Tham gia sự kiện có 27 tỉnh, thành phố (trong đó có 15 tỉnh miền núi phía Bắc và thành phố Hà Nội) đã được bán, giới thiệu, quảng bá tới người tiêu dùng Thủ đô.
Cắt băng khai mạc sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc.
Lễ khai mạc đã thu hút rất đông nhân dân và du khách thập phương đến tham quan, mua sắm và thưởng thức ẩm thực đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Tham gia sự kiện có hơn 200 gian hàng đến từ các tỉnh: Lang Sơn, Cao Bằng, Bắc Kan, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Quảng Ninh, Điện Biên, Hà Nội….. Với hàng nghìn sản phẩm đặc sản vùng miền trưng bày tại sự kiện đều được cấp chứng nhận OCOP, bên cạnh các sản phẩm trưng bày tại sự kiện còn trình diễn văn hóa ẩm thực với các món ăn đặc sản mang đậm bản sắc vùng miền; trưng bày trên 200 tác phẩm sinh vật cảnh tiêu biểu của thủ đô tại không gian sinh vật cảnh Hà Nội tạo điểm nhấn và nét văn hóa của thủ đô.
Các sản phẩm tinh bột nghệ do Công Ty Cổ Phần Nông Sản Bắc Kạn sản xuất. Tinh bột nghệ Bắc Kạn được đánh giá là có hàm lượng Curcumin rất cao.
Du khách thập phương đến tham quan, mua sắm và thưởng thức ẩm thực đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc
Trước lễ khai mạc buổi chiều ngày 24/7/2020 Ban tổ chức cũng tổ chức Hội thảo kết nối giao thương sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia OCOP, với mục đích kết nối giao thương các sản phẩm vào các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Nội
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Nội, việc kết nối giao thương các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP vào các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết.
Ông Đặng Ngọc Phố - Phó Giám đốc HTX Sơn Trà (huyện Na Hang, Tuyên Quang) cho biết, trong sự kiện này HTX giới thiệu 2 sản phẩm, đó là chè và bí thơm. "Thông qua sự kiện này HTX rất kỳ vọng sẽ có cơ hội để kết nối được với các đối tác để tìm đầu ra ổn định cho HTX".
“Hà Nội sẽ đẩy mạnh truyền thông để mọi người biết được nhóm sản phẩm này ở đâu, chủ thể ra sao, minh bạch sản phẩm thế nào, thị trường đang tiêu thụ ra sao để từ đó tạo cơ hội quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó là tổ chức các sự kiện kết nối, giao thương tiêu thụ các sản phẩm OCOP nhằm trao đổi chia sẻ giữa các chủ thể sản xuất với người tiêu dùng và với hệ thống phân phối và các nhà phân phối. Đồng thời coi OCOP là sản phẩm của cộng đồng. Vì vậy, việc đẩy mạnh phối kết hợp các địa phương để tạo ra các sản phẩm tốt nhất phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô và hướng tới xuất khẩu là việc đang được Hà Nội đẩy mạnh triển khai”, ông Chí nhấn mạnh.
Ông Chu Phú Mỹ Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong khuôn khổ Hội thảo kết nối giao thương sản phẩm OCOP chiều ngày 24/7 đã có 24 biên bản hợp tác ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm giữa các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị lớn với 15 tỉnh miền núi phía Bắc; 140 biên bản hợp tác ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm giữa các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị lớn với các chủ thể có sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng OCOP tham gia sự kiện này và biên bản ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm giữa Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và 11 tỉnh miền núi phía Bắc, với sự chứng kiến của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương.
Chương trình sẽ kéo dài đến hết ngày 27/7 tại không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật ẩm thực đường phố quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội./.