1. MỞ ĐẦU
Với sự tiến bộ không ngừng của công nghệ thông tin, thư viện ngày nay không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn về thông tin, mà còn yêu cầu sự thành thạo trong việc sử dụng công nghệ và các công cụ tìm kiếm thông tin hiện đại. Những cá nhân làm việc trong lĩnh vực thư viện cần phải có kiến thức sâu về các nguồn thông tin và phần mềm quản lý để có thể cung cấp thông tin đáng tin cậy và chính xác một cách nhanh chóng cho độc giả. Họ phải cập nhật xu hướng mới nhất trong lĩnh vực này để đáp ứng một cách hiệu quả nhu cầu đa dạng và đổi mới của người sử dụng.
Tuy nhiên, không chỉ về kiến thức chuyên môn, nhân lực thư viện cần phải sở hữu những kỹ năng mềm xuất sắc. Họ phải thể hiện khả năng giao tiếp tốt, tư duy linh hoạt và khả năng giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Nhân viên thư viện cần phải có khả năng tư vấn, hỗ trợ và đáp ứng mọi nhu cầu thông tin của độc giả, bao gồm cả những người nghiên cứu, giảng viên, sinh viên và cộng đồng rộng rãi. Họ phải lắng nghe và hiểu rõ nhu cầu của độc giả để cung cấp thông tin phù hợp và tư vấn một cách tối ưu. Ngoài ra, vai trò quản lý nhân sự trong thư viện cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, khuyến khích sự phát triển cá nhân và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên phát huy tối đa tiềm năng của họ. Quản lý nhân sự cần phải thiết lập các chương trình đào tạo, phát triển nghề nghiệp và tạo cơ hội thăng tiến, đồng thời đảm bảo sự công bằng và đối xử tốt để thúc đẩy sự phát triển cá nhân của từng thành viên trong tổ chức.
Do đó, quản lý nhân sự tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một đội ngũ nhân sự chất lượng cao, có kiến thức chuyên môn sâu và sở hữu kỹ năng mềm vượt trội. Điều này giúp đáp ứng một cách hiệu quả nhu cầu thông tin đa dạng và đổi mới của độc giả, góp phần vào sự phát triển của thư viện và hỗ trợ cộng đồng trong việc tiếp cận thông tin.
2. NỘI DUNG
2.1. Tổng quan về nhân sự Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh
Hiện nay, Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã điều chỉnh nhân sự của mình để thích nghi với các thay đổi này. Theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP năm 2021, tổng số nhân sự là 130 người, bao gồm 105 viên chức và 25 hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và Nghị định 161/2018/NĐ-CP.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số nhân sự đã thay đổi. Hiện tại, Thư viện có 82 người làm việc tại đây, trong đó có 105 viên chức và 25 hợp đồng theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP.
Sự đa dạng trong đội ngũ nhân sự của Thư viện KHTH được thể hiện qua nhiều khía cạnh. Về giới tính, tỷ lệ nam và nữ là 29.52% và 70.48% tương ứng. Về độ tuổi, cán bộ phân bố từ dưới 30 tuổi đến trên 50 tuổi, đáp ứng nhu cầu công việc và trải nghiệm trong thư viện. Đặc biệt, sự hiện diện của những cán bộ dưới 30 tuổi, chiếm tỷ lệ 17.14%, đưa vào tầm ngắm sự tươi trẻ và đổi mới trong công việc thư viện.
Chế độ biên chế và hợp đồng lao động cũng đa dạng, với các loại biên chế và hợp đồng khác nhau để phản ánh sự linh hoạt và sự thích nghi với nhu cầu cụ thể. Số lượng thành viên lãnh đạo cũng đa dạng với nhiều cấp phòng và đơn vị thuộc Sở.
Cơ cấu chức ngạch viên chức cũng rất đa dạng, bao gồm các chức danh như chuyên viên chính, thư viện viên, kế toán viên, lưu trữ viên, chuyên viên cao đẳng, cán sự, nhân viên kỹ thuật, nhân viên phục vụ, nhân viên bảo vệ và nhân viên lái xe.
