Tổng hợp những thông tin thu thập được cùng với kết quả khảo sát thưc địa, tháng 5 năm 2020, tổ chức Liên kết Con người và Thiên nhiên (Pan &Nature) đã công bố báo cáo “ Voi Tây Nguyên, quần thể suy giảm đe dọa sự tồn vong”. Báo cáo đã tập trung phân tích thực trạng bảo tồn đồng thời đưa ra các khuyến nghị với hy vọng góp phần cải thiện bức tranh bảo tồn voi ở Tây Nguyên. Diễn đàn xin được chia sẻ một số nội dung cơ bản về ván đề này
Đàn voi Tây Nguyên Ảnh: Pan&Nature
Khái quát về khu vực và đàn voi ở Tây Nguyên
Khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng có tổng diện tích tự nhiên 54.641km2 và trên 5,8 triệu dân sinh sống. Theo số liệu thống kê, vào năm 2018, tổng diện tích có rừng của vùng là 2.557.322 ha, đạt tỷ lệ che phủ trên 46% diện tích tự nhiên. Là một trong những vùng có tính đa dạng sinh học rất cao, Tây Nguyên có 6 vườn quốc gia, 5 khu bảo tồn thiên nhiên, 2 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, trở thành khu vực giữ vai trò rất quan trọng trong bảo tồn những loài động vật hoang dã quý hiếm nằm trong Sách Đỏ của thế giới và Việt Nam.
Đàn voi Tây Nguyên thuộc phân loài voi châu Á sinh sống tại Việt Nam, hiện được xếp vào bậc Nguy cấp trong danh mục sách Đỏ của tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) và cấp cực kỳ nguy cấp theo Sách Đỏ Việt Nam. Với thực trạng diễn ra, quần thể voi ở đây được xếp trong Phụ lục I của Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Những năm trước đây, đàn voi Việt Nam có vùng phân bố khá rộng, từ Lai Châu dọc theo dãy Trường Sơn tới Bình Phước, Tây Ninh và một số tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ như Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo kết quả điều tra năm 2001-2002, ở các tỉnh Lai Châu, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa-Thiên-Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Gia Lai, Lâm Đồng và một số nơi khác, đàn voi hầu như không còn,
Trong 30 năm gần đây, số lượng voi ở Việt Nam và trên điạ bàn Tây Nguyên đã suy giảm đáng kể theo từng năm. Thập niên 1990, số voi hoang dã cả nước còn từ 1.500 đến 2.000 cá thể, đến nay chỉ còn từ 124 đến 148 con, sống rải rác ở 8 tỉnh Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai và Bình Phước. Trong số này, 3 sinh cảnh còn trên 10 cá thể voi là vườn Quốc gia (VQG) Pù Mát và vùng phụ cận; VQG Cát Tiên, Khu BTTN và Văn hóa Đồng Nai, Công ty Lâm nghiệp TNHHMTV La Ngà và VQG Yok Đôn.
Địa phương có số voi hoang dã lớn nhất cả nước ngày nay là Đắk Lắk, tỉnh còn 5 quần thể voi, quần thể nhỏ có từ 5 đến 10 cá thể, lớn nhất còn trên 30 con, phân bố chủ yếu ở VQG Yok Đôn (Bộ NN&PTNT, 2018).
Đối với voi thuần dưỡng(voi nuôi), vào năm 2018, cả nước có 91 voi nuôi ở 11 tỉnh thành phố, giảm 74 con so với năm 2000 (165 con). Tỉnh Đắk Lắk, nơi được coi là “thủ phủ” của voi thuần dưỡng, số voi cũng đã giảm mạnh. Nếu thời gian 1979-1980 tỉnh có 502 cá thể đến năm 1990 còn 299; năm 1997 xuống 169 và năm 2000 chỉ còn 138 con. Trong khoảng 20 năm (từ 1980 đến 2000) đàn voi của tỉnh đã giảm 364 con; đến năm 2018, số voi thuần dưỡng của tỉnh Đak Lak chỉ còn 45 cá thể (Trung tâm Bảo tồn voi Đăklăk 2019).
