ĐH Luật Đại học Đà Lạt thu hút sinh viên nhờ chương trình đào tạo gắn với thực tiễn

Đăng bởi Chu Quốc Hùng (TTXVN

05/12/2020 10:17

Từ 3 năm nay, Trường đại học Đà Lạt đã trở thành địa chỉ lựa chọn của sinh viên khu vực miền Trung, Tây Nguyên cho tới các tỉnh Nam Trung bộ. Riêng năm học 2020- 2021, trường Đại học này đã tuyển sinh được tới trên 98% so với chỉ tiêu đặt ra.

Nguyên nhân được cho là nhờ chất lượng đào tạo ngày càng gần gũi với thực tiễn cuộc sống, nên tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm rất cao. 

Chú thích ảnh

Trường đại học Đà Lạt. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN

Đại học Đà Lạt đào tạo 33 ngành học, trong đó có các ngành lớn là Quản trị Du lịch và Lữ hành, Quản trị kinh doanh, Đông phương học. Đặc biệt ngành Luật được coi là ngành "xương sống" của trường, bởi ngoài giảng dạy trong nhà trường, đơn vị còn tổ chức các khóa đào tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Chỉ trong 17 năm kể từ khi được thành lập, khoa Luật đã đào tạo được gần 20.000 sinh viên cả hệ chính quy và vừa học, vừa làm. So với các trường đào tạo ngành Luật trong cả nước, bắt đầu từ khóa 44 (năm học 2020- 2024), khoa Luật Đại học Đà Lạt trở thành cơ sở đào tạo ngành Luật đầu tiên của cả nước được kiểm định chất lượng theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, khoa Luật Đại học Đà Lạt có bộ môn học “độc nhất vô nhị”, đó là môn "Luật tục", chưa có cơ sở đào tạo ngành Luật nào trên cả nước đào tạo ngành này.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, Giảng viên khoa Luật Đại học Đà Lạt cho biết: Tây Nguyên là địa bàn cư trú truyền thống của nhiều cộng đồng tộc người thiểu số, trong đó có các dân tộc tại chỗ như: người Cơ Ho, Mạ, Churu, M’Nông, Ê Đê, Ba Na, Gia Rai... Các cộng đồng tộc người thiểu số Tây Nguyên có đời sống văn hóa đặc sắc dựa trên phong tục, tập quán ngàn đời lưu truyền trong lịch sử. Nhiều phong tục tập quán mang đặc tính tộc người nói chung và ở từng địa bàn cư trú cụ thể được chọn lọc làm cơ sở pháp lý để tổ chức, quản lý dân cư trong cộng đồng.

Cùng với pháp luật của Nhà nước, luật tục cũng góp phần tổ chức và quản lý dân cư ổn định, phát triển. Luật tục bảo vệ sự bình yên trong gia đình, cấm việc bỏ chồng, bỏ vợ, ngoại tình. Nếu vợ chồng bỏ nhau sẽ bị phạt 1 con trâu; nếu cãi cọ hoặc đánh nhau, gia đình và dòng họ phân xử, báo cáo lên già làng sẽ bị phạt 5 con gà và 1 ché rượu cần… Hoặc trong vấn đề bảo vệ môi trường, mỗi phạm vi buôn làng Tây Nguyên có 4 loại rừng. Trong đó có một khu rừng thiêng, cấm tuyệt đối mọi thành viên và người ngoài xâm phạm. Luật tục quy định nghiêm ngặt việc bảo vệ nguồn tài nguyên này và môi trường sinh thái: Cho phép săn bắn, kiếm củi ở rừng thiêng, nhưng nếu làm cháy rừng, đốn cây to đều bị phạt 1 con dê hoặc 1 con heo lớn. Luật tục quy định tài sản chung của cộng đồng là rừng rú, sông hồ, ao suối, mọi thành viên trong buôn làng và cả láng giềng phải có trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn. Những tội hủy hoại (làm cháy rừng, ô nhiễm nguồn nước…) đều bị phạt nặng, thậm chí bị đuổi ra khỏi buôn làng và không có buôn làng nào chứa chấp…

