Chị Viktoryia (phải) cùng các bạn Nga thích thú khi được chạm tay vào trái thanh long. Ảnh: Việt Quốc. |
Chị Viktoryia Nanumian cùng nhóm bạn Nga đang có kỳ nghỉ đông tại Mũi Né. Họ lên ôtô vào tham quan vườn thanh long của nhà ông Nguyễn Văn Chín ở thôn Phú Mỹ, xã Hàm Mỹ sáng 31/12. Khu vườn nằm ở vùng chuyên canh cây thanh long, kề quốc lộ 1A, giáp Phan Thiết, cách trung tâm Mũi Né chừng 25 km về hướng nam.
Vườn hơn 1.000 trụ thanh long của gia đình ông Chín đang cho trái sắp thu hoạch. Trái chín đỏ hồng nổi bật trong khu vườn ngát xanh. Hướng dẫn viên giới thiệu với du khách, đây là loài cây xương rồng cho ra trái dùng được, đặc sản nổi tiếng của vùng đất nắng gió Bình Thuận. Toàn tỉnh hiện có hơn 30.000 ha, nhiều nhất cả nước. Sản lượng hơn nửa triệu tấn mỗi năm được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Cùng tham gia chuyến đi, anh Anatoliy Korotych và vợ Irina cho biết họ đã nghe bạn bè thông tin về tour tham quan này trước thềm năm mới, nên đăng ký ngay. "Lần đầu tiên đến Việt Nam và biết đến vườn thanh long, nông dân bản xứ rất hiền hòa, đã cho tôi một trải nghiệm tuyệt đẹp", anh Anatoliy nói.
Trước khi đến Việt Nam, các du khách này chưa biết gì về trái thanh long. Tuần qua, họ được ăn thanh long ở nhà hàng của resort, nhưng không thể hình dung nó được trồng thế nào. "Nay được mặc áo nâu sòng, lội bộ đi xem vườn thanh long và nghe nông dân nói về cách chăm sóc, tôi rất thích. Đây là loại trái cây ngon. Tôi muốn ăn nó hàng ngày", chị Viktoryia nói.
Nhóm du khách nước ngoài chụp ảnh kỷ niệm tại vườn thanh long ở xã Hàm Mỹ ngày 31/12. Ảnh: Việt Quốc. |
Tour trải nghiệm vườn thanh long được Trung tâm Xúc tiến Du lịch Bình Thuận đưa vào hoạt động từ ngày 31/12 tại xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam. Ngoài thăm vườn, ngắm trái chín, hoa nở, học cách chăm sóc thanh long, du khách còn được giới thiệu về phong tục tập quán, cùng đi chợ, chế biến các món ăn truyền thống, sinh hoạt, ăn uống như người nhà với nông dân địa phương.
Giá vé tham quan vườn là 20.000 đồng một người, đã bao gồm phí hướng dẫn và nước uống miễn phí. Chi phí phát sinh thêm khi du khách mua dừa tươi, thanh long làm quà hoặc đi chợ mua thực phẩm, cá tươi, chế biến món ăn tại nhà dân.
Hoa thanh long trong một vườn ở Bình Thuận. Ảnh: Việt Quốc. |
Ông Võ Xuân Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Bình Thuận cho biết để đưa tour này vào hoạt động, trong năm 2019, trung tâm đã khảo sát và tập huấn cho bà con nông dân nhiều đợt về mô hình du lịch nông nghiệp. Phú Mỹ (xã Hàm Mỹ) là điểm đến đầu tiên trong số ba điểm đang triển khai trên toàn tỉnh.
"Chúng tôi triển khai mô hình này nhằm phát triển sản phẩm mới cho du lịch địa phương, với mong muốn đưa ngành du lịch Bình Thuận phát triển sâu rộng hơn, làm tăng thu nhập người dân địa phương ở những vùng làm nông nghiệp, vùng sâu vùng xa", ông Nghĩa cho biết.