Đi tìm nguyên nhân của suy giảm đàn voi, các nhà nghiên cứu đã xem xét sinh cảnh voi sống trong tự nhiên, điều kiện thuần dưỡng của voi nuôi trong các gia đình và đã rút ra những nhận xét quan trọng.
Về sinh cảnh của đàn voi sống hoang dã
Giới nghiên cứu cho rằng, để bảo tồn voi sống hoang dã, vấn đề cốt lõi là duy trì được sinh cảnh sống tự nhiên. Phân tích điều kiện sống của voi trong các khu vực cho thấy, nhiều năm qua, những cánh rừng già nguyên sinh được cho là sinh cảnh cố hữu của voi, đã và đang bị khai thác tràn lan, ngày càng suy giảm về diện tích và suy thoái về chất lượng hoặc bị xâm lấn bởi hoạt động của con người.
Kết quả kiểm kê rừng của Tổng cục Lâm nghiệp từ năm 2008 đến 2014 đã chỉ ra, tổng diện tích rừng tự nhiên ở Tây Nguyên đã mất hơn 358.700ha, bình quân hàng năm tới 51.200ha. Trong đó, 26,4% chuyển đổi sang trồng cao su, cây công nghiệp và cây ăn quả; 9,39% dùng vào xây dựng thủy điện, công trình giao thông và công trình công cộng và 24,6% do phá rừng và lấn chiếm đất rừng làm nương dãy...
Theo thống kê chưa đầy đủ, kể từ năm 2009, khi Chính phủ có chủ trương phát triển cây cao su tại Tây Nguyên, các địa phương đã cấp phép đầu tư cho 700 dự án (trồng, cải tạo và trồng cây cao su...) với diện tích hơn 215.720 ha trên đất lâm nghiệp. Riêng tỉnh Đắk Lắk đã cho 90 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh khảo sát, lập 104 dự án đầu tư trồng cao su và cây nông nghiệp khác. Ngoài ra, từ năm 2008 đến tháng 9-2012, toàn tỉnh đã có 10.000 ha rừng bị tàn phá và lấn chiếm.
Cùng với mất rừng do trồng cây công nghiệp, các dự án thủy điện đi vào hoạt động cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đàn voi hoang dã. Theo Sở Công thương Đắk Lắk.6 con đập lớn tạo hồ chứa cho các nhà máy thủy điện, lấy nước từ dòng chính Sêrêpôk dẫn sang kênh tạo cao trình trước khi đổ xuống tuabin nhà máy đã làm thay đổi dòng chảy, kéo theo sự thay đổi sinh cảnh ven sông, thu hẹp không gian sinh tồn của loài voi và ảnh hưởng đến các “hố nước” vốn rất quan trọng với tập tính sinh tồn của loài voi, nhất là vào mùa khô.
Voi bị mất sinh cảnh, nguồn thức ăn và hành lang di chuyển đã nảy sinh những xung đột nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm giữa voi và con người. Với tập tính di chuyển rộng, voi đi qua các vùng trồng trọt, phá hoại hoa màu, phá lán trại gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Voi, theo thói quen, còn tiếp tục di chuyển qua những nơi từng là hành lang di chuyển khiến ở Tây Nguyên thường xuất hiện tình trạng voi hoang dã bỏ rừng kéo về phá nương rẫy để kiếm ăn, gây nguy hại đến tài sản và tính mạng của con người.