Thâm niên công tác của đội ngũ nhân sự tại Thư viện KHTH cũng đa dạng, với những người mới vào nghề cùng với những người có kinh nghiệm nghề nghiệp trên 20 năm.
Ngoài việc đảm bảo đa dạng trong đội ngũ nhân sự, Thư viện cũng chú trọng đào tạo và nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên. Điều này được thể hiện qua trình độ khoa học, chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng khác nhau của đội ngũ. Có các thạc sĩ, cử nhân, cao đẳng, trung cấp, và trình độ phổ thông, bao gồm cả sự phát triển về ngoại ngữ và tin học.
Như vậy, đội ngũ nhân sự tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đang được quản lý một cách thông minh và đa dạng để đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng và phát triển của thư viện. Sự đa dạng này không chỉ bao gồm về trình độ và kinh nghiệm, mà còn cả về giới tính, độ tuổi, và chế độ làm việc. Đây là một bước quan trọng trong việc nâng cao chất lượng phục vụ và đảm bảo thư viện luôn là nguồn thông tin đáng tin cậy cho cộng đồng.
Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh
2.2. Điểm mạnh
Qua khảo sát thực tiễn cho thấy việc quản lý nguồn nhân sự Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh có những ưu điểm sau:
Các cấp ủy Đảng, Chính quyền quan tâm và có quyết tâm cao phát triển Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, chính sách, cơ chế ưu tiên quy định về việc phát triển thư viện và cán bộ thư viện).
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh rất quan tâm đến Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh cũng như nguồn nhân sự của đơn vị, điều này được chứng minh thông qua văn bản:
+ Quyết định số 5208/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các Thư viện giai đoạn 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020” đã khẳng định vai trò của thư viện trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố.
+ Quyết định số 30/2011/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về chế độ hỗ trợ hoạt động cho các di tích và trợ cấp thường xuyên cho cán bộ, viên chức bảo tàng, thư viện.
Những văn bản này đã góp phần giải quyết những khó khăn từ thu nhập thấp cho đội ngũ cán bộ thư viện, giúp họ yên tâm hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, từ đó xây dựng tình cảm, gắn bó với nghề nghiệp.
Nguồn nhân sự Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh có kế hoạch tuyển dụng luôn chú trọng vào trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu vị trí công việc cũng như kỹ năng ngoại ngữ, tin học, kiến thức xã hội, kiến thức thông tin hay các kỹ năng bổ trợ khác cần cho ngành thư viện.
+ 80% nguồn nhân sự Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh có trình độ đại học, là yếu tố cơ bản, nền tảng để phát triển hoạt động thư viện trong thời gian tới.
+ Hầu hết nguồn nhân sự Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đều có kiến thức về tin học, đáp ứng được nhu cầu tự động hóa hoạt động trong giai đoạn hiện nay, để xây dựng thư viện số, thư viện điện tử.
+ Nguồn nhân sự Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh có nhận thức đạo đức nghề nghiệp tốt, sức khỏe tốt, thích ứng với môi trường lao động tại đơn vị.
Thứ hai, nguồn lực Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh luôn được chú trọng đầu tư và không ngừng được phát triển. Cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm, cơ bản được bố trí kinh phí để phục vụ các hoạt động thường xuyên, đặc biệt là kinh phí mua bổ sung sách, báo mới hàng năm phục vụ nhu cầu đọc sách, báo, tìm hiểu thông tin của người dân địa phương.
Thứ ba, Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng nâng cấp và đảm bảo trang thiết bị phục vụ, hoạt động, không ngừng ứng dụng KHCN để hiện đại hóa hoạt động của mình cũng như từng bước đầu tư trang thiết bị chuyên dùng hiện đại, được trang bị máy tính, ứng dụng phần mềm chuyên môn và CNTT vào hoạt động quản lý tạo thành hệ thống liên kết, chia sẻ dữ liệu trong toàn hệ thống thư viện.
