Giải mã nghịch lý ngành Công nghệ: "Đại bàng" gõ cửa nhưng nhân lực khép cửa”

Đăng bởi PV

01/11/2024 18:53

Ngày 1/11, tại Hà Nội, Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech đã phối hợp Trường Phổ thông liên cấp Đa Trí Tuệ tổ chức hội thảo “Giải mã nghịch lý ngành Công nghệ: "Đại bàng" gõ cửa nhưng nhân lực khép cửa”, nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao.

Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Kallol Mukherjee - Phó Chủ tịch Tập đoàn Aptech Ấn Độ chia sẻ: Nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao hiện nay ngày càng lớn. Chính vì vậy, việc các chuyên gia hàng đầu về giáo dục và công nghệ cùng nhau giao lưu trong buổi Hội thảo “Giải mã nghịch lý ngành Công nghệ: "Đại bàng" gõ cửa nhưng nhân lực khép cửa” có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm ra hướng đi để công tác đào tạo nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Hội thảo cũng nhằm phân tích mô hình phân bổ đào tạo công nghệ thông tin cho các cấp học tại các nước tiên tiến để khuyến nghị áp dụng phù hợp với Việt Nam. Qua đó, tìm ra giải pháp hiệu quả để giải bài toán nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, hướng tới mục tiêu Việt Nam sẵn sàng rộng cửa đón "đại bàng" công nghệ về “làm tổ”.

Trao đổi tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo Tô Hồng Nam nhấn mạnh: Để có được nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, cần tạo điều kiện tốt nhất về đào tạo nhằm trang bị kiến thức, cập nhật tri thức mới nhất, giúp các học sinh, sinh viên có nguyện vọng, đam mê, quyết tâm cao phát huy tốt nhất khả năng, tự tin đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Nghịch lý hiện nay là doanh nghiệp rất cần nhân lực chất lượng cao, trong khi đó, rất nhiều cử nhân, kỹ sư lại thất nghiệp, hoặc phải làm nghề khác. Việt Nam đang rất cần những sinh viên giỏi, ra trường làm được việc.

Để giải bài toán chất lượng đào tạo để các em được trang bị tốt về ngoại ngữ, kỹ năng nghề. Nói cách khác, cần có thêm nhiều chương trình đào tạo, trong đó, doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc xây dựng chuẩn đầu ra, còn nhà trường tăng cường mời những chuyên gia của doanh nghiệp giảng kiến thức thực tế cho sinh viên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Trong bối cảnh cạnh tranh, các trường phải tìm mọi cách nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút đầu vào sinh viên tốt nhất, động viên, tạo cảm hứng sáng tạo cho các em sinh viên.

Bà Nguyễn Thu Giang - Tổng thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), chia sẻ rằng Việt Nam có tiềm năng lớn với nguồn nhân lực trẻ đam mê công nghệ và giỏi toán học. Nhưng để biến nguồn nhân lực dồi dào thành nguồn lực có chất lượng cao cần nhiều thời gian, sự đầu tư và chiến lược đào tạo rõ ràng.

Tại chương trình đã diễn ra lễ ký kết và ra mắt Chương trình Đào tạo THPT Công nghệ Quốc tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong những năm gần đây, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm từ các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, NVIDIA, Intel... Tuy nhiên, các cơ hội hợp tác vẫn chưa được hiện thực hóa, các tập đoàn này phải tìm kiếm hướng đầu tư vào các thị trường khác do Việt Nam chưa đáp ứng được nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao (cả về lượng và về chất). Các nỗ lực giải quyết vấn đề này từ trước đến nay chỉ tập trung vào đổi mới công nghệ và phương pháp đào tạo, trong khi đó lại bỏ qua yếu tố then chốt đã được chứng minh hiệu quả tại nhiều quốc gia phát triển - đó là việc phân bổ hợp lý nội dung đào tạo giữa các cấp học.

Hiện nay, số lượng lập trình viên tại Việt Nam tương đối dồi dào, đã xuất hiện ngày càng nhiều các công ty có hàng nghìn lao động, là cơ sở để các doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, mang đến những công nghệ mới nhất, đưa vào thị trường Việt Nam, rút ngắn khoảng cách trình độ, tạo cơ hội việc làm rất lớn. Để giải bài toán nâng cao chất lượng nhân lực công nghệ thông tin, các chuyên gia khuyến nghị cần định hướng phân bổ hợp lý nội dung đào tạo giữa các cấp học, tăng cường ứng dụng sử dụng trí tuệ thông minh nhân tạo (AI) trong đào tạo, giúp học sinh, sinh viên nhanh chóng hội nhập trong công tác đào tạo công nghệ thông tin. Cần khơi gợi đam mê, giúp học sinh có nền tảng kiến thức, hình thành ý thức nghề nghiệp liên quan công nghệ thông tin, có tư duy logic tốt ngay từ khi học THCS, THPT. Với cấp học Đại học, sinh viên cần theo dõi xu thế công nghệ hình thành bởi các hãng lớn, dẫn dắt công nghệ toàn cầu để sớm rút ngắn khoảng cách về trình độ, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động…

Theo trang tuyển dụng TopDev thống kê cho thấy có tới 65% sinh viên IT tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp. Trên thực tế, trong 4 năm đại học, sinh viên chỉ có thời gian rất ngắn thực sự học các công nghệ lập trình thực tế để đi làm, phần lớn thời gian còn lại chia cho các môn đại cương, cơ sở, thực tập và làm đề án. Việc đặt kỳ vọng sinh viên Việt Nam có thể nắm vững các công nghệ, tích lũy kỹ năng và kinh nghiệm thực chiến chỉ trong thời gian đào tạo ngắn như vậy là điều bất khả thi. Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, trước khi sinh viên vào đại học đã thành thạo 1 số công nghệ lập trình như Python, Java,...

 

 

PV