Tuyên Quang: Song hành phát triển kinh tế và văn hoá

Đăng bởi Huyền Linh

15/09/2020 10:56

Cùng với chú trọng phát triển kinh tế, Tuyên Quang luôn quan tâm đến phát triển văn hóa, đặc biệt là việc bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội truyền thống; các phong tục, nét sinh hoạt đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn...

Nghệ nhân Hoàng Lục Thái, Chủ nhiệm CLB Soọng cô, xã Sơn Nam, Sơn Dương (Tuyên Quang) hướng dẫn các cháu hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Mặc dù tuổi đã cao nhưng nghệ nhân Hoàng Lục Thái, dân tộc Sán Dìu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Soọng cô xã Sơn Nam (Sơn Dương) vẫn say sưa truyền dạy những câu hát Soọng cô cho thế hệ trẻ ở địa phương. Hằng năm, vào dịp hè, ông đều mở các lớp dạy hát Soọng cô cho các cháu nhỏ trong và ngoài thôn. Hè năm 2020, ông đã mở 2 lớp dạy cho 50 cháu. Ngoài dạy hát ông còn dạy các cháu học nói, chữ viết của dân tộc. Ông Thái chia sẻ, đây là cách làm hiệu quả để ông góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Cùng với CLB Soọng cô xã Sơn Nam, đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 200 CLB đàn hát dân ca và bảo tồn văn hóa dân tộc; 70 CLB hát Then, đàn Tính; 6 CLB hát Páo dung của dân tộc Dao, 13 CLB hát Sình ca của dân tộc Cao Lan... Đây chính là những lực lượng nòng cốt trong phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở. Qua đó cho thấy, cùng với phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, tỉnh luôn quan tâm đến phát triển văn hóa.

Tỉnh đã có 10 di sản được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Nhờ làm tốt công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn, tỉnh đã trở thành địa chỉ đỏ để nhân dân trong cả nước đến tham quan, du lịch. Đặc biệt, các loại hình dịch vụ du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, dịch vụ homestay phát triển đã mang lại thu nhập cho nhiều hộ dân, đời sống người dân ngày càng được nâng lên.

Động lực để phát triển kinh tế

Đồng chí Phúc Thị Xuyên, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới đã được triển khai rộng khắp, ngày càng có chiều sâu trên địa bàn tỉnh. Qua đó, các phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng được đẩy mạnh gắn với xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản, tổ nhân dân văn hóa, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi tại các địa phương.

Dịch vụ du lịch homestay Nặm Đíp, xã Lăng Can, Lâm Bình (Tuyên Quang) phát triển góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Quang Hòa

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đã tích cực tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm, dạy nghề cho người dân; xây dựng nhiều mô hình, dự án trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, có nhiều mô hình phát triển kinh tế phong phú, đa dạng, không chỉ làm giàu cho hộ gia đình, mà còn tạo việc làm và thu nhập cho người lao động các địa phương. Tiêu biểu như: Mô hình chế biến tinh bột nghệ Tiến Phát của hộ ông Đào Duy Tiến, xã Cấp Tiến (Sơn Dương), doanh thu trên 2,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương; mô hình sản xuất miến dong Hợp Thành của hộ ông Phạm Đình Thắng, xã Lực Hành (Yên Sơn), thu nhập trên 450 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 150 lao động; mô hình trồng rừng, kinh doanh, vận chuyển lâm sản, nguyên liệu giấy, nguyên vật liệu xây dựng của hộ chị Hà Thị Thắm, thôn Tân Hội, xã Tân An (Chiêm Hóa) tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng... Nhờ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh giảm bình quân hơn 4%, vượt kế hoạch đề ra; đến hết năm 2019, giảm còn 11,8%.

Đặc biệt, phong trào xây dựng nông thôn mới đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Để khuyến khích người dân tham gia xây dựng các công trình công cộng, công trình dân sinh phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa ở địa phương HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03 ngày 13-7-2016 quy định mức hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên và một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2020. Kết quả, sau 5 năm triển khai, toàn tỉnh đã hoàn thành 505 nhà văn hóa gắn với sân thể thao và khuôn viên, tổng kinh phí đầu tư trên 255 tỷ đồng, trong đó kinh phí Nhà nước hỗ trợ trên 144 tỷ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp. Cùng với đó, các công trình như kênh mương nội đồng, đường bê tông nông thôn... đã thu hút người dân tham gia đóng góp, tạo nên bộ mặt nông thôn mới vừa xanh, sạch đẹp, vừa phục vụ thiết thực cho đời sống và phát triển sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh đã có 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến hết năm 2020 có 46 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Phát triển kinh tế luôn song hành với phát triển văn hóa, văn hóa chính là động lực để kinh tế phát triển. Chính vì vậy, cùng với nhiều giải pháp phát triển kinh tế, tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đến lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Huyền Linh
Nguồn http://vanhien.vn/news/song-hanh-phat-trien-79333

Bạn đang đọc bài viết "Tuyên Quang: Song hành phát triển kinh tế và văn hoá" tại chuyên mục Văn hóa - Thông tin.

Đọc các tin bài có liên quan tại trang https://nongthonvaphattrien.vn/