Theo PGS.TS Bảo Huy ở Khoa Lâm nghiệp, Trường ĐH Tây Nguyên thì, trong các khu vực có voi rừng sinh sống hiện nay, chỉ vùng lõi của VQG Yok Đôn là ít bị con người tác động. Trong khi hàng chục ngàn ha rừng ở khu vực phía Tây Bắc huyện Ea Súp, vốn là môi trường sống lý tưởng của voi rừng, lại được tỉnh giao cho các doanh nghiệp để trồng cao su.,
Khai thác thuần dưỡng voi nhà-thực trạng và những thách thức
Trước đây voi nhà ít khi bị nhốt ở một chỗ và phải làm việc liên tục như ngày nay, phần. lớn thời gian sinh sống của voi được chủ thả vào rừng sống cùng quần thể voi nhà khác để tự kiếm ăn, chỉ khi có việc cần đến voi giúp sức như chở lúa, bắp, hay kéo những khúc gỗ lứn về dựng nhà… thì chủ mới gọi voi về.Theo Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk, phần lớn voi nhà ngày nay đều do các hộ cá thể thuần dưỡng. Trong số 45 voi nhà hiện còn, hơn một nửa ở độ tuổi từ 35 đến 50, hầu hết đều chịu cảnh xiềng xích và hàng ngày đều phải chở khách tham quan du lịch, hoặc vận chuyển hàng hóa nông sản.
Voi bị xiềng xích do trong rừng còn nhiều hiểm họa; những kẻ săn trộm luôn rình rập tấn công voi để chặt đuôi, cắt ngà. Mặt khác, rừng ngày càng thu hẹp, voi phải đi xa hơn mới kiếm được thức ăn và nếu không may sập vào bẫy sẽ rất nguy hiểm. Đa phần voi nuôi đều bị mất chót đuôi với cặp ngà thường xuyên bị cưa ngắn để tránh nguy cơ bị trộm cắp sát hại.
Voi Tây Nguyên Nguồn Internet
Khảo sát của tổ chức Asia Animal Foundation tại Khu du lịch Buôn Đôn và Khu du lịch hồ Lak cho thấy, hàng ngày voi ở đây phải làm việc trong thời gian từ 6 đến 8 giờ và thường phải chở 2-3 du khách mỗi tour vượt sông Sêrêpôk hoặc đi dạo trong VQG Yok Đôn. Vào dịp Tết hoặc lễ hội, voi còn phải chở nhiều lượt khách hơn mà không được nghỉ ngơi. Do lợi nhuận trước mắt khá cao nên các chủ và đơn vị thuê voi thường khai thác sức voi không giới hạn để làm du lịch, họ còn xem nhẹ sức khỏe và sự tồn vong của động vật này..
Theo dự án bảo tồn voi Đắk Lắk, voi sinh sản được trả tiền khi đẻ con. Nhưng gần 30 năm qua, khả năng sinh sản của voi nhà Đắk Lắk hầu như không còn do môi trường gặp gỡ, giao phối bị hạn chế, mặt khác chủ quản lý ít thả voi chung sống cùng nhau. Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk, Nguyễn Công Chung cho biết. Voi nhà thuộc quyền sở hữu của gia đình, họ tùy ý chăm sóc, khai thác. Trung tâm có thể mời các hộ lên tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và phát thuốc; nhưng khả năng nhân đàn dường như không thể xảy ra do phần lớn voi nhà đã trên 35 tuổi và không có môi trường cho voi giao phối. Nhiều phân tích cho rằng, việc quản lý voi theo hộ và cách làm của ngành du lịch hiện nay đã gây trở ngại cho việc sinh sản của đàn voi nhà. Thậm chí, sau nhiều nỗ lực đã có những cá thể voi nhà mang thai, nhưng đều gặp tử vong khi sinh do voi mẹ lớn tuổi mới sinh lần đầu,voi con dễ bị chết ngạt ngay trong đường sinh dục.
Với đặc tính từ voi rừng được thuần hóa, voi nhà Đắk Lắk vẫn giữ những thói quen hoang dã, nhu cầu về thức ăn, nước uống hàng ngày cần rất lớn (khoảng 3 tạ cỏ và hàng trăm lít nước). Với thói quen ăn, uống lai rai, liên tục từ 70% đến 80% thời gian trong ngày; khi về buôn làng, voi phải phục vụ cho nhu cầu du lịch của con người, khẩu phần ăn lại thấp nên đẽ mắc bệnh … Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk, Phạm Văn Láng cho rằng “ Không được ăn uống đầy đủ, lại bị khai thác phục vụ du lịch quá sức, cộng với những mối hiểm họa từ thiên nhiên và con người, số lượng voi nhà ở tỉnh Đắc Lắc đang suy giảm nghiêm trọng”.
