca.

5. Số người cách ly: 170..457

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 6.717

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 23.356

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 140.384

6. Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 309

7. Số ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 268 ca

8. Nhận xét:

- Thế giới đã có gần 19 triệu ca mắc COVID-19 và với hơn  710.000 người chết, số người khỏi bệnh cũng tăng lên hơn 12 triệu người.

Diễn biến dịch trên thế giới vẫn đang phức tạp. Số ca nhiễm COVID-19 mới đang tăng cả về số ca mắc cũng như số quốc gia có người mắc mới. Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Nhiều nước đã quyết định lùi thời gian mở cửa nền kinh tế, đồng thời tái áp đặt các biện pháp giãn cách.  Châu Mỹ hiện là tâm dịch nghiêm trọng nhất thế giới. Khu vực Mỹ Latinh trở thành khu vực ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất với hơn 206.000 ca, chiếm gần 30% số ca tử vong trên thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines dịch bệnh đang quay trở lại trong mấy ngày qua với nhiều diễn biến đáng ngại, khi số ca mắc mới tại nước này tăng vọt và vượt qua cả Indonesia về số ca mắc/ngày. Hiện nay, tổng số ca mắc COVID-19 của Philippines đã gần đuổi kịp Indonesia.

- Tại Việt Nam, trong những ngày qua, dịch bệnh đã có diễn biến phức tạp tại TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, một số tỉnh đã xuất hiện các ca bệnh mới, tuy nhiên đều liên quan đến Đà Nẵng. 9h sáng ngày 6/8, Bộ Y tế Việt Nam công bố ca tử vong thứ 9. Đó là BN651 tên N.T.H, nữ, 67 tuổi, quê quán: Duy Xuyên, Quảng Nam. Bệnh nhân tử vong vì viêm phổi, suy hô hấp trên nền suy thượng thận mạn tính, đái tháo đường type 2 và COVID-19.

*Về công tác chỉ đạo, điều hành

Trong ngày có thêm 3 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Hoa Lư, Ninh Bình: BN391 (nam, 24 tuổi), BN393 (nam, 26 tuổi), BN395 (nam, 26 tuổi).

Tại cuộc họp giao ban định kỳ với giám đốc Sở Y tế 63 tỉnh thành phố, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, dịch lần này khó khăn hơn nhiều, tốc độ lây lan nhanh hơn, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh tại cộng đồng, gia đình. Điều này đặt ra thách thức lớn là phải khẩn trương, quyết liệt, làm rất mạnh và phải cương quyết tất cả biện pháp phòng dịch, giúp hạn chế những ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế xã hội.

GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, với dịch lần này, phải khẩn trương, làm rất mạnh và phải cương quyết tất cả biện pháp để hạn chế ảnh hưởng tới sự phát triển KTXH. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long  yêu cầu các địa phương, trên cơ sở các hướng dẫn Bộ đã ban hành, phải rà soát lại cơ sở vật chất kể cả trong tình huống phải thành lập bệnh viện dã chiến. Bên cạnh đó, Sở Y tế 63 tỉnh, thành phải rà soát lại các cơ sở xét nghiệm trên địa bàn; yêu cầu khẩn trương thiết lập các cơ sở xét nghiệm, sao cho có thể xét nghiệm trên diện rộng với các trường hợp nghi ngờ, như vậy, mới phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh.

Tối 5-8, Bộ Y tế phát thông báo khẩn số 23 liên quan đến chuyến bay VN7198 từ Đà Nẵng đến Hà Nội ngày 24-7. Bộ Y tế đề nghị những hành khách trên chuyến bay này liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn hỗ trợ; Gọi điện đến các đường dây nóng: Bộ Y tế: 1900.9095, CDC Hà Nội: 0969.082.115 hoặc 0949.396.115 cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc với mình; khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng NCOVI từ địa chỉ https://ncovi.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe; Cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

*Về công tác điều trị và chi viện cho Đà Nẵng:

Trong 24h qua, nhiều đoàn công tác của các tỉnh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng với thành viên là các y bác sĩ, điều dưỡng đã lên đường đến với tâm dịch Đà Nẵng. Trong đó đoàn cán bộ y tế của TP Hải Phòng gồm 9 bác sĩ và 24 điều dưỡng thuộc 3 chuyên ngành nội hô hấp, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm  do Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Trần Anh Cường dẫn đầu đã lên đường vào chi viện cho tâm dịch Đà Nẵng với quyết tâm kiểm soát và đẩy lùi dịch COVID-19. BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đã cử thêm 2 chuyên gia hàng đầu trong điều trị bệnh COVID-19 và đội phản ứng nhanh thứ 5 BV Chợ Rẫy đã xuất kích thẳng tiến vào trận chiến dịch bệnh ở dải đất miền Trung - Đà Nẵng.  Dự kiến, vào 10h sáng ngày 6/8, đoàn cán bộ y tế của Bình Định gồm 25 người trong đó có 8 bác sĩ, 11 điều dưỡng, 01 cử nhân xét nghiệm, 02 chuyên viên xử lý hình ảnh, 02 y sĩ, 01 hộ sinh cũng sẽ lên đường “chi viện ” cho Đà Nẵng.

