Quốc Oai khai thác lợi thế từ Chương trình OCOP

Đăng bởi MINH PHÚ

11/09/2020 15:52

Có nhiều làng nghề truyền thống và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu như: Nhãn chín muộn Đại Thành, thịt lợn Cấn Hữu, miến làng So (xã Cộng Hòa)..., huyện Quốc Oai đang tập trung khai thác những lợi thế này trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.

Một trang trại chăn nuôi lợn theo quy trình sinh học tại huyện Quốc Oai.

Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp Đồng Tâm (xã Cấn Hữu) là địa chỉ chăn nuôi lợn theo quy trình sinh học quy mô lớn trên địa bàn huyện Quốc Oai với tổng đàn 1.500-1.800 con. Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Đình Tường cho biết, đơn vị sử dụng thức ăn cho lợn có thành phần chính là ngô, đậu tương kết hợp men vi sinh. Nuôi lợn bằng cám sinh học, chi phí thức ăn cao hơn 15-20% và thời gian nuôi kéo dài 25-30 ngày so với nuôi cám công nghiệp... song chất lượng thịt ngon nên giá bán sản phẩm cao hơn. Mỗi tháng, hợp tác xã xuất chuồng 13-14 tấn thịt cùng sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Cuối năm 2019, hợp tác xã có 3 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao: Xúc xích, giò và thịt lợn sinh học.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, toàn huyện có 1.150ha cây ăn quả, trong đó có 315ha nhãn, 440ha bưởi Diễn, 120ha ổi Đài Loan và nhiều cây ăn quả khác. Trong chăn nuôi, huyện phát triển sản phẩm thế mạnh như: Trứng gà Cấn Hữu, gà đồi Đông Yên, lợn bản địa Đông Xuân, Phú Mãn... khi tham gia Chương trình OCOP.

Năm 2019, Quốc Oai có 11 sản phẩm được thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 3-4 sao, gồm: Thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn của Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp Đồng Tâm (xã Cấn Hữu); miến dong Dương Kiên (xã Tân Hòa); giò, chả của Cơ sở chế biến giò, chả, thực phẩm Hợi Hương (xã Sài Sơn), trứng gà tươi Thành An của Hợp tác xã Nông sản thực phẩm Thành An (xã Cộng Hòa)...

Năm 2020, Quốc Oai phấn đấu có thêm 30 sản phẩm được công nhận OCOP. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Hữu Toàn, triển khai Chương trình OCOP, huyện còn gặp một số khó khăn: Do chưa hiểu về Chương trình OCOP nên chưa thu hút nhiều chủ thể tham gia; một số sản phẩm nông sản, làng nghề chất lượng tốt nhưng thiếu giấy tờ xác nhận đạt chuẩn OCOP... Để khắc phục, Quốc Oai tiếp tục có giải pháp hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình...

Ngoài ra, từ đầu năm 2020 đến nay, Quốc Oai tổ chức tập huấn Chương trình OCOP cho hơn 300 hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp... đồng thời hỗ trợ 13.000 tem truy xuất nguồn gốc (QRcode) cho các đơn vị tham gia Chương trình OCOP năm 2019. Cùng với đó là tư vấn cho các chủ thể hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm; phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội hỗ trợ 100% kinh phí kiểm nghiệm mẫu sản phẩm tham gia OCOP năm 2019...

Để hỗ trợ sản phẩm OCOP trên thị trường, dự kiến, tháng 10-2020, Quốc Oai tổ chức 2 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP (đặt tại xã Sài Sơn và thị trấn Quốc Oai). 2 điểm này sẽ là nơi giao thương, kết nối sản phẩm OCOP của toàn thành phố, trong đó có huyện Quốc Oai.

"Tham gia Chương trình OCOP là cơ hội để mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã hoàn thiện sản phẩm. Để được chứng nhận sản phẩm OCOP, chúng tôi phải đáp ứng các tiêu chí mẫu mã, bao bì, an toàn vệ sinh thực phẩm... Lợi ích lớn nhất khi tham gia Chương trình OCOP là giúp chúng tôi nâng cao ý thức trong sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm tốt để phục vụ đông đảo người tiêu dùng...", ông Dương Đình Khôi, chủ cơ sở sản xuất miến dong Dương Kiên (xã Tân Hòa) chia sẻ.

MINH PHÚ
Nguồn http://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/co-so/823262/quoc-oai-khai-thac-loi-the-tu-chuong-trinh-ocop

Bạn đang đọc bài viết "Quốc Oai khai thác lợi thế từ Chương trình OCOP" tại chuyên mục Nông thôn mới - Sản phẩm OCOP.

Đọc các tin bài có liên quan tại trang https://nongthonvaphattrien.vn/