- Tâm trạng anh thế nào khi vợ đang cứu trợ ở Huế, Quảng Bình?
- Tôi rất lo lắng cho sức khỏe của vợ. Những ngày qua, Tiên đi đến 12h khuya mới được nghỉ, 4h sáng lại khởi hành. Từ sau khi sinh con, sức khỏe Tiên yếu, thường xuyên đau ốm. Dầm mưa, lội nước nhiều ngày, tôi lo vợ ngã bệnh. Hơn nữa, vợ tôi không biết bơi, rất nguy hiểm. Ở nhà, tôi tưởng tượng nhiều tình huống xấu, sợ vợ gặp dòng nước xiết, mưa lớn, lúc nào cũng nóng ruột. Nghe tin thuyền của vợ suýt bị lật ở Huế, tôi thót tim.
Tôi dặn vợ lúc nào cũng phải mang áo phao, đi sát mọi người. Mấy hôm trước, cô ấy nói bị nước ăn chân, tôi liền trêu: "Ca sĩ gì mà bị ghẻ", đùa vui vậy thôi nhưng thực sự rất xót xa. Nhiều lúc, tôi hỏi vợ: "Liệu em còn kham được không?", cô ấy trả lời dứt khoát: "Được, em làm được" nhưng tôi vẫn rất lo. Nhiều người đàn ông khỏe mạnh còn không dám đi, phụ nữ chân yếu tay mềm, tôi sợ cô ấy kiệt sức, đổ bệnh khi về Sài Gòn.
Anh theo dõi hành trình của vợ thế nào?
- Từ hôm Tiên đi Huế - ngày 14/10, vợ chồng tôi ít có dịp trò truyện. Lênh đênh trên nước, cô ấy nhiều lúc không dám nghe điện thoại vì nguy hiểm, bận phát lương thực, thực phẩm cho mọi người. Tôi thường phải gọi qua trợ lý. Buổi tối, Tiên mệt nên tranh thủ nghỉ, không thể trò chuyện nhiều. Để cập nhật tình hình của vợ, tôi cũng phải lên Facebook để xem livestream như khán giả.
Ban đầu, chúng tôi thống nhất khi nước rút sẽ cùng nhau ra Huế. Tuy nhiên, trong lúc tôi đi làm, Thủy Tiên đã đến tâm lũ rồi. Cô ấy nói: "Đi được đến đâu hay đến đó. Giờ người ta đói khổ mới cần mình". Tính cách Tiên là vậy, khi đã quyết tâm là sẽ làm bằng được, không chần chừ. Cô ấy còn lừa tôi thêm mấy lần nữa, cứ hứa về Sài Gòn rồi lại hủy. Gần nhất, hôm 17/10, cô ấy gửi cho tôi cả thông tin vé máy bay nhưng sau đó vẫn không về. Cô ấy nói Quảng Trị bị ngập nặng, người kêu cứu trong đêm nên quyết định ở lại.
- Nhiều người thắc mắc làm thế nào trong gần một tuần Thủy Tiên có thể kêu gọi quyên góp số tiền đến hơn 60 tỷ đồng. Anh nói sao về điều này?
- Tôi quê gốc Nghệ An, chứng kiến dải đất miền Trung luôn chịu thiệt thòi: đất đai khô cằn, hạn hán, lũ lụt quanh năm. Vì thế, mỗi khi miền Trung nguy nan, cả nước đều muốn tìm địa chỉ tin cậy để đóng góp, chia sẻ. Vợ chồng tôi may mắn được công chúng tín nhiệm vì có kinh nghiệm làm từ thiện. Hồi tháng 3, chúng tôi kêu gọi được 15 tỷ để giúp bà con miền Tây chống hạn mặn. Tết năm nay, hai vợ chồng quyên góp gần một tỷ hỗ trợ các công nhân khó khăn ở Bình Dương về quê đón năm mới. Bốn năm trước, hai vợ chồng xây một cây cầu ở Kiên Giang. Tôi cũng tổ chức nhiều trận bóng từ thiện. Chúng tôi luôn thực hiện nguyên tắc đến tận nơi, trao tận tay người cần giúp đỡ.