Ngày 5-8, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP Đà Nẵng ban hành văn bản khẩn tiếp tục yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và UBND các quận, huyện khẩn trương triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm quan điểm “chống dịch như chống giặc”, tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, hoang mang, dao động.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng sẽ triển khai xét nghiệm Covid-19 theo mẫu nhóm để tăng tốc độ xét nghiệm. Theo đó, từ ba đến năm người trong một gia đình sẽ được lấy mẫu vào một ống để xét nghiệm. Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, đơn vị sẽ xét nghiệm lại từng mẫu một để xác định đúng đối tượng nhiễm.

Chiều 5/8, đơn vị thi công đã bàn giao Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng) cho UBND TP. Đà Nẵng để thành phố triển khai lắp đặt trang thiết bị y tế, máy móc phục vụ điều trị bệnh nhân nhiễm COVID – 19. Chậm nhất ngày 8/8, Bệnh viện sẽ đi vào hoạt động và đón tiếp bệnh nhân.  Buồng bệnh được trang bị đầy đủ tiện nghi với giường y tế, tủ đầu giường, quạt, móc treo đồ, công tắc, ổ cắm, đèn chiếu sáng phục vụ thăm khám, đặc biệt có nút nhấn khẩn cấp báo đến trung tâm chỉ huy. Toàn bộ khu vực bệnh nhân có camera phủ khắp, trang bị đầy đủ thiết bị để đảm bảo công tác PCCC, thoát hiểm, cứu hộ. Bệnh viện cũng được các nhà mạng phủ sóng wifi miễn phí.

Khoảng 500 công nhân đã được huy động thi công trực tiếp tại công trình, chia ca kíp làm việc 24/24, cùng đội ngũ hàng trăm người hỗ trợ tham gia các khâu vận chuyển, mua sắm, vệ sinh, lắp đặt thiết bị.

Trước mắt, bệnh viện dã chiến Hòa Vang vẫn còn khả năng thu dung bệnh nhân COVID – 19. Trong trường hợp số ca nhiễm COVID– 19 bùng phát, tăng mạnh, các bệnh viện không đủ khả năng đón tiếp, điều trị, Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn sẽ phục vụ điều trị cho bệnh nhân COVID – 19. Nếu số bệnh nhân vẫn được kiểm soát, các bệnh viện trong thành phố vẫn đủ khả năng thu dung, điều trị..., Bệnh viện dã chiến sẽ làm nơi tiếp nhận, cách ly, theo dõi những trường hợp tiếp xúc gần (F1) trong thời gian 14 ngày.

*Về công tác điều trị cho các bệnh nhân COVID-19

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị -Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này đã có 381/717 ca bệnh COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 53,1%  tổng số ca bệnh COVID-19 trong cả nước.

Tính đến sáng ngày 6/8, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 33 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 295 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19.

Khuyến cáo:

Trước diễn biến của dịch bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện nghiêmcác biện pháp  phòng, chống dịch COVID-19:

1. Hạn chế đến nơi công cộng, nơi tập trung đông người.

2. Đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ khoảng cách tiếp xúc tốt nhất 2m.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

4. Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn.

5. Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt tiếp xúc.

6. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ với cơ sở y tế gần nhất.

Liên hệ ngay với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn; cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19: https://www.bluzone.gov.vn.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tiếp tục thực hiện 6 biện pháp bảo vệ trong phòng, chống dịch COVID-19:
- Vệ sinh tay
- Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi
- Không chạm tay lên mặt khi chưa rửa sạch tay
- Hạn chế ở những không gian kín hoặc nơi đông người.
- Giữ khoảng cách tối thiểu 1m
- Thường xuyên làm sạch và khử trùng các vật/bề mặt hay được chạm vào.

Hải Yến
Nguồn https://suckhoedoisong.vn/ban-tin-dich-covid-19-trong-24h-bv-da-chien-o-cung-the-thao-tien-son-se-di-vao-hoat-dong-trong-vai-ngay-nua-n178290.html