Chuyện "Hậu sinh khả úy!?"

Đăng bởi Quyết Tuấn

18/03/2021 14:25

Người ta thường thấy Nhà báo Đỗ Phượng, lãnh đạo Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam từ khoá II đến khoá V, hai chục năm qua đi tới đâu ông cũng thăm hỏi cán bộ hội viên và gần gũi họ như những người bạn!

Ông sẵn sàng ngồi bệt xuống đất để họ bá vai vít cổ thể hiện tình cảm một cách tự nhiên nhất theo ý của họ! Không quan liêu hay lấy hào quang, sự thành đạt trong quá khứ để ứng xử với hiện tại, ông luôn tự nhận là người "dốt nhất" về Sinh vật cảnh nên luôn cầu thị lắng nghe, gần gũi, học hỏi và động viên mọi người, phải đi nhiều, viết nhiều, suy nghĩ nhiều về một hoạt động văn hoá nghệ thuật quần chúng sâu sắc và đa dạng này. Dường như ở ông rất tin tưởng vào những người trẻ tuổi, cấp dưới và cộng sự, tin ở chuyện "hậu sinh khả uý"!

Nhà báo Đỗ Phượng trao quyết định bổ nhiệm TS. Nguyễn Hữu Vạn giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam ngày 9/9/2016

Tỷ dụ như tại Đại hội đại biểu Hội Sinh Vật Cảnh tỉnh Hải Dương ngày 03/10/2017, nhiều người thấy lạ và cảm thấy bất bình khi một người thuộc lớp "đàn em tò tý te mới bước vào nghề" của ông lên phát biểu trước đại hội lại "lạnh tanh" không mảy may thưa gửi hoặc nhắc đến các bậc đàn anh như ông ngồi ngay trước mặt cách có mấy mét để thể hiện sự tôn trọng như phát biểu của những người khác trước đó trong đại hội!

Có người cao tuổi sau đại hội đó không ngần ngại chia sẻ với ông: "người Việt ta từ xa xưa lấy việc tâm linh để giáo dục người trẻ dẫn tới có hai chỗ phải "thờ cúng" rất trân trọng. Đó là thờ  “thập toàn gia tiên”, thể hiện sự tôn kinh trân trọng những người đi trước hay các bậc tiền bối và thờ “vua bếp” để chỉ nơi lo hậu cần đảm bảo đời sống, tôn trọng chính những người đang đồng hành với cuộc sống hàng ngày! Thiết nghĩ một cơ quan, đơn vị hay một tổ chức muốn ổn định phát triển, thu phục được nhân tâm trên dưới thì phải khéo léo trong việc ứng xử với người trên, người đi trước, các bậc tiền bối, người có công cần phải kính trọng, còn với những anh em đồng hành, giúp việc cấp dưới, người làm trực tiếp các công việc hậu cần có tính chất "bếp núc" cần phải tôn trọng nhau. Còn lãnh đạo theo kiểu "Láo nháo với cấp trên. Hay quên bậc tiền bối. Bối rối với chị em. Lèm nhèm với cấp dưới" coi mình là nhất thì những người có lòng tự trọng hoặc là bỏ đi chỗ khác, hoặc là ở lại mà "bằng mặt chẳng bằng lòng", "tâm phục mà khẩu chẳng phục"...thì cơ quan đó dưới sự lãnh đạo của những người như vậy dẫu có đạt đến sự thành công như thế nào cũng vẫn là khuyết tật của cơ quan đó, tổ chức đó".

Lại có người được thể nói thêm vào theo kiểu trách móc ông: "Cũng tại cụ và ban lãnh đạo Hội khóa cũ cả thôi, đào tạo người trẻ không cẩn thận, giao trứng cho ác thì cố chịu vậy chứ biết kêu ai. Cụ Nguyễn Du đã cảnh báo hàng trăm năm nay rồi: "Người đâu gặp gỡ làm chi. Trăm năm biết có duyên gì hay không?". Đây mới gặp “người đầu” cụ đã vội trao “cả ấn cả kiếm cả tấm lòng chân tình” của bao người cho một người gần như ngoại đạo xa lạ. Giờ quyền hành trong tay người ta làm thế nào chẳng được, làm gì dẫu sai cũng vẫn có người xu nịnh tung hô. Nghe đâu hai lao động nữ của Tạp chí hội nọ gặp ai cũng không cần được nước mắt vì bị “o ép” dù là người từng gắn bó với Tạp chí nhiều năm và đang còn thời hạn hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật hẳn hoi mà không được giao việc coi như đã bị đuổi ra khỏi cơ quan trong sự “im lặng” của rất nhiều người trong BCH Hội?. Nếu quả vậy! Thì lương tri ở đâu? Công bằng ở đâu? Pháp luật ở đâu? Và truyền thống gần 30 năm của một tổ chức Hội mà mọi người luôn tự hào chẳng lẽ chỉ là suông?".

