Tham dự buổi lễ có sự góp mặt của bà Ngô Thị Thanh Hằng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khóa XVI, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”; bà Nguyễn Thị Tuyến - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thành phố và người dân trên địa bàn thị xã Sơn Tây.
Lễ công bố và đón nhận danh hiệu Thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019 của thị xã Sơn Tây
Các đại biểu tới tham dự buổi lễ
Vào những năm 2010, khi bắt đầu từng bước xây dựng nông thôn mới thị xã Sơn Tây đã gặp không ít khó khăn, thử thách. Tất cả 6 xã trên địa bàn Sơn Tây đều chưa có quy hoạch về sử dụng đất, quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển khu dân cư, các tiêu chỉ để đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đều chưa đạt yêu cầu như kinh tế chậm phát triển, thu nhập bình quân đầu người còn chưa cao, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao…
Trong suốt 10 năm Sơn Tây đã đầu tư nguồn lực lớn để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với các tiêu chí về xây dựng hoàn thiện nông thôn mới. Đến năm 2020, 19/19 tiêu chí của 6 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới, đặc biệt có nhiều nhóm tiêu chí còn đạt kết quả cao như tỷ lệ họp nghèo khu vực nông thôn giảm còn 0.3%, thu nhập bình quân đầu người đạt 46,6 triệu đồng/người/năm tăng 2.7 lần so với năm 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10%/năm, hơn 89% người dân thị xã Sơn Tây tham gia bảo hiểm y tế, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn được đảm bảo và giữ vững…
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thị xã Sơn Tây đã và đang xây dựng triển khai nhiều mô hình kinh tế nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa mang lại giá trị cao. Sơn Tây đã tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp từ các sản phẩm hiện có gắn với tập trung mô hình trồng trọt theo vùng, nâng cấp hệ thống kênh mương để cung cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Sơn Tây cũng đặc biệt chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết từ trồng trọt đến chăn nuôi mang lại các kết quả cao như mô hình nuôi gà Mía Sơn Tây, nuôi ong lấy mật tại xã Kim Sơn, nuôi cá trắm đen tại xã Thành Mỹ…
Mô hình nuôi ong lấy mật của xã Kim Sơn
Mô hình nuôi gà Mía của Sơn Tây
Đặc biệt 2 mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao là mô hình nuôi ong lấy mật của tổ hợp tác nuôi ong lấy mật xã Kim Sơn, nuôi gà Mía của hội chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía Sơn Tây. Cụ thể với mô hình nuôi ong lấy mật đang được thị xã Sơn Tây đặc biệt tạo những điều kiện thuận lợi nhất để mô hình phát triển và nhân rộng: Tháng 9 năm 2017 thị xã Sơn Tây đã triển khai chương trình hỗ trợ phát triển nghề nuôi ong lấy mật các hộ gia đình tham gia sẽ được hỗ trợ 300 đàn ong và 1000 vỏ thùng ong. Mỗi năm doanh thu từ nuôi ong đạt 800 triệu đến 1 tỷ đồng, cùng với sự quan tâm và ủng hộ của Thành phố thị xã Sơn Tây đã xây dựng thành công nhãn hiệu mật ong Kim Sơn các sản phẩm được cung cấp ra thị trường đã có nhãn mác xuất sứ rõ ràng.
Từ những kết quả đạt được, Bà Ngô Thị Thanh Hằng đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã Sơn Tây hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến chúc mừng và biểu dương các thành tích mà thị xã Sơn Tây đã đạt được cũng như yêu cầu tiếp tục duy trì, nâng cao hơn nữa các tiêu chí theo hướng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, cần tập trung phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các chỉ tiêu đề ra, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của địa phương đã được đề ra trong văn kiện Đại hội Đảng bộ thị xã, nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm sau đó.
Cùng với đó, bà Nguyễn Thị Tuyến cũng nhấn mạnh: “Thị xã nên tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; chú trọng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, nên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong nuôi trồng và sản xuất, bảo đảm phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả, triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) bảo đảm yêu cầu, hiệu quả và phát triển thị trường tiêu thụ”
Nguyễn Thị Tuyến - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội phát biểu tại buổi lễ
Tính đến nay toàn Thành phố đã có 355/382 xã cùng 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong đó có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao do UBND Thành phố công nhận. Theo dự kiến, đến cuối năm 2020, Hà Nội sẽ sớm nâng lên 371/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.