Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bão hiện cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 680 km, giật cấp 10.
Hôm nay bão theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7h ngày 22/10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 440 km về phía Đông, sức gió mạnh nhất tăng lên 100 km/h, cấp 9-10, giật cấp 12.
Sau đó, bão thay đổi về hướng, chếch lên Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10 km và có khả năng mạnh thêm.
Đài Nhật Bản cho biết sáng nay sức gió mạnh nhất của bão là 65 km/h, gió giật 90 km/h. Trong hôm nay, sức gió sẽ tăng lên lần lượt 72 và 108 km/h và đạt cực đại vào ngày 23/10 là 110 và 150 km/h. Đài Hong Kong nhận định bão sẽ mạnh lên 120 km/h vào ngày 24/10 khi đang ở giữa Biển Đông sau đó giảm dần.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) là từ vĩ tuyến 14,5 đến 18; từ kinh tuyến 114,5 đến 120. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm có nguy cơ chịu tác động của gió giật mạnh.
Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã yêu cầu các tỉnh thành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, thông báo cho chủ phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Hai tuần qua, Biển Đông xuất hiện hai áp thấp nhiệt đới và hai cơn bão, đều ảnh hưởng đến Việt Nam, gây mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất. Tất cả đều phát triển từ các xoáy thấp nằm trong dải hội tụ nhiệt đới nối từ vịnh Bengal, vắt qua Trung Bộ và tới vùng biển Philippines.
Thống kê đến sáng 20/10, thiên tai đã làm 105 người chết, 27 người mất tích, hơn 170.000 nhà dân ngập lụt, giao thông qua Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh bị chia cắt.