Cao Bằng: Miếu Long Vương

05/01/2020 22:25

Miếu Long Vương là ngôi miếu cổ, nằm ở xã Thông Huề (Trùng Khánh, Cao Bằng). Ngôi miếu gắn liền với lễ hội Hoa đăng - một trong những lễ hội lớn, giàu bản sắc dân tộc, thu hút đông đảo du khách, nhân dân trong và ngoài tỉnh tham dự. 

Miếu Long Vương là ngôi miếu cổ, nằm ở xã Thông Huề (Trùng Khánh, Cao Bằng). Ngôi miếu gắn liền với lễ hội Hoa đăng - một trong những lễ hội lớn, giàu bản sắc dân tộc, thu hút đông đảo du khách, nhân dân trong và ngoài tỉnh tham dự. 

20191001_145359

Miếu Long Vương, xã Thông Huề (Trùng Khánh).

Miếu Long Vương thờ thần Nam Hải Long Vương Ngao Thuận. Có rất nhiều dị bản về vị thần này. Tương truyền, xưa kia có bốn vị thần Long Vương cai quản bốn phương trời gồm Đông Hải Long Vương Ngao Quảng, Tây Hải Long Vương Ngao Khâm, Nam Hải Long Vương Ngao Thuận,  Bắc Hải Long Vương Ngao Nhuận. Trong đó, một vị chết ở Ấn Độ, một vị chết tại Trung Quốc, một vị được chôn tại xã Thông Huề, còn một vị không rõ.

Có một số dị bản khác cho rằng xưa kia, người dân xã Thông Huề đi lại qua sông Bắc Vọng, năm nào cũng bị thủy quái bắt từ 1 - 2 người về thủy cung. Khi đó, trong phố Thông Huề có hai vợ chồng làm nghề quét chợ, không có con. Do ăn ở hiền lành, tu nhân tích đức, vua Thủy Tề cho Nam Hải Long Vương đầu thai làm con. Một hôm, người con nói với bố mẹ: Mai con về thủy cung, bố mẹ và bà con ở lại mạnh khỏe, con về xin vua cha hằng năm sẽ không cho bắt những người dân nữa. Nói rồi đêm đó người con chết. Từ khi người con của ông bà quét chợ chết, người dân qua lại sông Bắc Vọng không bị gặp nạn. Bố mẹ và nhân dân thương người con, lập miếu thờ ghi nhớ công ơn cứu mạng muôn dân.

Long Vương là vị thần linh thiêng của biển cả, gắn liền với sông nước nên hằng năm, nhân dân trong vùng thường làm lễ để tưởng nhớ vị thần, cầu cho cuộc sống bình an, mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa. Theo thông lệ, cứ vào năm nhuận, người dân xã Thông Huề lại tổ chức Lễ hội Miếu Long Vương, trong thời gian 3 ngày từ 8 - 10/2 âm lịch. Đây là lễ hội lớn, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Đồng thời, ngày 13/6 âm lịch năm đó, người dân xã Thông Huề tổ chức Lễ hội cúng Thần Long Vương.

Trong các sự kiện này, vào khoảng 20 giờ tối cùng ngày, sau phần lễ, người dân thả hơn 200 ngọn đèn hoa đăng xuống dòng sông Bắc Vọng để cầu bình an, may mắn, cuộc sống sung túc, đầy đủ.  Người dân ở đây quan niệm rằng, đây là ngày mà người con từ biệt bố mẹ nuôi là vợ chồng nghèo quét chợ Thông Huề trở về với sông nước.

Miếu Long Vương nằm bên bờ sông Bắc Vọng, dưới chân núi "Tam tiên", cách chợ Thông Huề khoảng 1 km. Vị trí của Miếu Long Vương được ví là hội tụ đầy đủ "long - mạch - thủy - sa", nghĩa là mảnh đất có phong thủy tốt. Miếu Long Vương được xây dựng từ thời Nhà Lê. Trước khi bị tàn phá bởi chiến tranh, ngôi Miếu được xây dựng gồm hai gian nhà cấp 4, tường xây xung quanh bằng đá vôi, mái lợp ngói âm dương, tiền đường là khoảng sân rộng để nhân dân trong vùng đến hành lễ và tổ chức lễ hội. Năm 2005, người dân xã Thông Huề đã góp công xây dựng lại.

Trước cổng có sân tiền đường, hoành phi câu đối. Trên cổng khắc ba chữ "Long Vương Miếu", trong miếu thờ tượng Nam Hải Long Vương Ngao Thuận. Bên trái tượng có câu đối: "Thủy giới páo dạu xiên gia thái"; bên phải có câu: "Long Vương phù tì vạn dân an"; phía sau tượng có ba chữ: "Thủy Tinh Cung"; phía trước (trên đầu tượng) thờ hai con mãng xà. Hằng năm, nhân dân xã Thông Huề tổ chức Lễ hội Hoa đăng với nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tưởng nhớ đến vị thần Nam Hải Long Vương Ngao Thuận và cầu an, cầu phúc, cầu mưa thuận gió hòa; giáo giục con cháu về truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn".

Miếu Long Vương là một phần tâm linh của Lễ hội Hoa đăng xã Thông Huề gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của xã Thông Huề và huyện Trùng Khánh. Ngôi miếu mang giá trị văn hóa, tín ngưỡng của người dân nơi đây.

Ngày 15/7/2019, Miếu Long Vương được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Nguồn vanhien.vn

Bạn đang đọc bài viết "Cao Bằng: Miếu Long Vương" tại chuyên mục TIN TỨC.

Đọc các tin bài có liên quan tại trang https://nongthonvaphattrien.vn/