Từ năm 2012 đến nay, đã có trên 10 cá thể voi nhà bị chết với nguyên nhân già yếu, kiệt sức, bị sát hại, tai nạn và voi rừng tấn công (Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk, 2019). Bên cạnh đó, tuổi tác cũng là hạn chế lớn đối với sinh sản của đàn voi nhà. Theo thống kê, trong 45 cá thể voi nhà của tỉnh Đăklăk, chỉ có 16 voi cái nhưng đa phần trên 35 tuổi, trong khi độ tuổi lý tưởng để voi sinh sản là từ 12 đến 30. Nếu không nhanh chóng tìm ra phương pháp phù hợp thì khả năng sinh sản của voi nhà càng khó khăn hơn. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng đe dọa sự tồn vong của quần thể voi Tây Nguyên.
Tiêu thụ sản phẩm gia tăng, động lực dẫn đến suy giảm loài voi
Cùng với môi trường và điều kiện để sinh tồn và phát triển, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm từ voi gia tăng cũng là nguyên nhân dẫn đến đàn voi bị suy giảm mạnh. Tiêu dùng về ngà và lông đuôi voi để làm đồ trang sức đã thúc đẩy nạn săn bắt trái phép để lấy ngà và các bộ phận trên cơ thể voi ngày càng mở rộng. Các tổ chức bảo tồn thế giới luôn coi buôn bán ngà và các sản phẩm từ voi là nguy cơ lớn nhất, đe dọa xóa sổ loài này.
Ở Viêt Nam, theo tổ chức Save the Elephants, trong 49 cửa hàng tại Buôn Ma Thuột, có 24 cửa hàng bày bán ngà và các sản phẩm từ voi với tổng số lên tới 1.965 mặt hàng. Khảo sát của tổ chức này tại Buôn Đôn cũng đã chỉ ra,16 trong số 23 cửa hàng đồ gỗ truyền thống đã bày bán 703 món đồ lưu niệm bằng ngà hoặc được làm từ các bộ phận khác của voi (Vigne, U. và Martin, E., 2016).Nghiên cứu thị trường buôn bán ngà voi trái phép của tổ chức Traffic trong năm 2017 còn cho thấy, Các cửa hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), Buôn Ma Thuột và Bản Đôn có số lượng mặt hàng bày bán rất cao, bình quân một cửa hàng có tới 150 sản phẩm ngà voi. Tại Bản Đôn và Lắk, số cửa hàng ít hơn nhưng số lượng mặt hàng ngà voi bày bán lại cao. Theo các nhà phân tích, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ voi gia tăng nhanh đã đẩy sự tồn tại của loài này rơi vào vòng nguy hiểm” (Nguyen, M., Indenbaum, R. và Willemsen, M., 2018 )
Những chuyến khảo sát thực địa của Trung tâm Con người và Thiên nhiên trong năm 2019 cũng ghi nhận, tình trạng ngang nhiên bán ngà và sản phẩm từ voi đã diễn ra ở các tỉnh Tây Nguyên. Tại Đắk Lắk, đồ trang sức ngà voi và các sản phẩm từ voi được bày bán công khai trong khu du lịch Buôn Đôn. Nhiều cửa hàng lưu niệm trên địa bàn TP Buôn Mê Thuột, đã đưa ra hàng loạt các sản phẩm như vòng, nhẫn, tẩu thuốc, lược ngà, xương voi, ví, trống, thắt lưng bằng da voi….; nếu khách có nhu cầu về ngà nguyên khúc, nguyên chiếc bên bán sẽ liên lạc và đáp ứng qua mạng xã hội. Trong nhiều khách sạn, những sản phẩm từ voi chiếm gần trọn quầy lưu niệm; sản phẩm nhẫn, lông đuôi voi cũng được bày bán rất nhiều nhưng chưa được cơ quan chức năng nào xử lý. Cho đến nay, cho dù có những đợt ra quân truy quét, song tình hình buôn bán sản phẩm từ voi vẫn chưa được cải thiện. Không chỉ trên thực địa, buôn bán ngà voi và sản phẩm từ voi còn công khai và phổ biến trên các trang mạng xã hội.