Tôi hiểu cảm giác lo lắng và áp lực của vợ khi mang hàng chục tỷ đồng quyên góp đi từ thiện. Tôi luôn nói với cô ấy: "Chúng mình sống, làm việc đúng với lương tâm, đạo đức. Tiền không phải của mình nhưng mình sẽ có trách nhiệm với nó, dùng hết sức để không phụ lòng mọi người đã gửi gắm".
- Ngoài những lời động viên, khen ngợi, Thủy Tiên còn đối mặt nhiều ý kiến hoài nghi cách cô ấy làm từ thiện với tiền quyên góp được. Anh suy nghĩ gì về điều này?
- Tôi nghĩ đây là chuyện bình thường bởi không thể làm hài lòng mọi người. Nhiều người thắc mắc tại sao nhiều tiền như vậy mà chỉ mua mỳ tôm hay cho người dân từ 500.000 nghìn đến vài chục triệu đồng, không giải quyết vấn đề gì. Vợ chồng tôi nghĩ trong tình thế cấp bách hiện nay, điều cần kíp là tiếp tế lương thực kịp thời. Sau này, chúng tôi có kế hoạch bài bản hơn để giúp đỡ mọi người. Những điều tích cực đó sẽ tạo động lực gấp nhiều lần những thứ tiêu cực.
- Những ngày tới, anh dự định làm gì để hỗ trợ vợ?
- Vợ chồng tôi có kế hoạch cứu trợ bài bản ở nhiều tỉnh miền Trung như Huế, Quảng Bình, Quảng Trị. Đến mỗi địa phương, chúng tôi sẽ phải khảo sát và tìm ra phương án hỗ trợ phù hợp. Nơi nào bị sập cầu, hỏng đường, vỡ hệ thống cung cấp nước thì xây cầu, đường, lắp ống nước mới. Những nơi người dân bị cuốn trôi nhà cửa thì tính đến phương án cất nhà cho họ. Ngoài ra, chúng tôi còn dự định mua gia súc, gia cầm cho họ. Đó chính là "cần câu" về lâu về dài cho người nghèo khổ. Việc này thực sự sẽ mất rất nhiều thời gian. Chúng tôi quyết tâm làm đến khi hết số tiền quyên góp được thì thôi. Mọi vấn đề tài chính đều sẽ được chúng tôi công khai minh bạch.
- Vợ đi vắng, anh gặp khó khăn gì khi một mình chăm sóc con gái - bé Bánh Gạo?
- Trong lúc bố đi làm, Bánh Gạo đi học cả ngày. Tối về, hai bố con cùng ăn cơm, đọc truyện rồi ôm nhau ngủ. Tôi đã quen chăm sóc con nên không gặp nhiều khó khăn. Chỉ có con nhớ mẹ, ngày nào cũng hỏi đi hỏi lại: "Mẹ Tiên đi đâu rồi?", "Bao giờ mẹ về?". Tôi nói: "Mẹ đi làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo". Từ nhỏ, chúng tôi giáo dục con hướng thiện, đồng cảm với những hoàn cảnh, số phận khó khăn. Vì thế, bé rất hiểu chuyện, không mè nheo.
- Mẹ anh nói gì khi thấy con dâu làm từ thiện?
- Mẹ tôi là người miền Trung nên rất xúc động, cảm kích trước tấm lòng của Tiên. Tuy nhiên, bà lo lắng con dâu lội nước lâu, dầm mưa ảnh hưởng sức khỏe. Bà hay than thở: "Như vậy về già mắc nhiều bệnh lắm đấy".
- Trong mắt anh, từ khi yêu rồi cưới đến nay, Thủy Tiên là người thế nào?
- Cô ấy là người chu đáo, ân cần. Dù với vai trò nghệ sĩ hay người vợ, người mẹ trong gia đình, Tiên luôn hoàn thành xuất sắc. Cô ấy dành trọn tâm huyết với mọi việc dù là nhỏ nhất. Tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi lấy được bà xã. Cô ấy khiến cuộc sống của tôi trở nên viên mãn. Tôi yêu nhất ở Tiên tấm lòng nhân hậu. Tôi nghĩ mọi người cũng có thể cảm nhận điều này.
- Anh nhắn nhủ gì khi vợ vẫn tiếp tục hành trình ở miền Trung?
- Tôi chỉ muốn nói với vợ: Em hãy cứ làm tất cả việc mà em thích nhưng phải nhớ chăm sóc bản thân, giữ an toàn. Anh yêu em.