Thứ tư, trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay được đặc biệt quan tâm. Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác quốc tế nhằm giới thiệu các hoạt động của thư viện Việt Nam, tiếp thu những thành tựu mới của các thư viện trên thế giới. Nhiều cuộc hội thảo song phương, đa phương đã được tổ chức ở trong và ngoài nước. Qua đó góp phần nâng cao vị thế của ngành thư viện Việt Nam nói chung và Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trên trường quốc tế. Khẳng định vai trò của sách, báo và thư viện trong xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ năm, Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ với hơn 60% cán bộ có trình độ chuyên môn về nghiệp vụ thư viện. Đa số cán bộ thư viện (gần 90%) có trình độ về tin học. Có tinh thần trách nhiệm trong công việc, có ý thức cầu tiến, ham học hỏi để đáp ứng nhiệm vụ được giao, được người dùng tin đánh giá khá tốt.
Những thành tựu mà Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh được trong thời kỳ đổi mới cũng góp phần làm thay đổi bộ mặt ngành thư viện, công tác thư viện đã từng bước được các ngành, các cấp quan tâm. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp quy có giá trị thiết thực nhằm củng cố và phát triển ngành thông tin thư viện nói chung và Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng ngày càng phát triển, vững mạnh.
Pháp lệnh thư viện ra đời đã khẳng định vai trò, vị trí và tác dụng của ngành Thư viện trong đời sống xã hội. Hoạt động thư viện trong cả nước nói chung đã được Đảng và Nhà nước không ngừng quan tâm chỉ đạo và từng bước có sự đầu tư đúng mức. Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước phát triển rộng khắp từ trung ương đến các tỉnh, thành, quận huyện và xã, phường. Tuyên ngôn của UNESCO về thư viện đã nhấn mạnh: “Thư viện đã mở ra cơ hội cho người dân ở cơ sở tiếp cận tri thức, đảm bảo cho họ học tập liên tục và tự quyết định sự phát triển văn hóa của mình, của nhóm cộng đồng” [2, tr 7]. Quan điểm này được thể hiện ngày càng rõ ở nước ta và được các tầng lớp nhân dân ủng hộ.
Để hệ thống Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phát triển theo đúng hướng, phục vụ có hiệu quả các đối tượng độc giả, công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực thư viện cần phải được nghiên cứu để tăng cường chất lượng hoạt động. Đối với ngành thư viện, từ sau khi Pháp lệnh thư viện ra đời, Chính phủ, các Bộ, Ngành hữu quan đã ban hành nhiều Nghị định, Nghị quyết, Thông tư từng bước chỉ đạo, hướng dẫn cho hệ thống thư viện phát triển đúng hướng, như: Nghị định số 72/2002/NĐ-CP ngày 06/08/2002 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện; Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/05/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020; Quyết định số 10/2007/QĐ-BVHTT ngày 04/05/2007 của Bộ Văn hóa - Thông tin về việc phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu; Đặc biệt Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/04/2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ nhất là quá trình thực hiện quy hoạch tương đối tốt qua từng năm. Hiện nay, nhân lực được quy hoạch cho Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm cả tuyển dụng mới và bố trí sử dụng nguồn nhân lực có sẵn đều có trình độ học vấn tương đối cao, đa phần đều có trình độ từ đại học trở lên chiếm trên 80% lực lượng viên chức thư viện. Chất lượng nhân lực không ngừng được nâng cao về chất lượng nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định về số lượng.
Thứ hai là hoạt động tuyển dụng đã được xây dựng tương đối đầy đủ, bám sát với chủ trương phát triển của thư viện. Quy trình tuyển dụng và cách thức tuyển dụng được thực hiện theo những quy định chung của Nhà nước. Việc tuyển dụng cũng được cân nhắc trong tất cả các khâu trong quy trình để tuyển dụng được người có trình độ về cả học vấn, đạo đức và chính trị nhằm đem lại hiệu quả công việc cao khi tuyển được đúng người, đúng việc. Nguồn tuyển dụng viên chức đã có sự linh hoạt và có sự lựa chọn kỹ càng hơn. Ngoài những yếu tố về trình độ học vấn thì những yếu tố về phẩm chất đạo đức chính trị cũng được đề cao trong sàng lọc nguồn lực tuyển dụng đầu vào, ưu tiên hơn đối với những đối tượng là đảng viên hoặc có chứng chỉ chính trị tương đương trung cấp trở lên đối với một vài vị trí tuyển dụng.