Khảo sát của tổ chức bảo tồn ĐVHD WildAct từ giữa năm 2015 đến đầu năm 2016 cho thấy, có trên 21.000 sản phẩm từ voi, phổ biến là ngà và lông đuôi voi được rao bán trên mạng xã hội. Trong số này, 69% sản phẩm từ ngà voi, đuôi hoặc lông đuôi voi thường được quảng cáo rộng rãi trên những tài khoản Facebook có rao bán ngà voi (PanNature, 2018).
Trên thực tế, phần lớn ngà voi buôn lậu vào Việt Nam có nguồn gốc từ nước ngoài, chỉ một phần nhỏ có nguồn gốc từ voi bản địa .Tuy nhiên, với danh tiếng là “thủ phủ voi” của Việt Nam, du khách đến Tây Nguyên thường muốn mua một sản phẩm nào đó liên quan đến voi. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ voi Tây Nguyên đã thúc đẩy mạnh nạn săn trộm voi, đặc biệt khi việc nhập khẩu ngà, xác voi được siết chặt và người buôn bán hướng mạnh vào voi hoang dã lẫn voi thuần dưỡng ở Tây Nguyên. Trong tình trạng này, quần thể voi suy giảm sẽ càng bị đẩy vào cảnh nguy cấp hơn.
Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, trong những năm từ 2012 đến 2018, tại Đắk Lắk đã có ít nhất 18 voi rừng bị chết do nhiều nguyên nhân, trong đó tình trạng bị sát hại để lấy ngà và các bộ phận khác là phổ biến. Trong vòng một tuần (từ 26/3 đến 31/3/2012) trên địa bàn huyện Ea Súp tỉnh Đắk Lắk dã phát hiện 3 voi hoang đã bị giết chết với nhiều bộ phận bị lấy đi. Cùng với voi hoang dã, voi nhà cũng không thoát khỏi số phận bị giết để lấy ngà. Năm 2010, voi của một gia đình ở bìa rừng khu du lịch Thác Bảy Nhánh, tỉnh Đắk Lắk đã bị tẩm xăng đốt và bị chém tới hàng trăm nhát dao để lấy ngà; năm 2015, một cá thể voi thuộc sở hữu của VQG Yok Đôn đã bị cưa trộm mất một ngà. Ở huyện Buôn Đôn, khi voi bị giết chết, gia chủ đem chôn nhưng ngay sau đó đã bị kẻ xấu đào lên lấy xương chế tác đồ lưu niệm. Người sở hữu đàn voi nhà nhiều nhất Tây Nguyên, ông Đàm Năng Long ở huyện Lắk cho biết, phải bí mật chôn voi xuống hồ nước để kẻ xấu không tìm được mộ của voi.
Từ đầu năm 2010 đến cuối năm 2018, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV) ghi nhận 150 vụ việc vi phạm về ngà voi với tổng khối lượng thu giữ lên đến hơn 53 tấn. Trong 30 vụ vận chuyển bị bắt giữ, bình quân khối lượng ngà voi đã lên tới hơn 500kg/vụ và điều, đáng nói là hầu hết các vụ đều không bắt được đối tượng nhận hàng, cho dù các đơn hàng gửi qua đường hàng không hoặc đường biển đều có địa chỉ người nhận.
Báo cáo tình hình vi phạm pháp luật về động vật hoang dã ở Việt Nam giai đoạn 2013-2017 của Hiệp hội Động vật hoang dã (WCS) cho biết, giai đoạn từ tháng 01/2013 đến 12/2017, tổng trọng lượng ĐVHD và sản phẩm từ ĐVHD bị các cơ quan thực thi pháp luật phát hiện, bắt giữ là hơn 41 tấn, trong số này, ngà voi có khối lượng lớn nhất, chiếm trên 23,5%, tương đương với 9,73 tấn.
Khẩn trương thực hiện chương trình bảo tồn voi và kiến nghị của các nhà nghiên cứu
Cùng với những công ước quốc tế về động vật hoang dã và buôn bán các loài động, thực vật hoang dã và nguy cấp, quý hiếm đã được ban hành, Nhà nước Việt Nam đã xây dựng hệ thống luật pháp đông bộ, từ các quy định trong bộ Luật hình sự đến các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thu tướng chính phủ và Thông tư của các Bộ, Ngành có liên quan. Những văn bản pháp luật và quy định về quản lý, xử lý các hành vi buôn bán, tàng trữ các sản phẩm từ voi đã được quán triệt đến các cấp ngành và địa phương: Nhiều nỗ lực thực hiện của các cấp được thể hiện trong các chương trình, kế hoạch hành động bảo tồn voi từ rất sớm, song những nỗ lực này vẫn chưa đủ để ngăn đà suy giảm của quần thể voi.
Với mục tiêu bảo tồn đàn voi tại các vùng trọng điểm, Chương trình hành động bảo tồn voi giai đoạn 1996-1998 đã được thực hiện. Theo Quyết định 1204/NN-LN-QĐ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các tổ chức hữu quan đã rà soát lại hệ thống rừng đặc dụng, xây dựng mới các khu bảo tồn thiên nhiên, tăng cường đầu tư, trợ giúp kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho nơi sống của voi. Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ngành đã xây dựng, bổ sung những quy định pháp luật nhằm ngăn chặn việc săn bắt, mua bán động vật hoang dã và sản phẩm liên quan; chỉ đạo các địa phương giải quyết cụ thể những vụ xung đột voi với người; tuyên truyền bảo tồn voi trên phương tiện thông tin đại chúng… và khẩn trương thực hiện Kế hoạch hành động bảo tồn voi đến năm 2010 theo Quyết định số 733/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp sau kế hoạch này, tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 940/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn đàn voi Việt Nam. Tại Quyết định số763/ QĐ-TTg, tháng 5 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020”.
Sau 3 năm thực hiện, đến năm 2018 Bộ NN & PTNT cho biết, tình trạng săn bắn, giết hại voi đã giảm; số lượng cá thể voi có tín hiệụ phát triển; xung đột voi người bước đầu được hạn chế. Ở cấp địa phương, năm 2010, UBND tỉnh Đăklăk đã phê duyệt Dự án Bảo tồn voi tại giai đoạn 2010-2015, nhằm vào quản lý bền vững quần thể voi hoang dã, phát triển đàn voi nhà, bảo tồn bản sắc văn hoá bản địa và tuyên truyền giáo dục về môi trường sinh thái. Đến năm 2013, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt “Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020”. Nhìn chung, giải pháp của các đề án đã được quan tâm thực hiện, song việc giám sát thực thi chính sách bảo tồn voi chưa tốt, dẫn đến sinh cảnh cho voi bị tàn phá, tình trạng buôn bán ngà và các sản phẩm từ voi vẫn tràn lan nhưng chưa rõ ai chịu trách nhiệm.
Từ thực tiễn diễn ra, nhiều chuyên gia có nhận xét, chính sách bảo tồn voi thể hiện rõ cam kết của nhà nước khi bố trí cả nguồn lực tài chính và con người, nhưng hiệu quả đạt chưa tương xứng với nguồn lực bỏ ra: Hạn chế vì nhiều nguyên nhân, song có thể tập trung vào.
Trước hết là thiếu dữ liệu đầu vào. Đến nay, các cơ quan chịu trách nhiệm bảo tồn vẫn chưa có số liệu chính xác về quần thể voi Tây Nguyên. Phương pháp thống kê số lượng voi chủ yếu là quan sát bằng mắt thường hoặc qua dấu chân voi, chưa đủ điều kiện để sử dụng phương pháp phân tích ADN .
