Người Korowai trong nhiều năm được biết đến là bộ tộc sống tách biệt với thế giới hiện đại. Cuộc tiếp xúc đầu tiên của họ với thế giới bên ngoài diễn ra từ những năm 1970. Theo ghi nhận khi đó, người Korowai ở trần, đàn ông đóng khố, phụ nữ mặc váy kết từ cỏ, săn bắn hái lượm như thời nguyên thuỷ. Họ sống trong nhà trên ngọn cây cao để tránh ruồi muỗi, thú dữ và kẻ thù. Những ngôi nhà này được gọi là khaim, dựng trên một thân cây, hầu hết cao 8-12 mét, căn cao nhất lên đến 35 mét.
Họ chữa bệnh bằng thảo dược, do đó tỷ lệ tử vong do sốt rét, lao, phù chân voi hay thiếu máu đặc biệt cao. Người Korowai tin rằng người bệnh chết vì một con quỷ mang hình hài của con người tên là "khakhua". Điều này phần nào là nguồn gốc cho lời đồn rằng người Korowai ăn thịt đồng loại, do tin họ ăn thịt bất kỳ ai bị quỷ "khakhua" lấy mạng để bảo vệ cả bộ tộc.
Tuy nhiên, những cuộc gặp gỡ với thế giới bên ngoài đã làm thay đổi lối sống của người Korowai. Họ không còn sống trên cây. Từ năm 1985, Funbaum, làng định cư đầu tiên cho người Korowai, được dựng lên ven dòng sông Walop và sông Becking, cách không xa nơi những thổ dân này sống ban đầu. Ngày càng nhiều ngôi làng mới cho người Korowai mọc lên như làng Mu, Jaim, Mbasman, Yafufla, Mabul, Ferman...
Người Korowai rời bỏ những căn nhà trên ngọn cây, để chuyển vào nhà do chính phủ Indonesia xây dựng. Họ gọi nhà của người Indonesia là kampong, chỉ dựng trên cọc cao khoảng hai mét. Từ đó, thổ dân Korowai bắt đầu biết dùng rìu đồng thay cho rìu đá, mặc quần áo của người Indonesia thay vì đóng khố quây váy cỏ, biết đến chính quyền, nhà thờ, bệnh viện, trường học, kinh tế, tiền tệ... Dù vậy, họ vẫn duy trì lối sống săn bắn thú rừng, ăn sago (cao lương làm từ thân cây cọ), hái lượm trái cây rừng như chuối, táo, trồng khoai lang...
Năm 2018, đoàn quay phim chương trình My Year with the Tribe trên BBC Two tìm đến cánh rừng nơi người Korowai sinh sống để thực hiện một bộ phim tài liệu, tiếp theo chương trình Human Planet trên BBC One vào năm 2011. Ekip của BBC Two đã phát hiện ra những điều đáng buồn xảy ra với người Korowai. Thổ dân Korowai nói rằng những ngôi nhà được dựng trên ngọn cây "không phải nhà của mình", họ xây chúng cho hoạt động quay phim Human Planet.
"Điều tôi tìm thấy khi đến lãnh thổ của người Korowai là một nền kinh tế du lịch đang diễn ra tại những nơi người ngoài dễ tiếp cận. Họ dựng lên một màn biểu diễn để phục vụ những du khách giàu có", Will Millard, nhà thám hiểm trong đoàn làm phim BBC tới đây vào 2018, cho hay. "Đó là lý do họ lo lắng rằng nhiều người lên đó có thể bị ngã lọt qua sàn. Đó không phải nơi họ sống, chỉ hoàn toàn là giả tạo", Millard nói.
BBC One sau đó đã phải đính chính nội dung về bộ tộc hiện có khoảng 3.000 người này, vì những hình ảnh trong Human Planet không mô tả chính xác cuộc sống thực của họ.
Thực tế, thổ dân Korowai đã biết yêu cầu những nhiếp ảnh gia phương Tây trả tiền để họ khoả thân và sống trên cây, dù đó không còn lối sống thật sự của họ. Một số nhà nhân chủng học tin rằng vài tộc người Korowai ngày nay còn tận dụng những tin đồn rằng họ vẫn duy trì tập tục ăn thịt đồng loại để gây tò mò cho khách tham quan, từ đó thúc đẩy du lịch. Hiện bộ tộc này không còn thực hành tập tục này.
Hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ tại những ngôi làng định cư của người Korowai ngày nay, đặc biệt ở hai làng có những ngôi nhà trên cây cao mở cửa đón khách du lịch là Ngguari và Haiganop. Tại đó, du khách quan sát cuộc sống truyền thống của thổ dân Korowai, với những hoạt động như thu hoạch cao lương, dựng bẫy thú, bắt cá và bắt đuông cọ.
Theo Lonely Planet, nếu muốn tìm đến những ngôi nhà khaim trên cây thực thụ, khách du lịch phải đi bộ sâu vào rừng, nơi không có bản đồ nào chỉ lối mà họ phải đi theo hướng dẫn viên bản địa. Hầu hết công ty du lịch có trụ sở tại Papua đều cung cấp các tour du lịch đến nơi người Korowai còn sinh sống trong rừng. Tùy thuộc vào lượng khách, một chuyến khám phá lãnh thổ Korowai trong 10 ngày có giá 1.600 - 2.200 USD một người.
Boas (trái), một người Korowai, rời cụm nhà trên cây để sống trong làng định cư Yaniruma vào năm 2006. Ảnh: Paul Raffaele. |
Bảo Ngọc (Theo Guardian)