Giao mùa trở lạnh, người cao tuổi dễ mắc bệnh gì?

Đăng bởi Cảnh Trực

23/11/2020 11:37

Người cao tuổi (NCT) vốn có sức đề kháng kém, lại sẵn có một vài bệnh mạn tính, vậy nên cùng với sự tác động của thời tiết lúc giao mùa nóng lạnh, mưa nắng thất thường, họ rất dễ ốm. Dưới đây là những bệnh mà NCT dễ mắc lúc giao mùa. Xin chia sẻ với bạn đọc của https://khoahocvacuocsong.vn/ bài viết trên https://suckhoedoisong.vn/

Bệnh đường hô hấp

Khi trời nóng lạnh, mưa nắng thất thường, NCT có thể bị cảm lạnh do chế độ sinh hoạt hàng ngày không hợp lý (đang đi ngoài nắng về lại tắm ngay hoặc đang trong phòng đi ra ngoài trời nhiệt độ thấp). Nếu nhẹ có thể gây viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm mũi, nếu nặng có thể viêm phế quản, phổi. Đối với NCT bị viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản hoặc hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khi nóng, lạnh đột ngột cũng sẽ tái xuất hiện, nhất là hen ác tính rất nguy hiểm đến tính mạng.

Rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa là một trong những bệnh phổ biến trong mùa mưa. Với NCT, nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa cao hơn người trẻ do sức đề kháng và sự chuyển hóa thức ăn trong cơ thể kém. Hơn nữa, khi trời lạnh và mưa nhiều, thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh (ăn rau sống, uống nước đá nhiễm khuẩn, thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật, hóa chất) dẫn đến ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy gây mất nước và chất điện giải.

Một số NCT do chế độ ăn uống chưa hợp lý nên thường bị đầy bụng, khó tiêu, đầy hơi, trướng bụng, táo bón... Những bệnh đường tiêu hóa này tái đi tái lại nhiều lần sẽ làm sức khỏe NCT suy giảm và nguy cơ mắc các bệnh tiết niệu, nội tiết, tim mạch... tăng cao hơn.

Khám sức khỏe cho người cao tuổi.

Khám sức khỏe cho người cao tuổi.

Bệnh tim mạch, tăng huyết áp

Về mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch. Thời tiết lạnh làm tăng tiết các catecholamin trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp. Với NCT, huyết áp phải kiểm soát để không quá 140/90mmHg. Khi thời tiết chuyển sang giá lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp sẽ tăng, ngoài ra mức huyết áp có thể tăng vọt khi đột ngột ra ngoài trời lạnh hoặc khi đi tắm rửa, rất nguy hiểm. Đặc biệt, những người bị bệnh đái tháo đường, nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao và dễ có cơn tăng huyết áp kịch phát, nguy hiểm. Đối với bệnh nhân có bệnh mạch vành, khi trời lạnh, nhu cầu ôxy cho cơ tim tăng hơn vì thế cũng có nguy cơ xuất hiện dấu hiệu của các bệnh mạch vành như đau ngực, nhồi máu cơ tim cấp. Đặc biệt thời tiết lạnh còn làm tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi...

Các bệnh về cơ, xương, khớp

Một số bệnh về cơ xương khớp NCT rất dễ mắc phải như viêm khớp gối, đau lưng, cứng khớp và khó vận động. Viêm khớp gối là bệnh xuất hiện thường xuyên nhất. Theo thời gian xương khớp bắt đầu thoái hóa, hình thành các mấu xương, gai xương trong khớp gối gây chèn ép vào màng khớp và gây viêm. Mỗi khi tiết trời chuyển mùa, hanh khô hoặc lạnh, sự tuần hoàn của các mạch máu đi nuôi cơ thể kém hơn, các khớp gối dễ bị sưng nề gây nên sự khó khăn trong việc vận động, nhất là các vận động gấp duỗi cẳng chân, bước cầu thang...

Đau lưng ở NCT đôi khi là dấu hiệu báo trước những ngày thời tiết chuyển mùa sắp đến. Ở người già, đau lưng diễn ra khá thường xuyên, có thể vào mọi lúc. Tuy nhiên vào đợt chuyển mùa, cơn đau thường diễn ra dai dẳng với cường độ mạnh. Nhiều NCT thấy rằng cơn đau lưng xuất hiện là dấu hiệu báo có sự thay đổi đột ngột của thời tiết. Đau lưng gây nhiều bất tiện trong cuộc sống thường ngày.

Rối loạn giấc ngủ

Giấc ngủ rất cần cho một cơ thể khỏe mạnh. Ở NCT, giấc ngủ càng quan trọng hơn do độ tuổi này sức khỏe suy giảm cùng với những căn bệnh tuổi già. Khi thời tiết thay đổi, cơ thể mất nhiều năng lượng để thích ứng nên rất khó ngủ. NCT thường chỉ trải qua giấc ngủ thực sự khoảng 4 giờ mỗi ngày, chính điều này đã là sự biểu hiện của việc không được ngủ đủ giấc. Có thể lúc đi ngủ thì thường trằn trọc mãi không ngủ được hoặc là ngủ rất dễ nhưng lại tỉnh sớm và nằm trằn trọc cả đêm. Ở những người có tình trạng rối loạn giấc ngủ, cơ thể không được hồi phục sức khỏe đầy đủ sẽ dẫn tới tình trạng mệt mỏi, suy nhược, ảnh hưởng tới thần kinh. Do sức khỏe kém nên NCT thường ít vận động thể chất khiến cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, ốm yếu, kém phần dẻo dai, cũng khiến NCT khó đi vào giấc ngủ hơn. Tình trạng rối loạn giấc ngủ không được điều chỉnh, lâu ngày còn có thể dẫn tới suy nhược cơ thể, chán nản, trầm cảm hay cáu gắt, chán ăn, buồn bã, bi quan...

Cảnh Trực
Nguồn https://suckhoedoisong.vn/giao-mua-tro-lanh-nguoi-cao-tuoi-de-mac-benh-gi-n183167.#html

Bạn đang đọc bài viết "Giao mùa trở lạnh, người cao tuổi dễ mắc bệnh gì?" tại chuyên mục Sức khỏe.

Đọc các tin bài có liên quan tại trang https://nongthonvaphattrien.vn/