Hai là chính sách còn theo hướng đơn nhất, chưa huy động được sự vào cuộc của chính quyền các cấp từ xã, huyện đến tỉnh và đặc biệt là các chủ rừng (bao gồm cả các công ty lâm nghiệp, ban quản lý các rừng phòng hộ, cộng đồng người dân địa phương). Đa số dân ở những khu vực có voi sinh sống còn nghèo, sống phụ thuộc vào tài nguyên rừng, canh tác nông nghiệp trong hoặc gần rừng, khó có thể yêu cầu họ phải có ý thức bảo tồn voi khi chưa có chính sách hỗ trợ sinh kế.
Thứ ba, thiếu phối hợp thực thi chính sách giữa các cơ quan quản lý. Tình trạng phổ biến là. một quyết định chính sách được ban hành cho tới khi có hiệu lực thường là một quá trình rất dài và phải qua nhiều thủ tục. Theo Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, mặc dù được tỉnh chấp thuận cấp kinh phí mua lại một cá thể voi nhà, nhưng phải mất nhiều tháng sau khoản tiền mới được giải ngân, đến lúc đó chủ sở hữu voi không đồng ý bán vì giá bị trượt quá xa.
Để bảo vệ quần thể voi Tây Nguyên, Đắk Lắk là tỉnh đầu tiên trong cả nước có tổ chức chuyên trách về bảo tồn voi. Đi vào hoạt động gần 10 năm qua, nhưng cho đến nay, với cách “vừa làm, vừa học” Trung tâm Bảo tồn Voi vẫn thực hiện hoạt động chính là chăm sóc sức khỏe và sinh sản của đàn voi nhà; giám sát voi rừng và chăm sóc một số cá thể cứu hộ tại khu vực bán hoang dã; nhưng nguồn nhân lực chuyên nghiệp chỉ đáp ứng được khoảng 50% , thiếu nhiều trang thiết bị cần thiết cho hoạt động tác nghiệp. Một khi voi gặp sự cố, nếu không nhờ được các chuyên gia và máy móc của nước ngoài thì công tác cứu chữa, điều trị chỉ có thể thực hiện bằng phương pháp sẵn có, kém hiệu quả và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe đàn voi.
Quần thể voi nước ta đang đối mặt với nhiều nguy cơ dẫn đến suy giảm nhanh, thậm chí có thể bị tuyệt chủng. Bảo tồn voi là một lĩnh vực mới, các khoa đào tạo thú y hiện chưa có giáo trình đi sâu vào nghiên cứu, giảng dạy về chuyên ngành này.
Bảo tồn voi đang là vấn đề cấp bách, cần thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, có hiệu quả và bền vững. Các nhà nghiên cứu cho rằng, cần ưu tiên thực hiện một số giải pháp dưới đây:
Coi trọng việc xét nghiệm mẫu phân để thống kê chi tiết khu vực có voi, nhằm xác định tương đối chính xác số lượng cá thể, cấu trúc giới tính, cấu trúc tuổi. Đồng thời với đánh giá tình trạng sinh cảnh và khả năng bảo tồn tại chỗ của các đàn voi.
Áp dụng công nghệ hiện đại như đeo vòng cổ gắn chíp điện tử vàòi voi để giám sát sự di chuyển hàng ngày. Từ đây có thể nghiên cứu, thiết lập hành lang sinh cảnh, khả năng di dời của đàn hoặc cá thể nhằm tạo liên kết vùng hoạt động của các đàn voi nhỏ và hướng tới bổ sung cho các đàn voi lớn hơn ở khu vực trọng điểm là VQG Yok Đôn - Ea Súp.
