Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã đến thăm trường Mầm non thôn Tiên Hội, Nhà văn hoá thôn Tiên Hội và trường THCS Ngô Quyền (thôn Đông Trù). Đây là 3 công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, đạt chuẩn Quốc gia. Sau khi hoàn thành, đã đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt cộng đồng và nâng cao chất lượng giáo dục của người dân trên địa bàn.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng đoàn công tác Trường THCS Ngô Quyền và một số cơ sở hạ tầng mới xây dựng của huyện Đông Anh
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Đông Anh cho biết, sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã huy động được 7.521 tỷ đồng để thực hiện chương trình. Trong đó, nguồn vốn do Nhân dân đóng góp lên tơi 254 tỷ đồng. Kết quả đến nay, 100% số xã trên địa bàn huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2016, huyện được Chính phủ trao bằng công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới (hoàn thành sớm 2 năm so với Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện). Nhân dân và cán bộ huyện Đông Anh cũng vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba vì có thành tích trong xây dựng nông thôn mới.
Kết quả xây dựng nông thôn mới trong 10 năm qua là tiền đề quan trọng để huyện phấn đấu xây dựng các xã, thị trấn thành phường, đưa huyện sớm trở thành quận từ nay đến năm 2025. Công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương luôn gắn liền với định hướng phát triển đô thị. Phát triển đô thị là tầm mức cao nhất của xây dựng nông thôn mới, góp phần đồng bộ hoá hạ tầng nông thôn, hướng tới việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn huyện…
Lãnh đạo huyện Đông Anh báo cáo đoàn công tác của Bộ NN&PTNT
Theo đó, để đạt được mục tiêu trở thành quận trong năm 2020, từ đầu năm đến nay, cùng với công tác phòng chống dịch bệnh, huyện Ðông Anh đã ban hành kế hoạch thực hiện phong trào thi đua "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", giai đoạn 2016 - 2020; chỉ đạo UBND các xã căn cứ thực tế để lập kế hoạch sản xuất phù hợp. Cùng với những chỉ đạo cụ thể cho từng thời điểm sát tình hình, huyện cũng bố trí thường xuyên từ 20 đến 25 tỷ đồng hỗ trợ người dân trong sản xuất nông nghiệp như: hỗ trợ thóc giống mới, nguyên chủng; giống thủy sản chất lượng cao; mô hình sản xuất rau an toàn, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp...
Ðồng thời, mở rộng sản xuất trong các khu, cụm, điểm công nghiệp, làng nghề nông thôn, khôi phục và phát triển mạnh các làng nghề thủ công truyền thống. Trong đó, chú trọng mở rộng quy mô một số nghề như: Sản xuất đồ gỗ dân dụng, mỹ nghệ, đồ gỗ ép phun sơn, sản xuất thép và cơ khí, tập trung tại các xã: Vân Hà, Liên Hà, Dục Tú, Thụy Lâm...Ðã xây dựng nhãn hiệu tập thể "Gỗ mỹ nghệ Vân Hà". Các nghề khác như: Làm tương, đậu phụ, bún, bánh chưng, bánh kẹo, giò chả, may mặc... đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân trong và ngoài huyện. Nhờ gắn kết giữa xây dựng NTM với phòng, chống dịch bệnh, sản xuất nông nghiệp trên toàn huyện đã có những khởi sắc, nhiều sản phẩm OCOP (thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đã được đưa đến tay người tiêu dùng trong huyện và thành phố, bảo đảm đời sống của người dân cũng như phát triển kinh tế địa phương. Đến nay huyện đã khảo sát, đánh giá được 233 sản phẩm của 84 chủ thể sản xuất. Trên cơ sở khảo sát, UBND huyện đang cùng đơn vị tư vấn xây dựng đề án OCOP giai đoạn 2020 - 2025, dự kiến trình HÐND huyện thông qua trong tháng 6.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu
Phát biểu tại buổi làm việc với huyện Đông Anh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã đánh giá cao kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện nói chung. Thứ trưởng đặc biệt ấn tượng với diện mạo mới của xã Đông Hội, địa phương nằm ven đô và đang định hướng xây dựng lên phường. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị Huyện cần tiếp tục đa dạng hoá nguồn lực, tiến tới nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, gắn với định hướng phát triển đô thị.
Chia sẻ về điểm nhấn trong xây dựng NTM của huyện Đông Anh, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Nông thôn mới thành phố Hà Nội nhận xét: “Quan điểm nhất quán của huyện Đông Anh là xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị văn minh. Trong thực hiện cuộc vận động "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", huyện đã đẩy mạnh huy động nguồn lực từ Nhân dân, doanh nghiệp và các tổ chức. Kết quả từ năm 2011 đến nay đã huy động được 7.523 tỷ đồng từ các nguồn để kiện toàn hệ thống hạ tầng nông thôn. Trong đó, nguồn từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP là: 1.159 tỷ đồng; ngân sách của huyện là 5.217 tỷ đồng; ngân sách các xã 626 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp xã hội hóa 223 tỷ đồng và vốn huy động từ nhân dân đóng góp 254 tỷ đồng; còn lại là huy động từ các nguồn khác…”.
Hạ tầng và cây xanh đô thị được Đông Anh đặc biệt quan tâm
Cũng theo Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Nông thôn mới thành phố Hà Nội, trong quá trình xây dựng NTM, huyện Đông Anh đã vận động Nhân dân ủng hộ 48,4ha đất nông nghiệp làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng; gần 2.000m2 đất thổ cư để làm công trình công cộng và hỗ trợ trên 302.100 ngày công lao động. Huyện đã hoàn thành đề án chiếu sáng 100% thôn, tổ dân phố vào năm 2019. Đến nay, đã thực hiện thu hồi trên 100ha đất phù hợp với quy hoạch để triển khai dự án trồng cây xanh theo hướng tiêu chuẩn đô thị trên địa bàn 24 xã, thị trấn. Riêng năm 2019, trên địa bàn huyện Đông Anh đã trồng mới được trên 11.800 cây xanh các loại, đạt 105% kế hoạch, dự kiến trong năm 2020 sẽ thực hiện trồng thêm khoảng 33.000 cây xanh. Ngoài ra, huyện còn thực hiện xây dựng các vườn ươm cây bóng mát đô thị và vườn ươm hoa, đến nay đã xây dựng được 45 vườn ươm, tổng diện tích khoảng 53.000m2…
BÀI VIẾT THEO CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP VỚI VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TP. HÀ NỘI
Địa chỉ: số 73 Lê Hồng Phong - Hà Đông - Hà Nội Điện thoại: 024.33602178; Email: nvchisxttmnnhanoi@gmail.com