Để điều trị mụn đúng cách và có hiệu quả cao chúng ta cần nhận biết chúng. Không phải loại mụn nào cũng giống nhau, chúng có tên khác, đặc tính khác và cách “tiêu diệt” chúng cũng khác.
Bài viết này Ngọc Anh sẽ chỉ cho bạn cách nhận biết 7 loại mụn thường gặp nhất trên da.
Mụn đầu trắng
Là loại mụn nằm bên dưới lỗ chân lông, nổi li ti lên bề mặt da và có màu trắng. Mụn đầu trắng được hình thành khi tế bào chết, vi khuẩn, bụi bẩn mắc kẹt ở lỗ chân lông và chúng thường mọc ở những nơi nhiều dầu trên mặt như cằm, mũi, má hoặc bất kỳ đâu trên cơ thể.
Mụn đầu đen
Hầu như ngược lại hết các đặc tính của mụn đầu trắng, mụn đầu đen thường có màu đen, mọc chễm chệ trên bề mặt da.
Chúng được hình thành khi tế bào chết, vi khuẩn, bụi bẩn, bã nhờn làm bít tắc lỗ chân lông. Mụn đầu đen khá cứng, chúng thường mọc trên mũi và 2 bên má.
Mụn bọc
Một trong những loại mụn khiến khổ chủ đau đớn mất ăn mất ngủ chính là mụn bọc. Chúng là tình trạng nặng của mụn bị viêm.
Mụn bọc rất dễ nhận biết bởi chúng sưng to hơn nhiều loại mụn thông thường, sờ vào thấy cứng và đỏ. Bên trong mụn bọc chứa nhiều máu, mủ và gây đau nhức rất khó chịu.
Nguyên nhân sinh ra mụn bọc là do chất nhờn, bụi bẩn tích tụ bên dưới da làm tắc nghẽn nang lông lâu ngày gây ra viêm và cuối cùng là hình thành nên mụn bọc.
Mụn đỏ
Mụn đỏ là mụn có màu đỏ thường xuất hiện ở hai bên má, cằm và trán. Chúng tạo nên các vết sưng tấy và gây đau đớn tùy theo tình trạng mụn.
Đặc điểm khó chịu của loại mụn này là không dễ thấy được nhân mụn nên rất khó điều trị.
Nguyên nhân gây nên mụn đỏ là tế bào chết và các chất bụi bẩn tích tụ làm tắc lỗ chân lông, việc nặn mụn không đúng cách cũng làm tình trạng này nặng hơn. Nếu lâu ngày không điều trị, mụn đỏ sẽ chuyển thành mụn bọc.
Mụn nang
Mụn nang là loại mụn hình thành xung quanh các nang lông do bã nhờn, vi khuẩn và tế bào chết mắc kẹt trong lỗ chân lông gây ra.
Mụn nang là tình trạng nặng của mụn trứng cá, hầu hết chúng không có đầu mụn, sưng u lên bề mặt da, có màu đỏ, bên trong chứa mủ và lớn dần theo thời gian nếu không điều trị. Khi chạm vào sẽ gây đau nhức. Mụn nang thường mọc ở nơi tiết nhiều dầu trên mặt.
Mụn ẩn
Mụn ẩn có những đặc điểm rất hợp với tên gọi, chúng không sưng, không đau, không viêm và không thấy cồi mụn. Chúng mọc sâu bên trong da và ở đó rất lâu, nhìn lên da sẽ thấy sần sùi, gồ ghề.
Đây cũng là một loại mụn rất “đoàn kết” bởi chúng thường mọc theo từng cụm, kích thước mỗi mụn nhỏ nhưng lại có tốc độ lan ra rất rộng. Mụn ẩn thường đóng đô ở trán, cằm và 2 bên má.
Nhưng nếu không có hướng điều trị kịp thời chúng sẽ nhân rộng khắp mặt và dẫn đến mụn viêm. Nguyên nhân hình thành lên loại mụn này là sự tắc nghẽn lỗ chân lông cùng thói quen sinh hoạt không khoa học.
Sợi bã nhờn
Nhiều người nhầm sợi bã nhờn với mụn đầu trắng thực ra nếu nhìn kỹ bạn sẽ rất dễ phân biệt chúng. Sợi bã nhờn có kích thước rất nhỏ, thường mọc thành cụm với nhau ở phần cằm và 2 cánh mũi. Khi nặn ra sẽ thấy hình dạng từng sợi li ti màu trắng. Chúng được tạo thành bởi tế bào chết, vi khuẩn và bã nhờn tích tụ quanh nang lông.
Kết luận
Ông bà ta nói “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, có vẻ như câu nói này cũng được áp dụng vào vấn đề trị mụn đấy.
Chúng ta cần nhận biết các loại mụn, nắm thật kỹ các đặc tính cơ bản của chúng, từ đó sẽ dễ dàng tìm ra cách điều trị triệt để hơn.
À nếu nàng nào đang bối rối vì bị mụn hoài từ năm này sang năm khác mà không biết bắt đầu chữa trị từ đâu thì tham khảo bài hướng dẫn điều trị các loại mụn toàn tập mà Ngọc Anh rút ra từ kinh nghiệm của chính bản thân mình và muốn chia sẻ lại với các nàng nha ở bài đấy nha.
Theo Trẻ Organic