Thứ ba, vấn đề bố trí và sử dụng viên chức cho công tác thư viện cũng có những thành tựu đáng ghi nhận. Để đánh giá thực trạng bố trí và sử dụng viên chức thư viện, đã thực hiện khảo sát về mức độ hài lòng của viên chức đối công việc thì kết quả cho thấy có đến trên 80% viên chức cảm thấy hài lòng với công việc hiện tại. Qua khảo sát có thể đánh giá về công tác bố trí và sử dụng viên chức thư viên là tương đối đúng người, đúng việc. Tình trạng viên chức luân chuyển đến hoặc đi chiếm tỷ trọng nhỏ hơn những năm sau đó.
Thứ tư, chính sách đào tạo, bồi dưỡng viên chức được thực hiện khá tốt Hàng năm, thư viện được cấp nguồn kinh phí riêng cho công tác đào tạo lại nghiệp vụ thư viện cũng như nghiệp vụ về quản trị bảo mật hệ thống mạng cho thư viện điện tử. Và đảm bảo khoảng 70% viên chức đều được tham gia các lớp tập huấn ngắn ngày phù hợp với công việc. Công tác đào tạo nâng cao trình độ học vấn dành cho những viên chức có nhu cầu đã được Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm và hỗ trợ kinh phí đào tạo.
Thứ năm, công tác đánh giá kết quả thực hiện công việc là cách thức để đánh giá chất lượng viên chức. Riêng đối với viên chức Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ngoài đánh giá kết quả công việc theo mẫu quy định chung của thư viện thực hiện đánh giá kết quả công việc thông qua đánh giá của nhóm tổ chuyên môn, đánh giá theo định mức công việc phải hoàn thành của từng nhóm tổ hoặc cá nhân. Việc đánh giá theo nhóm tổ chuyên môn sẽ giúp cả tổ chuyên môn cũng như các thành viên cùng cố gắng hỗ trợ nhau trong công việc tốt hơn, việc đánh giá công việc theo nhóm tổ chuyên môn cũng giúp các nhóm tổ chuyên môn nỗ lực và cố gắng hơn, nâng cao hiệu quả hoạt động của nhóm, hiệu quả làm việc của từng viên chức.
Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh
2.3. Điểm yếu
Nhìn chung hầu hết các mặt trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân sự Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đều thu được những thành tựu riêng. Nhưng bên cạnh những điều đã đạt được thì vẫn còn tồn tại những hạn chế như sau:
Thứ nhất, công tác lập kế hoạch, quy hoạch viên chức Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh chưa tốt. Thực tế vẫn tồn tại một bộ phận cán bộ thư viện, cán bộ quản lý thư viện không phát huy được tác dụng, chưa đáp ứng được yêu cầu làm việc trong tình hình mới.
Thứ hai, công tác tuyển dụng và bố trí sử dụng viên chức: Hiện nay ¾ số viên chức thư viện là nữ, điều này dẫn đến những hạn chế trong thực hiện công việc và sự phát triển chung của thư viện. Viên chức nữ hiện nay chủ yếu nằm trong độ tuổi sinh nở, do đó hàng năm luôn có viên chức nữ trong chế độ thai sản hoặc nuôi con nhỏ. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình công việc, cũng như những xáo trộn trong việc sắp xếp viên chức bổ sung thay thế làm thay công việc của người thiếu.
Thứ ba, công tác đào tạo bồi dưỡng viên chức các hoạt động bồi dưỡng kiến thức hàng năm đã được tăng cường, nhưng nội dung các chương trình bồi dưỡng kiến thức hàng năm thì chưa có sự thay đổi nhiều gây ra sự nhàm chán và không hiệu quả. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng phục vụ, quản lý, tổ chức hoạt động thu hút bạn đọc, giảm khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình làm việc và hoạt động của Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời giảm sức hút của thư viện nơi trước đây luôn được xem là nguồn cung cấp tri thức giàu có và hiệu quả nhất trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, các phương tiện nghe nhìn, internet.
