Kenya vốn là một nước Đông Phi nổi tiếng đói nghèo, thiếu lương thực. Dịch bệnh Covid-19 vừa qua càng gây thêm những ảnh hưởng nặng nề. Tổng sản phẩm quốc nội của Kenya hiện đang dậm chân ở mức dưới 5%. Đây là mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 3 năm qua. Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trung tâm Sinh học nông nghiệp quốc tế (CABI) vừa công bố trên tạp chí World Development cũng cho thấy, tỉ lệ người mất an ninh lương thực (ANLT) tại Kenya đã tăng 38% so với trước khi xảy ra dịch Covid-19. Trong đó, nông dân là những người chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả do mức thu nhập rất thấp.
TS. Justice Tambo, tác giả của nghiên cứu này đánh giá, chỉ cần một tác động nhỏ cũng sẽ thành cú sốc lớn đối với họ, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19. Nghiên cứu chỉ ra rằng, hơn một nửa số người tham gia khảo sát tại Kenya đã tỏ ra lo lắng về tình trạng thiếu lương thực, không còn được ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng và lành mạnh.
Còn tại Uganda, ngoài nỗi lo đối phó Covid-19, nông dân nước này đang phải gánh chịu thêm những hậu quả nặng nề do dịch bệnh sâu keo mùa thu gây hại mùa màng.
Sâu keo mùa thu là một loài côn trùng gây hại có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Mỹ. Kể từ lần đầu tiên được báo cáo về sự xuất hiện vào năm 2016, sâu keo mùa thu đã lan rộng khắp châu Phi (vùng cận Sahara), gây thiệt hại nặng nề trên diện rộng, đặc biệt là đối với cây ngô.
Tới giữa năm 2017, loài sâu hại này đã có mặt ở tất cả các quận của Uganda, gây ra thiệt hại từ 15-75% năng suất. Ước tính đã có khoảng 450.000 tấn ngô, tương đương với 192 triệu USD đã bị thiệt hại do sâu keo mùa thu trong vụ mùa đầu tiên năm 2017. Con số này ảnh hưởng trực tiếp tới 3,6 triệu người, tương đương khoảng 9% dân số Uganda.
Trước những thách thức về ANLT, Chính phủ các nước Kenya và Uganda đã nỗ lực thực hiện nhiều chính sách phục hồi kinh tế, nhất là sau dịch Covid-19. Nhưng với những đại dịch tương tự có thể xảy ra tiếp theo, CNSH đang là cải tiến tiềm năng nhất, giúp giải quyết các vấn đề liên quan tới ANLT, cũng như thách thức dân số ngày càng tăng.
Thực tế tại Kenya, cây trồng được sản xuất bằng CNSH đang có giá cả tốt hơn đối với người nông dân nước này. Thực phẩm BĐG thường chứa vitamin và các lợi ích khác giúp cải thiện vấn đề suy dinh dưỡng trong cộng đồng.
Nhờ việc ứng dụng CNSH trong nông nghiệp, người nông dân có thể gia tăng năng suất nhờ vào việc tiết kiệm thời gian, nhân công lao động cho những công việc như làm cỏ, đồng thời chi phí đầu vào cũng giảm do không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều.
Cây trồng BĐG với năng suất cao sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu. Ngành công nghiệp chính của Kenya là dệt may đang suy tàn trước đây chắc chắn sẽ sớm chứng kiến sự tăng trưởng với tỉ lệ ứng dụng đạt hơn 11%.
Trước đó, vào năm 2019, Kenya là nước Đông Phi đầu tiên được Bộ Nông nghiệp cấp phép sử dụng giống bông Bt và triển khai canh tác rộng rãi. Đây là giống bông được thiết kế đặc biệt để xua đuổi các loại sâu bướm phá hoại một cách tự nhiên mà không phải sử dụng thêm thuốc bảo vệ thực vật.
Nhiều nông dân ở Kenya cũng đang chờ Chính phủ cấp phép sử dụng giống sắn Bt kháng bệnh sọc nâu và bệnh khảm lá sau quá trình đánh giá an toàn sinh học và bền vững. Đây là hai loại bệnh hại có thể khiến nông dân trồng sắn thiệt hại 70% năng suất nếu cây nhiễm bệnh.
Việc chuyển đổi sang CNSH trong sản xuất thực phẩm sẽ khiến Kenya trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu trong sản xuất nông nghiệp, làm giảm mức nghèo tuyệt đối; đồng thời mang lại một tương lai bền vững, khoẻ mạnh hơn cho người dân nơi đây.
Còn tại Uganda, Tổ chức Nghiên cứu nông nghiệp quốc gia Uganda đã phát triển thành công các giống ngô có khả năng chống lại dịch hại từ các thành viên thuộc bộ cánh vẩy, trong đó có sâu keo mùa thu. Tuy nhiên, việc phổ biến các giống cây BĐG này chưa được cấp phép tại Uganda.
Tại các buổi tập huấn cho nông dân về quản lý và kiểm soát sâu keo mùa thu do Trung tâm Thông tin khoa học sinh học Uganda (UBIC) tổ chức hồi tháng 9 vừa qua, hơn 350 nông dân và đơn vị khuyến nông đến từ 8 quận phía Bắc Uganda tham gia đều mong muốn được sớm sử dụng các giống cây trồng Bt có lợi.