Thường Tín - Hà Nội: Phấn đấu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Đăng bởi Thu Dung

07/08/2020 19:29

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân". Đến nay huyện Thường Tín đã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Huyện Thường Tín nằm ở phía nam thủ đô Hà Nội, có diện tích tự nhiên 13.040,89 ha, dân số 257.019 người. Huyện có hệ thống giao thông thuận tiện cả về đường bộ và đường thủy; đường bộ có tuyến đường quốc lộ 1A, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và đường sắt bắc – nam, nhiều các tuyến đường tỉnh lộ, đường liên kết vùng đang được đầu tư mở rộng, xây dựng mới. Đường thủy chạy dọc sông Hồng đi qua địa bàn 08 xã phía đông huyện kết nối giao thông với tỉnh Hưng Yên và các tỉnh lân cận.

Đến nay huyện có 28/28 xã đạt chuẩn NTM, 01 xã Hồng Vân đạt NTM nâng cao.Trong năm 2020 huyện phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đối với tiêu chí huyện NTM, huyện Thường Tín đạt 9/9 tiêu chí và qua lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM của huyện đạt 99,37%.

Về kết quả triền khai chương trình OCOP: Năm 2019 huyện đã có 22 sản phẩm được UBND Thành phố cấp chứng nhận đạt 4 sao cho 05 chủ thể ở 02 nhóm ngành (thực phẩm, lưu niệm – nội thất – trang trí). Phấn đấu đến hết năm 2020 huyện có 100 sản phẩm tiềm năng tham gia phân hạng.

Điểm du lịch làng nghề hấp dẫn

Xã Hồng Vân được Thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2019, xã có 01 sản phẩm OCOP được Thành phố cấp chứng nhận 4 sao, có 02 làng nghề truyền thống sinh vật cảnh. Xã được Thành phố công nhận là điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh, nơi đây nổi tiếng với nghề trồng cây cảnh, có giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng đồng bộ - hiện đại. Những con đường của xã được đầu tư nâng cấp, bê tông hóa khang trang. Ấn tượng hơn cả là những tuyến đường hoa được địa phương và người dân chung tay xây dựng. Sau khi những con đường nở hoa, chính quyền đã họp bàn với người dân, thống nhất đặt tên đường theo tên những loài hoa. Đó là lý do hiện nay, đi qua các tuyến đường trên địa bàn xã, du khách có thể dễ dàng bắt gặp đường Hoa Ban, đường Hoa Giấy, đường Cây Sanh, đường Lộc Vừng, đường Quả Mộc…

Song song với tham quan trải nghiệm, du khách còn được mục sở thị quy trình sản xuất, thưởng thức đặc sản của xã Hồng Vân, đặc biệt là trà chùm ngây. Đây là một trong số ít sản phẩm đầu tiên vừa được UBND TP Hà Nội đánh giá, xếp hạng 4 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Cùng với những trải nghiệm về đời sống nông thôn, du khách sẽ được ghé thăm những điểm đến di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn xã như: Lăng đá Quận Vân, Nhà bia Tiến sĩ Nguyễn Ý, đình Xâm Xuyên, nhà thờ Cơ giáo – Bằng Sở…

Định hướng phát triển đến năm 2025

Huyện Thường Tín được Thành phố quy hoạch là vùng đệm xanh của Thủ đô nên trong thời gian tới huyện định hướng xây dựng nông thôn mới gắn với tiến trình đô thị hóa của huyện. Phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 82 triệu đồng trở lên/năm, tốc độ đô thị hóa đạt 33,5%, cơ bản đạt chuẩn NTM nâng cao, 05 xã đạt NTM kiểu mẫu, 01 xã đạt NTM kiểu mẫu Thủ đô và mỗi xã một sản phẩm tập trung vào phát triển sản phẩm làng nghề, nông sản đặc trưng của địa phương để khai thác tiềm năng du lịch ở vùng nông thôn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao hiệu quả sự dụng đất, tăng thu nhập cho người dân và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, phát triển tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp thông qua việc mua bán sản phẩm cho du khách và du khách chính là người quảng bá hình ảnh, sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp của huyện Thường Tín.

Buổi làm việc của Bộ NN&PTNT làm việc với huyện Thường Tín

Giai đoạn 2021 – 2025 huyện tập trung hướng đến đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP đối với các sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm làng nghề và khuyến khích các chủ thể sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường chất lượng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, để khẳng định chất lượng sản phẩm, lan tỏa thương hiệu OCOP.

Để thực hiện thành công mục tiêu trên, huyện Thường Tín đề ra một số giải pháp chủ yếu: Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân tạo sự thống nhất, đồng thuận trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Vận động doanh nghiệp, tổ chức, nhân dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh triển khai xây dựng các hạng mục công trình, ưu tiên công trình phục vụ sản xuất phát triển kinh tế, công trình phục vụ giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường nông thôn. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh OCOP, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP. Gắn chường trình OCOP với phát triển du lịch nông thôn để thúc đẩy chương trình OCOP.

Thu Dung
Nguồn Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết "Thường Tín - Hà Nội: Phấn đấu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu" tại chuyên mục TIN TỨC.

Đọc các tin bài có liên quan tại trang https://nongthonvaphattrien.vn/