Voi là loài động vật di cư nên cần nghiên cứu tập tính di chuyển theo mùa, vùng hoạt động và chất lượng sinh cảnh bao gồm cả nơi trú ẩn, trữ lượng thức ăn, nguồn nước, nguồn khoáng, và mức độ tác động. Trên cơ sở này cần kết hợp với các quốc gia có chung biên giới (Lào, Cămpuchia) xây dựng cơ chế bảo tồn xuyên biên giới, nhằm đánh giá đúng mức mức độ xung đột và xây dựng các biện pháp khắc phục, đảm bảo quản lý hiệu quả hành lang di chuyển của quần thể voi hoang dã,
Tổng kết kinh nghiệm giải quyết xung đột giữa voi với người để phổ biến tới người dân là việc làm cần thiết đối với những khu vực thường xảy ra xung đột, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại. Ngoài giải pháp đào hào, xây dựng hàng rào điện ngăn voi, cần nghiên cứu chuyển đổi sang các giống cây trồng không thu hút voi... để hạn chế bớt xung đột. Đồng thời với giải pháp phòng ngừa, phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao ý thức bảo tồn của mỗi người dân. Trong bảo tồn sinh cảnh, cần đặc biệt chú ý giữ nguyên vẹn những diện tích rừng được xác định là nơi cư trú, di chuyển và kiếm ăn của quần thể voi hoang dã. Cùng với bảo vệ sinh cảnh, ngăn chặn các hành vi săn bắn, giết hại voi trái pháp luật thông qua đẩy mạnh thực thi pháp luật, xử lý thích đáng hành vi săn bắt, buôn bán các sản phẩm chế tác từ cơ thể voi.
Đối với đàn voi thuần dưỡng, cần quy hoạch khu chăn thả, chăm sóc sức khỏe, sinh sản tại những huyện như Lắk và Buôn Đôn, là 2 huyện còn thuần dưỡng voi. Theo đó, cần tăng cường năng lực cứu hộ, chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ sinh sản và phát triển quần thể voi nhà.
Thay lời kết luận
Thực tiễn bảo tồn voi ở Tây Nguyên cho thấy sự cần thiết phải kết hợp đồng bộ các giải pháp từ thắt chặt quản lý rừng tự nhiên là sinh cảnh của voi đến các hoạt động bảo tồn tại chỗ, nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cộng đồng cũng như đối tác có liên quan.
Mặc dù Chính phủ và các ngành có liên quan đã có có nhiều nỗ lực cải thiện, song quần thể voi cả nước đang đà suy giảm ,chỉ còn trên 100 cá thể ngoài tự nhiên. Hơn bao giờ hết, vấn đề ưu tiên lúc này là phải thúc đẩy mạnh hoạt động bảo tồn để giữ gìn không chỉ một nguồn gen quý mà còn là cả một biểu tượng văn hóa của vùng đất đại ngàn.
Dự án bảo tồn voi Tây Nguyên đã nhận được sự đóng góp của nhiều tổ chức quốc tế như Animals Asia Foundation (AAF), Elephant Care International, Wild Welfare, World Wild Fund for Nature (WWF), Vườn thú North Carolina, Vườn thú Rotterdam, Trung tâm Bảo tồn Voi Thái Lan…. Thời gian qua, một số dự án thực thi đã mang lại kết quả tích cực như Quỹ Hỗ trợ bảo vệ Thiên nhiên(WWF) đã hỗ trợ Đắk Lắk nghiên cứu số lượng voi hoang dã thông qua việc phân tích DNA mẫu phân, nghiên cứu tiền khả thi hoạt động đeo vòng cổ có gắn thiết bị định vị để giám sát tập tính di chuyển theo mùa của voi hoặc dự án AAF hỗ trợ Vườn quốc gia Yok Đôn chuyển đổi mô hình du lịch trải nghiệm cùng voi thay vì cưỡi voi…v…v...
Hy vọng từ vấn đề đặt ra với sự hợp tác của cộng đồng khoa học, các nhà quản lý trong nước và sự phối hợp có trách nhiệm của nhiều tổ chức bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu và trong khu vực , đàn voi Tây Nguyên và ở nước ta sẽ sớm hồi phục và phát triển./.
Tài liệu sử dụng trong bài viết
Báo cáo Kết quả thực hiện Quyết định số 763/QĐ-TTg ngày 21/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020”(Bộ NN&PTNT, 2018).
Báo cáo Công tác Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk 2012-2019 (Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk, 2019)
Tóm tắt báo cáo Voi Tây Nguyên Quần thể suy giảm đe dọa sự tồn vong (Pan&Nature tháng5/2020