Lào Cai là tỉnh miền núi với 25 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có “kho tàng” văn hóa riêng mang đậm bản sắc trong sinh hoạt, sản xuất. Do tiến trình phát triển của xã hội, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc diễn ra mạnh mẽ đã vô tình khiến một số dân tộc đứng trước nguy cơ bị mai một về bản sắc văn hóa. Vì vậy, việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc đã và đang được các ngành, các địa phương và chính mỗi dân tộc đặc biệt quan tâm.
Nghệ nhân Hoàng Văn Thụy trình diễn hát then.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Vĩnh Yên (huyện Bảo Yên) nên từ nhỏ, Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Thụy đã được đắm mình trong những làn điệu mượt mà của dân ca Tày. Những làn điệu ấy không chỉ mang đến cho dân tộc Tày ở Vĩnh Yên niềm vui trong cuộc sống mà còn mang nhiều ý nghĩa như ca ngợi tình yêu quê hương, động viên người dân hăng say lao động, sản xuất, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau… Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng phát triển, nỗi lo về kinh tế khiến nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ ở Vĩnh Yên ít quan tâm đến bản sắc văn hóa dân tộc mình, trong đó có làn điệu dân ca Tày.
Vì tình yêu và cũng trước nguy cơ dân ca Tày bị mai một, hơn 20 năm nay, Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Thụy không quản ngày đêm, ngược xuôi khắp các bản làng người Tày với mong muốn sưu tầm, ghi chép lại những bài hát, làn điệu dân ca Tày từ thế hệ đi trước, chủ yếu là các bài then cổ. Sau khi sưu tầm, biên soạn lại các làn điệu, ông Thụy còn thành lập đội văn nghệ hát then để trực tiếp truyền lại những làn điệu dân ca cho các thế hệ người Tày ở xã Vĩnh Yên. Hiện nay, trong kho tàng dân ca Tày ở Vĩnh Yên mà Đội hát then đang lưu giữ, bảo tồn có khoảng 50 bài. Ngoài ra, Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Thụy còn sáng tác thêm những bài then mới để không chỉ bảo tồn mà còn phát triển nghệ thuật then Tày. Ngoài luyện tập và biểu diễn, các nghệ nhân hát then ở Vĩnh Yên cũng tích cực truyền dạy lại cho học sinh các trường học xã Vĩnh Yên và xã Nghĩa Đô.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 19 nghệ nhân ưu tú và nhiều nghệ nhân dân gian trong cộng đồng các dân tộc. Đội ngũ nghệ nhân không chỉ là “kho sử sống” mà còn là “cầu nối” văn hóa dân tộc giữa thế hệ trước với thế hệ trẻ. Thông qua nghiên cứu, sưu tầm kết hợp với đề cương hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bản sắc văn hóa dân tộc được các nghệ nhân triển khai sưu tầm một cách chi tiết, khoa học, phản ánh rõ nét, chân thực truyền thống văn hóa các dân tộc, góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Bên cạnh việc chú trọng sưu tầm văn hóa dân tộc, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cũng được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp. Trên địa bàn tỉnh hiện có 26 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là “Kéo co của người Tày - Giáy” đã được UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 1 hồ sơ “Nghi lễ then của người Tày” đang đề cử UNESCO đưa vào danh mục này. Đây là những di sản có lịch sử văn hóa truyền thống lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương và đang được gìn giữ, phát triển cho đến ngày nay.
Các di sản văn hóa phi vật thể trước nguy cơ bị mai một sau khi được công nhận đã góp phần nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo tồn, phục dựng của chính quyền các địa phương. Có thể thấy điều đó thông qua việc tổ chức phục dựng đều đặn hằng năm các lễ hội như lễ hội Gầu tào của người Mông, nghi lễ cấp sắc của người Dao, nghi lễ then của người Tày, lễ hội Lồng tồng của người Tày, lễ hội Roóng poọc của người Giáy, lễ hội Khô già già của người Hà Nhì, lễ hội đền Bảo Hà, lễ hội đền Thượng…
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc là nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước quan tâm. Vì vậy, để thực hiện tốt công tác này cần có đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa giỏi chuyên môn, am hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán của các dân tộc, đồng thời cần đẩy mạnh việc đưa di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch…