Ảnh minh họa nguồn internet
Cuốn sách “Dòng tranh dân gian Hàng Trống” được tác giả hoàn thành trong thời gian ở nhà tránh dịch COVID-19. Sách dày 340 trang, in bốn màu trên giấy đẹp, bìa sách in bức tranh Tố nữ. Ngoài những bản phổ thông bìa mềm, tác giả còn in 100 bản giới hạn dành cho người sưu tầm và chơi sách.
Đặc biệt, 5 bản bìa da, khâu tay, do nghệ nhân Nguyễn Đức Khuynh thực hiện, có chữ ký, triện son của tác giả và nghệ nhân đóng sách. Bản bìa da được đặt trong hộp sơn mài, tặng kèm 1 bức tranh “Độc hổ” có chữ ký và triện của Nghệ nhân Ưu tú Lê Đình Nghiên - người lưu giữ nghề làm tranh Hàng Trống nổi tiếng.
Ngoài lời nói đầu, cuốn sách “Dòng tranh dân gian Hàng Trống” gồm 5 chương: “Lịch sử tranh dân gian Hàng Trống”, “Nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống”, “Kĩ thuật vẽ tranh dân gian Hàng Trống”, “Phân loại tranh dân gian Hàng Trống”, “Tranh dân gian Hàng Trống trong đời sống đương đại”.
Một điểm nhấn của cuốn sách là có gần 400 bức tranh, ảnh, trong đó nhiều tranh, ảnh tư liệu quý được sưu tập từ nhiều nguồn khác nhau. Số tranh, ảnh khác được trực tiếp chụp từ các bộ sưu tập tranh dân gian Hàng Trống của chính tác giả - nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa hoặc của các nhà sưu tập khác. Đặc biệt, hàng trăm bức ảnh chụp được Nghệ nhân Ưu tú Lê Đình Nghiên cùng con trai Lê Hoàn mô tả, minh họa tỉ mỉ các công đoạn làm tranh. Một số ảnh, tranh có giá trị tư liệu cao được chính gia đình nghệ nhân tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên cung cấp.
Tại lễ ra mắt sách, Nghệ nhân Ưu tú Lê Đình Nghiên xúc động chia sẻ, đã có rất nhiều cuốn sách viết về tranh Hàng Trống, nhưng khi nhìn cuốn sách này ông rất ngỡ ngàng về cách viết của tác giả Thu Hòa và chất lượng cuốn sách. Sách được in đẹp, cẩn thận, đặc biệt là bên cạnh những tác phẩm tranh Hàng Trống in trong sách rất sắc nét, tác giả còn chú thích rất rõ tên, ý nghĩa của từng bức tranh, chú giải những minh văn trong tranh… Từ đó, độc giả có thể hiểu cặn kẽ hơn về sự ra đời, phát triển của dòng tranh dân gian Hàng Trống cũng như những bức tranh Hàng Trống từ xưa đến nay. “Nhờ những người yêu tranh hàng trống mà nghệ nhân có thêm động lực để yêu nghề, giữ nghề mà cha ông để lại”, nghệ nhân ưu tú Lê Đình Nghiên nói.
Ảnh minh họa nguồn internet
Tác giả - nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết, để viết cuốn sách này, chị đã trực tiếp gặp Nghệ nhân Ưu tú Lê Đình Nghiên và con trai ông là anh Lê Hoàn để ghi chép lại nhiều câu chuyện, tư liệu bổ ích.
Thông qua cuốn sách, tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa mong muốn bắc thêm một cây cầu để nối tranh dân gian Hàng Trống với cuộc sống hiện tại; cung cấp tư liệu cần thiết về dòng tranh dân gian nổi tiếng, từ đó lan tỏa, đánh thức tình yêu văn hóa truyền thống trong tâm hồn thế hệ trẻ...
Tranh dân gian Hàng Trống từ lâu đã gắn liền với đời sống văn hóa của người Kinh Kỳ - Kẻ Chợ. Đây là một trong những dòng tranh dân gian độc đáo, phổ biến nhất ở Việt Nam.
Tranh dân gian Hàng Trống có đề tài đa dạng: Tranh lịch sử, tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh trang trí, tranh sinh hoạt xã hội… Nhờ thế, dòng tranh này có mặt trong nhiều tầng lớp trong xã hội, được treo ở nhiều không gian khác nhau. Tranh Hàng Trống thường xuất hiện nhiều trong dịp Tết hay trong những nghi lễ thờ cúng. Có thể kể đến một số bức tranh nổi tiếng của dòng tranh này như: “Lý ngư vọng nguyệt”, “Thất đồng”, “Ngũ hổ”, “Tố nữ”; bộ tranh truyện: “Hoa Tiêu, Kiều…; bộ tranh về cảnh dạy học, cảnh nhà nông hay các kiểu khác: Canh, tiều, ngư, mục (nhà nông, tiều phu, đánh cá, chăn trâu); các tranh thờ: Tam toà Thánh Mẫu, Phật, Tứ phủ, Ngọc hoàng...