Vừa dứt lời một bác khác lại nói luôn: "Ông nhầm à! Hội là công tác tập hợp quần chúng, dân vận gần dân theo đường lối của Đảng có phải bộ máy công quyền gì ghê gớm đâu mà tranh giành bè phái... Tất cả các hội và hội viên đều bình đẳng như nhau trước pháp luật, không phải anh ở hội hoạt động ở phạm vi toàn quốc là cấp trên của hội ở tỉnh ở huyện đâu? Nếu tử tế có việc gì người ta mời anh đến góp thêm tiếng nói ngược lại không có anh vì mưu sinh những người nông dân trồng hoa cây cảnh, nuôi cá họ vẫn phải làm bình thường. Cần là cần người chia sẻ động viên dẫn dắt và có tiếng nói với tập thể, dám đứng lên bảo vệ quyền và lợi ích chung của hội viên, tập thể, phản biện trước những vấn đề mới để thực tế phát triển hơn mức bình thường đó, chứ cần gì mấy ông quan Hội xa dân xa phong trào".

Những ngày cuối đời, Nhà báo lão thành Đỗ Phượng lại vui vẻ tươi cười và cho rằng đó là chuyện cũng bình thường. Và ông đặt ra câu hỏi có ý chê trách: "Có nhiều người cứ hay "tinh tế một cách đột xuất" việc soi xét hành vi của người khác là sao nhỉ? Chuyện "nhân cách nào, hành vi ấy" thuộc phạm trù đạo đức là những chuyện vô cùng, bàn bao giờ cho hết!".

Ông giải thích một cách nhẹ nhàng: "Hậu sinh khả uý, người trẻ bây giờ có bằng cấp học vị đàng hoàng còn mình mới thuộc lớp nhà báo già quê mùa chẳng bằng cấp gì, gặp gì nói đấy một cách tự nhiên không bài bản. Tự nhiên như sinh vật cảnh, loại hoa thơm thường ít màu sắc còn loại hoa nhiều màu sắc thì lại thường ít thơm. Chính mình cũng nhiều lần khuyên mọi người khi phát biểu nên thưa ngắn gọn, tổng quát, càng cụ thể càng thiếu sót, cốt là biết rõ mình là ai, mình đang nói với những ai. Huống chi trong trường hợp này, mình nay đã ở tuổi "song bát” và “nghiệp thất" về hưu rồi cũng như bao anh em khác bên dưới thôi. Người ta thưa như vậy là đúng là đầy đủ tổng quát rồi. Không nên quan trọng hoá những vấn đề không quan trọng".

Rồi ông nhanh chóng chủ động chuyển đề tài hỏi thăm anh em nghệ nhân, chủ nhà vườn sinh vật cảnh làm ăn thế nào, hướng phát triển ra sao?

Sau khi nghe các nghệ nhân trình bày, ông khuyên các nghệ nhân trẻ tốt nhất nên tự đi trên đôi chân của chính mình, không ngừng trải nghiệm và thâm nhập thị trường, không chỉ biết sản xuất tạo tác những thứ thị trường cần mà phải chủ động nâng cao giá trị gia tăng, khẳng định thương hiệu, bản sắc văn hoá, trong nhiều trường hợp phải dẫn dắt thị trường hướng tới tầm cao văn hoá sự lành mạnh để có sự phát triển bền vững...Có như vậy để thực sự xứng tầm là "hậu sinh khả uý".

Ông cũng khuyên mọi người nên tập trung làm tốt, làm hiệu quả những việc mình "đóng vai chính" đừng mất thời gian để ý những việc vốn mình chỉ "là vai phụ" hoặc chẳng có liên quan gì. Rất có thể những việc như thế sẽ làm mất hoà khí, phân tâm, mất tập trung cho những việc tốt đẹp khác cần sự quan tâm đúng mức hơn. Hãy nên luôn tự hỏi mình đã, đang và sẽ làm gì để Hội tốt đẹp hơn trong bối cảnh cụ thể của nó sẽ tốt hơn là dành câu hỏi đó cho người khác!"

Nghe ông nói mọi người bỗng "dịu giọng" chẳng ai dám nói thêm gì, dường như họ đã hiểu rõ hơn về quan điểm của ông trong công tác sinh vật cảnh bấy lâu nay là "Đi tìm sự thống nhất trong đa dạng những khác biệt của nhiều người, nhiều mối quan hệ phục vụ sự phát triển chung của xã hội".

Đọc bản thảo cuốn sách sắp xuất bản "Sinh vật cảnh một nhánh cái trong chùm rễ văn hoá dân tộc" với bao kỳ vọng vào chuyện "Hậu sinh khả uý" và những quan điểm trên của ông mới thấy "nghề báo" quả là "những kỷ niệm khó quên" với ông!

Không ai có thể ngờ được rằng, những tâm sự về "Hậu sinh khả ủy" của ông ở Hải Dương lại là những tâm sự cuối cùng của ông sau 20 mươi năm gắn bó với công tác Hội và phong trào Sinh Vật Cảnh Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả to lớn được lãnh đạo Đảng và Nhà nước ghi nhận.

Quyết Tuấn
Nguồn https://vanhien.vn/news/chuyen-hau-sinh-kha-uy-57393?fbclid=IwAR0fhS7ZSj9oznnvqCx72GftdYrtMyjylOdvNoZJ7daeU0A-Una3l9rLpSU

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện "Hậu sinh khả úy!?"" tại chuyên mục Sinh vật cảnh.

Đọc các tin bài có liên quan tại trang https://nongthonvaphattrien.vn/