Cảm thức thi ca Việt Nam của tác giả Trương Sỹ Hùng

Đăng bởi Vương Xuân Nguyên

03/09/2020 10:18

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2020), Nhà xuất bản Hồng Đức vừa giới thiệu tác phẩm "Cảm thức thi ca Việt Nam" của GS. TS Trương Sỹ Hùng.

Đúng như tên gọi của tác phẩm, Cảm thức thi ca Việt Nam đã đưa lại cho bạn đọc một góc nhìn xuyên suốt trọn vẹn về lịch sử thi ca Việt Nam, từ “Thoáng gặp thơ xưa” với một số nhà văn cổ điển mà đại diện là đại thi hào Nguyễn Du đến “Mấy vần thơ nhật trình của Hồ Chí Minh” và kết thúc bằng “Thơ và nhạc trong ký sự lịch sử của Phạm Việt Long”.

cam111

Tác phẩm Cảm thức thi ca Việt Nam của GS. TS Trương Sỹ Hùng do NXB Hồng Đức ấn hành

Mở đầu phần “Thoáng gặp thơ xưa” tác giả Trương Sỹ Hùng giới thiệu và bày tỏ cảm thức của mình về tác phẩm “Lê triều khiếu vịnh thi tập” của Hà Nhậm Đại. Đây là tác phẩm được trình bày theo lối thơ vịnh sử thể hiện sự đánh giá của cá nhân Hà Nhậm Đại về các nhân vật lịch sử, các danh nhân từ Lê Thái Tổ đến Lê Cung đế.

Qua đó, tác giả đã khắc họa những nét khái quát về văn thơ Lê - Mạc - Trịnh với các thi nhân tiêu biểu như Nguyễn Trãi, Thân Nhân Trung, Lương Đắc Bằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan...Tác giả cũng chỉ ra những ưu điểm nổi bật ở tác phẩm thơ vịnh sử của Hà Nhậm Đại về tính định hướng, khắc họa chân dung các nhân vật lịch sử mang tính điển hình cho các tầng lớp, giới hạng nhất định, nhằm tổng kết thành một bài học có ý nghĩa giáo dục...

Đặc biệt trong phần “Thoáng gặp thơ xưa”, tác giả Trương Sỹ Hùng đã dành nhiều thời gian để cảm thức về cuộc đời và sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du, cũng như bàn sâu về hai thi phẩm tiêu biểu của ông là Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh...

Cảm thức tác phẩm Truyện Kiều thông qua phân tích “Truyện Kiều tiếng Việt năm 1875 của Trương Vĩnh Ký”, “Ưng Bình Thúc Giạ Thị và Phan Mạnh Danh: bạn thơ cùng tâm đắc Truyện Kiều”, “Nguyễn Can Mộng nhà Kiều học Việt Nam đầu thế kỷ XX”, GS. TS Trương Sỹ Hùng không chỉ cho bạn đọc thấy rõ hơn những giá trị nhiều mặt của Truyện Kiều mà còn giúp bạn đọc thấy rõ hơn tài năng của Nguyễn Du trong việc sáng tạo để làm giàu cho ngôn ngữ dân tộc, nhất là việc sử dụng những yếu tố dân gian của ngôn ngữ, những yếu tố văn học của ngôn ngữ dân gian trong tục ngữ phong dao.

Còn cảm thức của GS. TS Trương Sỹ Hùng qua tác phẩm “Văn tế thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du đã làm sáng tỏ sâu sắc một áng văn bất hủ không chỉ của thi ca Việt Nam, mà còn của thi ca nhân loại. Với sự diễn tả mạch lạc của tác giả làm cho người đọc cảm thụ rõ hơn giá trị nhân văn cao cả của bậc đại thi hào khi viết về thân phận con người ở mười loại vong hồn. Ở đó, Nguyễn Du đã thể hiện tầm nhìn bao quát và phát hiện ra những nét tinh tế nhất trong cõi mưu sinh của cuộc sống loài người.

bacho111000

Những vần thơ của Bác Hồ sáng trong những hoàn cảnh cụ thể khác nhau nhưng thường thể hiện khát vọng độc lập dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân và tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới.

Trong phần “Mấy vần thơ nhật trình của Hồ Chí Minh”, tác giả Trương Sỹ Hùng đã bàn về bài học lạc quan cách mạng, sự kiên trì vượt qua mọi gian lao thử thách và dự báo chiến lược về tình hình cách mạng của Người qua tác phẩm “Nhật ký trong tù”.