Trong thực tế, pháp luật của Nhà nước dù có hoàn chỉnh đến đâu cũng không thể điều chỉnh hết mọi quan hệ, nhất là ở cộng đồng các dân tộc thiểu số, nơi mà văn hóa truyền thống, tập quán canh tác ăn sâu vào nếp nghĩ của đồng bào, nơi thói quen ngàn đời không dễ gì thay đổi, luật tục đóng vai trò hỗ trợ tốt, nếu không muốn nói là chủ đạo cho việc thi hành pháp luật. Năm 2005, Trường Đại học Đà Lạt tổ chức thành công Hội thảo khoa học: Luật tục với thi hành pháp luật; nhờ đó, nhiều giải pháp được đề xuất, trong đó có việc nhận thức đúng giá trị và các mặt hạn chế của luật tục, góp phần xây dựng, vận dụng hương ước vào việc quản lý làng xã, thôn, bon, buôn… của đồng bào các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên.

Anh Ksor Huân, người dân tộc Gia Rai, hiện là Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng (huyện Di Linh- Lâm Đồng) cho biết anh học khoa Luật khóa 35 (2011- 2015) tại Trường Đại học Đà Lạt. Nay trở về địa phương công tác mới thấy kiến thức được đào tạo trong trường, nhất là môn "Luật tục" rất bổ ích khi áp dụng vào điều hành công việc. Xã Đinh Trang Thượng có tới 90% đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên. Nhiều khi giải quyết các vụ việc phức tạp tại địa phương, nếu chỉ áp dụng các quy định của pháp luật để giải quyết, bà con không phục. Nhưng khi đưa ra các kiến thức của môn "Luật tục" được học, nhờ thêm tiếng nói của các già làng, người có uy tín, nhiều vụ việc đã được giải quyết ổn thỏa. Ví dụ như năm 2020, có 2 vụ ly hôn đã được hòa giải thành công; vài vụ tranh chấp đất đai, nguồn nước cũng được giải quyết ổn thỏa. Những kinh nghiệm xử lý các vụ việc này còn được sân khấu hóa để bà con dễ hiểu về pháp luật của nhà nước, luật tục của ông bà…

Phó Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Văn Kết, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt cho biết: Đại học được thành lập từ năm 1976, tiền thân là Viện Đại học Đà Lạt, bắt đầu đào tạo đại học từ niên khóa 1958- 1959. Khoa Luật được thành lập từ năm 2003, còn rất non trẻ so với lịch sử của trường. Tuy nhiên trong mặt bằng chung của nhà trường, gần đây khoa có nhiều giảng viên được đào tạo từ nước ngoài, nhiều giảng viên được đào tạo bài bản, nên trở thành ngành đào tạo lớn nhất. Mỗi năm, khoa đào tạo 350 sinh viên tại trường, cùng hàng nghìn sinh viên theo diện liên kết đào tạo tại các khu vực Đông Nam bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo khảo sát của nhà trường, hầu hết, các sinh viên khoa Luật ra trường đều có việc làm trong các cơ quan nhà nước, hệ thống chính quyền hoặc các doanh nghiệp, văn phòng Luật… Đáng chú ý, trong 3 năm gần đây, gia đình những học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông thay vì chọn các trường tại Thành phố Hồ Chí Minh nay đã quay lại với Đại học Đà Lạt. Sinh viên tại khu vực miền Trung, Tây nguyên, các tỉnh Đông Nam bộ cũng lựa chọn Đại học Đà Lạt vì chất lượng đào tạo, cộng thêm khí hậu được thiên nhiên ưu đãi… Bởi vậy, năm học 2020- 2021, trường đã tuyển được 2.770 sinh viên trong tổng số 2.800 chỉ tiêu đặt ra…

 

Chu Quốc Hùng (TTXVN
Nguồn https://baotintuc.vn/giao-duc/dh-luat-dai-hoc-da-lat-thu-hut-sinh-vien-nho-chuong-trinh-dao-tao-gan-voi-thuc-tien-20201205074321560.#htm