Báo cáo tại buổi làm việc, các đại biểu đã nêu bật những nỗ lực của toàn huyện Hoài Đức trong xây dựng Nông thôn mới. Theo đó, Hoài Đức là một trong những địa phương được công nhận là huyện NTM sớm nhất cả nước. Nằm ở cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, Hoài Đức đang có tốc độ đô thị hoá rất nhanh. Bởi vậy, ngay sau khi được công nhận là huyện NTM, Hoài Đức đã chủ trương nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng đến mục tiêu trở thành quận trong tương lai.
Toàn cảnh hội nghị thẩm định
Trong quá trình nâng cao chất lượng các tiêu chí, huyện Hoài Đức chú trọng “chuẩn hoá” hạ tầng giao thông, cấp thoát nước… để có thể kết nối đồng bộ với các công trình hạ tầng của thành phố; nâng cấp đường liên thôn, liên xã để đáp ứng tiêu chí của đô thị. Đến nay, đối với các tiêu chí để phát triển thành quận, Hoài Đức đã đạt 5/6 tiêu chí trên sáu tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội, 17/21 tiêu chí về phát triển hạ tầng. Hiện còn 3 tiêu chí cơ bản đạt là cân đối thu - chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị và đất cây xanh công cộng, hai tiêu chí chưa đạt là cơ sở y tế cấp đô thị và tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý.
Trong đó, cùng với các xã tiêu biểu như Song Phương, Đông La, Tiền Yên, Vân Côn, Cát Quế, Đắc Sở…thì xã Yên Sở là xã tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội. Trong giai đoạn 2011-2015, xã vinh dự là 1 trong 27 xã của cả nước được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và thưởng 1 công trình phúc lợi trị giá 1 tỷ đồng do có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Yên Sở đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2016 đến nay, Yên Sở đã huy động được hơn 567 tỷ đồng để nâng cao chất lượng các tiêu chí trong nông thôn mới, trong đó vốn đóng góp từ nhân dân, doanh nghiệp, hợp tác xã là 423 tỷ đồng. Với nguồn vốn huy động đó, Yên Sở đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng từ trường học, nhà văn hóa thôn, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em và người cao tuổi…
Hiện kinh tế Yên Sở phát triển khá. Toàn xã có 40 doanh nghiệp, 271 hộ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng…Đặc biệt, xã đã chuyển đổi thành công các loại cây trồng kém hiệu quả kinh tế sang trồng hoa, cây ăn quả… đem lại thu nhập cao.
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Sở Nguyễn Đình Khoa, phát huy kết quả đạt được, từ năm 2016 đến nay, toàn xã đã huy động được hơn 567 tỷ đồng để nâng cao chất lượng các tiêu chí trong nông thôn mới, trong đó, riêng vốn đóng góp từ nhân dân, doanh nghiệp, hợp tác xã là 423 tỷ đồng.
Yên Sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa
Với nguồn vốn được đầu tư, xã Yên Sở đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang. Hiện xã có 3 trường học của 3 cấp đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó, Trường mầm non xã Yên Sở đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Tất cả các thôn của xã đều có nhà văn hóa khang trang, có điểm vui chơi giải trí cho trẻ em và người cao tuổi. Nhà văn hóa quy mô xã có phòng truyền thống, thư viện, phòng chơi bóng bàn, tập yoga, sân thể thao ngoài trời… phục vụ nhân dân.
Hiện nay, xã Yên Sở có kinh tế phát triển khá. Toàn xã có hơn 300 giáo viên công tác tại các trường học trong và ngoài xã; 40 doanh nghiệp và 271 hộ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng; trong nông nghiệp đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây ăn quả, hoa… cho thu nhập cao.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã đánh giá, xã Yên Sở là một điển hình của chuẩn NTM nâng cao ở Hoài Đức. Những tuyến đường thôn xóm, liên xã được đổ bê tông rộng và đẹp. Các công trình phúc lợi, trường học được xây dựng khang trang, kiên cố, những phòng học sạch đẹp, đầy đủ cơ sở vật chất đã trở thành niềm vui của con em trong xã mỗi khi tới trường. Yên Sở triển khai xây dựng NTM nâng cao từ năm 2016, việc xây dựng được triển khai đồng bộ: Cấp uỷ, chính quyền xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu cụ thể, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân vận động nhân dân thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
“Trong quá trình triển khai, những khó khăn vướng mắc được phát huy kịp thời với sự tham gia của Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Từ đó, người dân có trách nhiệm hơn với công tác xây dựng. Thông qua cuộc vận động Toàn dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh, tính từ năm 2016-2019, cá nhân trong và ngoài xã đã ủng hộ các phong trào với tổng kinh phí hơn 418 triệu đồng; đóng góp 5.288 ngày công (tương đương 952 triệu đồng); đóng góp tôn tạo di tích Quán Giá (3,1 tỷ đồng); đóng góp xã hội hóa nước sạch 8,4 tỷ đồng; cải tạo nhà ở, công trình vệ sinh 405 tỷ đồng…Yên Sở đang trở thành địa bàn “làng khang trang như phố”. Kết hợp với các công trình hạ tầng của huyện xây dựng, Yên Sở đã sẵn sàng để “lên quận” trong tương lai…”, ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.
Từ những cơ sở đó, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, khẳng định, trên cơ sở thẩm tra hồ sơ và đánh giá thực tế, đối chiếu với các quy định của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã Yên Sở đáp ứng đủ 19/19 tiêu chí đề ra. Trên cơ sở đó, Đoàn công tác sẽ hoàn thiện hồ sơ, trình Chủ tịch UBND thành phố công nhận xã Yên Sở đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020.
BÀI VIẾT THEO CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP VỚI VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TP. HÀ NỘI
Địa chỉ: số 73 Lê Hồng Phong - Hà Đông - Hà Nội Điện thoại: 024.33602178; Email: nvchisxttmnnhanoi@gmail.com