Hay bàn về văn hóa và tư tưởng trong một nhà chính trị lỗi lạc, danh nhân văn hóa của nhân loại qua những trang nhật ký của Người về những chuyến đi tìm kiếm những giải pháp cho hòa bình, kết nối và tranh thủ sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước...

Qua cảm thức của tác giả Trương Sỹ Hùng giúp chúng ta nhận thấy, mỗi bài thơ của Bác Hồ được sáng tác trong những hoàn cảnh cụ thể của lịch sử là một bản tuyên ngôn về văn hóa, về tình yêu thương con người, về khát vọng độc lập dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân và tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới.

Phần cuối của tác phẩm “Cảm thức thi ca Việt Nam” là những cảm thức của GS. TS Trương Sỹ Hùng về thể loại thơ và nhạc ký sự lịch sử của một tác giả đương đại là Nhà văn, Nhạc sỹ Phạm Việt Long. Sự lựa chọn này, có lẽ bắt nguồn từ những ấn tượng sâu sắc về tác phẩm Ngân vang mãi mãi giai điệu Tổ quốc của Nhà văn, Nhạc sỹ Phạm Việt Long như ông từng chia sẻ: “Sau khi xuất bản Hát mãi Trường Sa ơi (NXB Dân trí, Giải A Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2017), ý tưởng “làm lại” một công trình khả dĩ có bài bản hơn, như một cuốn sử ngành sáng tác và biểu diễn âm nhạc Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XX đến nay, đã thôi thúc Phạm Việt Long lao động khẩn trương, một đường thẳng tiến. Thành quả đó là một tập ký sự lịch sử Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc (NXB Dân trí, 2018)...”.

Bằng sự am tường sâu sắc về thể loại “ký” và tâm hồn đồng điệu với những ca từ, tác giả đã phân tích giúp bạn đọc nhận rõ, những giá trị thẩm mỹ được cất lên từ tâm hồn một con người từng trải qua gian khổ, hy sinh, mất mát, đau thương của chiến tranh và cả niềm vui, hạnh phúc của hòa bình như Nhà văn, Nhạc sỹ Phạm Việt Long.

Tác phẩm “Cảm thức thi ca Việt Nam” của GS. TS Trương Sỹ Hùng đã được khép lại bằng những dòng cảm thức sâu lắng về ký sự lịch sử "Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc" của Nhà văn, Nhạc sỹ Phạm Việt Long: “Đóng góp căn bản của ký sự lịch sử Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc là giữ lại được những cảm nhận nóng hổi, nhiệt tình của một thời hoa lửa, một trang sử chiến thắng ngoại xâm, dựng xây đất nước. Song cũng cần có một chuyên khảo về lịch sử âm nhạc và thi ca Việt Nam bằng văn chính luận; trích dẫn tinh gọn, nhận định xác đáng làm giáo khoa cho thế hệ tương lai...”

d88bfcfdb1be58e001af

GS. TS Trương Sỹ Hùng tác giả của tác phẩm "Cảm thức thi ca Việt Nam"

Vì những lẽ đó, bạn đọc cũng dễ đồng cảm với cảm thức tác giả, đồng cảm với Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi đánh giá tác phẩm “Cảm thức thi ca Việt Nam" của GS. TS Trương Sỹ Hùng là một đóng góp mới trong sáng tạo văn học và cho rằng: Thông qua những cảm nhận, những nghiên cứu và việc giải mã các hình ảnh, biểu tượng…của tác phẩm thi ca, nhà nghiên cứu Trương Sỹ Hùng đã từng bước làm sáng tỏ và cho người đọc thấy được lịch sử, văn hóa, tư tưởng và chiều kích của tiếng Việt. Người đọc không chỉ được tiếp tận vẻ đẹp thi ca Việt, ngôn ngữ Việt, tâm hồn Việt mà còn tiếp cận với cả một nền văn hóa, một lịch sử dân tộc được tác giả dựng lên từ những tác phẩm thơ cụ thể. Với cách cảm nhận và nghiên cứu của mình, tác giả Trương Sỹ Hùng đã dựng lên tinh thần tôn vinh văn hóa dân tộc thông qua tôn vinh những giá trị thơ ca cũng như kêu gọi sự tôn kính với văn hóa truyền thống và kêu gọi lòng yêu nước./

Vương Xuân Nguyên
Nguồn http://vanhien.vn/news/cam-thuc-thi-ca-viet-nam-cua-tac-gia-truong-sy-hung-79100

Bạn đang đọc bài viết "Cảm thức thi ca Việt Nam của tác giả Trương Sỹ Hùng" tại chuyên mục TIN TỨC.

Đọc các tin bài có liên quan tại trang https://nongthonvaphattrien.vn/