Hiện nay, tại các tỉnh, thành phố phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra) có trên 1,1 triệu ha lúa Đông Xuân đang sinh trưởng, phát triển tốt. Trong đó, vùng Bắc Trung bộ khoảng 351.000ha, vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc khoảng 755.000ha. Trong khi đó, thời tiết vụ Đông Xuân 2019-2020 đang có những diễn biến khó lường. Từ cuối tháng 3 đến nay, có mưa nhỏ, ẩm độ cao liên tục là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sinh vật gây hại bùng phát. Đặc biệt là bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá.
Đối với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, mặc dù thời vụ muộn hơn các tỉnh Bắc Trung bộ nhưng Sở NN & PTNT các tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo phòng trừ đạo ôn và sâu bệnh khác trên lúa vụ Đông xuân và sâu keo mùa thu trên ngô như Nam Định, Hưng Yên, Hòa Bình, Điện Biên... Ngoài ra, cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV phối hợp với cán bộ Trung tâm BVTV vùng tăng cường điều tra giám sát chặt chẽ diễn biến của bệnh đạo ôn lá, chỉ đạo chủ động phòng trừ cho những diện tích có tỷ lệ bệnh cao trong điều kiện thời tiết thuận lợi.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu tham luận tại Hội nghị
Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, trước diễn biến phức tạp tình hình dịch bệnh Covid-19, Hà Nội phải tập trung lo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho gần 10 triệu người dân, nên lúc này ngành Nông nghiệp Hà Nội được xác định gần như là mặt trận hàng đầu.
Nêu vấn đề Dịch tả lợn Châu Phi đã ảnh hưởng nhiều tới tăng trưởng của ngành trong năm 2019, đồng chí Nguyễn Văn Sửu cho biết, năm 2020, ngành Nông nghiệp Hà Nội đặt ra mục tiêu tăng trưởng 4%, nên vụ Đông và vụ Xuân thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu. Vụ Đông diện tích gieo trồng của thành phố gần 29.000ha. Vụ Xuân diện tích gieo trồng gần 108.000ha, trong đó, diện tích trồng lúa là 87.000ha, với sản lượng gần 524.000 tấn; diện tích trồng rau là 8.477ha với nhiều chủng loại rau phong phú, sản xuất 2.200 tấn rau mỗi ngày.
Đối với cây lúa, thành phố đã chỉ đạo trà rất sớm, đến nay, lúa đã làm đòng và không bị ảnh hưởng nhiều bởi rét nàng Bân. Riêng về bảo vệ thực vật, những dịch hại trên lúa như Đạo ôn chưa đến 40ha chỉ bị ở lá, chuột là 613ha… thành phố sẽ cố gắng khắc phục. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ tiếp tục thực hiện các chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN&PTNT để đảm bảo phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng, đảm bảo tăng trưởng của ngành.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng 4% của ngành, trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác thủy lợi, nhất là vấn đề tưới tiêu của Hà Nội. Quan tâm, giúp đỡ thành phố trong việc phát triển các vùng chuyên canh; phát triển một số vùng sản xuất hữu cơ. Đặc biệt, tới đây, thành phố sẽ có gói kích thích tăng trưởng để phát triển nông nghiệp trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố đề nghị Bộ NN&PTNT ủng hộ các chính sách này, tạo đà cho ngành Nông nghiệp Thủ đô phát triển, đảm bảo đáp ứng đủ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân trên địa bàn.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, 31 tỉnh thành từ Thừa Thiên Huế trở ra nằm trong 3 tiểu vùng Bắc Trung Bộ, Đồng bằng Sông Hồng và các tỉnh miền núi phía Bắc, có diện tích đất lúa chưa đến 30% diện tích lúa của cả nước, nhưng lại có khoảng 47 triệu dân (chiếm 1/2 dân số cả nước). Vì vậy, an ninh lương thực tại chỗ là vấn đề rất quan trọng, trong đó, vụ Xuân lại quyết định 60% sản lượng. Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh thách thức rất lớn đối với ngành, ngoài đại dịch Covid-19 còn có thiên tai. Tuy nhiên, đến nay, 31 tỉnh thành đã khắc phục hạn đầu vụ, tất cả các diện tích cơ bản đủ nước cho việc gieo cấy; các tỉnh thành cũng đã lựa chọn được cơ cấu loại giống ngắn ngày có khả năng chống sâu bệnh. Đáng chú ý, chưa có năm nào được ải như năm nay, đặc biệt là vùng Đồng bằng Sông Hồng.
Tuy nhiên, đồng chí Bộ trưởng cũng lưu ý, đây cũng là thời kỳ mẫn cảm nhất với sâu bệnh, là thời kỳ quyết định nhất đối với năng suất cây lúa. Đặc biệt, thời tiết diễn biến rất phức tạp lại đúng thời kỳ cây lúa trổ bông. Để bảo vệ tốt các trà lúa vụ Đông Xuân, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, từ Thừa Thiên Huế trở ra, chỉ đạo Sở NN&PTNT, UBND các huyện cấp bách, tổ chức phòng, chống một số sinh vật gây hại. Đối với vùng Bắc Trung bộ, tập trung chỉ đạo phòng chống bệnh đạo ôn cổ bông trên trà lúa trổ từ 5-20/4, đặc biệt tại Hà Tĩnh, Nghệ An. Bám sát đồng ruộng để điều tra diễn biến phát sinh, gây hại của bệnh.
Vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc tiếp tục chỉ đạo phòng, chống bệnh đạo ôn lá, nhất là trên giống nhiễm và bệnh đạo ôn cổ bông trên các trà lúa trổ trong tháng 4 đến giữa tháng 5. Kết hợp chỉ đạo phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ từ giữa đến cuối tháng 4, nhất là các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5 để bảo vệ năng suất lúa. Chỉ đạo chăm sóc và bón phân tập trung vào các đợt bón thúc, không bón đón đòng để giảm thiểu sự phát sinh, gây hại của bệnh bạc lá trong trường hợp gặp mưa, gió lớn.
Bộ trưởng cũng đề nghị Cục Bảo vệ Thực vật chỉ đạo các Trung tâm Bảo vệ Thực vật vùng thường xuyên nắm tình hình sinh vật gây hại và công tác chỉ đạo ở các tỉnh trong vùng, tổ chức kiểm tra thực tế tình hình sinh vật gây hại trên đồng ruộng ở một số tỉnh trọng điểm. Cục Trồng trọt hướng dẫn các địa phương biện pháp canh tác, chăm sóc, bón phân tập trung cân đối để cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, đảm bảo năng suất, sản lượng.