Thứ tư, công tác đánh giá mức độ hoàn thành công việc các tiêu chí đánh giá còn chung chung, áp dụng cho nhiều nhóm đối tượng chưa cụ thể hóa được cho từng loại hoạt động và công việc của viên chức Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Khi đánh giá còn khó có sự phân định các ranh giới mức độ hoàn thành nhiệm vụ công việc được giao của viên chức. Do đó, công tác đánh giá mức độ hoàn thành công việc của viên chức chưa thực sự chuẩn xác.
Thứ năm, môi trường làm việc Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh nhìn chung còn chưa tốt với mặt bằng chung các thư hiện hiện đại khác bởi nguồn thu chi quỹ phúc lợi còn hạn chế. Môi trường văn hóa đặc thù cho công tác thư viện đã được quan tâm hỗ trợ nhưng không đáng kể, điều này dẫn đến chất lượng làm việc của khá nhiều chuyên viên thư viện còn khó khăn.
Thứ sáu, đội ngũ nhân sự Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh còn chưa đồng bộ, mất cân đối về trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, thiếu các kỹ năng giao tiếp cơ bản, còn 40% cán bộ Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh chưa được đào tạo về nghiệp vụ thư viện nên gặp nhiều khó khăn trong công việc, không thể tạo lập được những sản phẩm và dịch vụ thông tin mang tính chuyên sâu để phục vụ các thành phần người dùng tin trong xã hội một cách phong phú, đa dạng. Do đó, Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã không phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của mình trong xã hội thông tin.
Thứ bảy, số lượng nhân sự Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh chưa đủ, thiếu tính năng động, sáng tạo trong lao động. Đa số còn rụt rè, thụ động, chưa tích cực trong truyền thông vận động hình ảnh, hoạt động thư viện đến mọi ngành, mọi giới địa phương, chưa xây dựng được mối quan hệ công chúng để thúc đẩy sự phát triển của hoạt động thư viện. các hoạt động của Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh mang tính cầm chừng, chưa đáp ứng được nhu cầu đọc, nhu cầu thông tin của cư dân trên địa bàn và chưa thực hiện được chiến lược phát triển Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020. mặc dù hàng năm thi nâng ngạch tỷ lệ đạt chuẩn cao, song trên thực tế các cán bộ Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa được cập nhật đầy đủ, kịp thời về kiến thức và phương pháp làm việc mới (ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phục vụ bạn đọc, trả lời hỏi đáp trực tiếp…), nên chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đổi mới của Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt là cán bộ thư viện đã có tuổi thường ngại tiếp thu các kiến thức cũng như phương pháp ứng dụng công nghệ trong các phần mềm hoặc tài liệu số. Do đó, việc đổi mới phương pháp hoạt động cũng như việc ứng dụng khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế trong một bộ phận không nhỏ cán bộ Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
KẾT LUẬN
Trong hoạt động thư viện hiện nay, nhân sự đóng vai trò quyết định cho sự phát triển của ngành thư viện. Họ là người nối kết giữa tài liệu và người sử dụng, đóng vai trò môi giới quan trọng. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và phong phú của người sử dụng, điều quan trọng nhất đối với Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh là phải xây dựng một đội ngũ nhân lực đủ về số lượng và chất lượng. Điều này giúp thư viện thực hiện tốt vai trò và chức năng của mình, đồng thời cung cấp lực lượng lao động chất lượng cao để đóng góp vào sự phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Trong lĩnh vực hoạt động của mình, Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu đáng kể, có phần nào đáp ứng được nhu cầu thông tin của người sử dụng và giới thiệu các hoạt động của thư viện đến với cộng đồng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thư viện vẫn gặp nhiều khó khăn, bao gồm vấn đề tổ chức, trụ sở, trang thiết bị kỹ thuật, vốn tài liệu, và đặc biệt là nguồn nhân lực chưa đáp ứng đủ yêu cầu cho sự phát triển văn hóa nói chung và lĩnh vực thư viện nói riêng, không đồng bộ với xu hướng thời đại.