Chế độ ăn giàu protein đặc biệt là các loại thực vật giàu protein như: họ đậu, ngũ cốc nguyên hạt và quả hạch đã được chứng minh có khả năng làm giảm nguy cơ tiểu đường, bệnh tim mạch và đột quỵ. Ngược lại, việc lạm dụng thịt đỏ hoặc nguồn protein từ động vật lại có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe.
Tuy nhiên, những dữ kiện về mối liên quan giữa các loại protein khác nhau và sức khỏe, đặc biệt là nguy cơ tử vong hiện vẫn đang có nhiều sự mâu thuẫn. Do đó, một nhóm các nhà khoa học đến từ Iran và Mỹ đã phối hợp thực hiện nghiên cứu với quy mô lơn để kiểm chứng vấn đề này.
Cụ thể, nhóm tác giả đặt mục tiêu đánh giá mối liên quan giữa việc tiêu thụ protein nói chung, protein động vật và protein thực vật ở những mức khác nhau và nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch và ung thư.
Để thực hiện, các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích kết quả từ 32 nghiên cứu khoa học đã thực hiện về tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch và ung thư ở những người từ 19 tuổi trở lên.
Kết quả cho thấy: Trong suốt thời gian 32 năm, đã có 113.039 trường hợp tử vong trong số 715.128 người tham gia (16.429 trường hợp do bệnh về tim mạch và 22.303 trường hợp do ung thư).
Việc tiêu thụ nhiều protein nói chung có liên quan đến khả năng làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch và ung thư so với chế độ ăn ít protein.
Ăn nhiều protein thực vật cũng giúp làm giảm trung bình 8% nguy cơ tử vong do cả 2 nguyên nhân, và giảm 12% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Trong khi đó, tiêu thụ protein động vật không có mối liên quan rõ ràng với nguy cơ tử vong do các nhóm bệnh này.
Về liều lượng, số liệu phân tích được từ 31 nghiên cứu đã cho thấy rằng, cứ mỗi 3% nguồn năng lượng được bổ sung từ protein thực vật mỗi ngày sẽ giúp làm giảm 5% nguy cơ tử vong do cả 2 nguyên nhân.
“Nguyên nhân của hiện tượng này là protein thực vật có khả năng đáng kinh ngạc trong điều hòa huyết áp, cholesterol và chỉ số đường huyết, vốn là căn nguyên dẫn đến bệnh tim mạch, tiểu đường và cả ung thư” – Đại diện nhóm nghiên cứu phân tích.
Nhóm tác giả cũng nhận định rằng, nghiên cứu có nhiều điểm hạn chế, đặc biệt là chưa xét đến các yếu tố có liên quan đến nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch và tiểu đường. Bên cạnh đó, đối tượng nghiên cứu là người châu Âu nên có thể kết quả không đúng với nhiều châu lục khác. Tuy nhiên, vì nghiên cứu được thực hiện trên một quy mô rất lớn, với gần 1 triệu người tham gia nên kết quả cũng là một căn cứ khoa học đáng tin cậy, để xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh.
Trước nghiên cứu này, nhiều công trình khoa học khác cũng chỉ ra lợi ích của chế độ ăn nhiều rau-củ-quả với sức khỏe, đặc biệt là trong phòng chống ung thư. Bên cạnh đó, có một số loại thực vật còn được đánh giá là khắc tinh của ung thư, nhờ sở hữu những hoạt chất quý, mà bạn có thể tham khảo để bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày như:
- Các loại rau họ cải
- Cà rốt
- Đậu đỗ
- Quả mọng
- Một số loại gia vị như tỏi, quế, nghệ
- Cà chua