Trong khuôn khổ lễ hội Oóc-Om-Bóc – Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2020, UBND tỉnh Sóc Trăng vừa phối hợp cùng Bộ VH-TT-DL tổ chức lễ kỷ niệm “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu Dù kê”, đồng thời công bố quyết định công nhận 3 Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia của tỉnh Sóc Trăng.
Lễ công bố quyết định công nhận 3 Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia của tỉnh Sóc Trăng
Nghệ thuật sân khấu Dù kê của đồng bào Khmer Nam bộ ra đời vào những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX và nhanh chóng được công chúng đón nhận nhiệt tình, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người Khmer ở Nam bộ. Năm 2014, nghệ thuật sân khấu Dù kê của người Khmer Nam bộ được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Trải qua 100 năm hình thành và phát triển, nghệ thuật sân khấu Dù kê vẫn có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng dân tộc Khmer Nam Bộ
Trải qua 100 năm hình thành và phát triển, nghệ thuật sân khấu Dù kê luôn được bảo tồn và có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng dân tộc Khmer tại vùng ĐBSCL. Từ đó, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam và thể hiện truyền thống đoàn kết của các dân tộc anh em trên đất nước hình chữ S.
Nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc Ngũ Âm của người Khmer
Điệu múa Rom-Vong khá phổ biến của đồng bào dân tộc Khmer
Nghề làm bánh pía truyền thống của người Hoa tại Sóc Trăng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Tại buổi lễ, đại diện Bộ VH-TT-DL đã công bố quyết định cộng nhận 3 loại hình Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia của tỉnh Sóc Trăng gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian múa Rom-Vong, nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc Ngũ Âm của người Khmer (tỉnh Sóc Trăng) và nghề làm bánh pía truyền thống của người Hoa.