Vãn cảnh Thiền viện Trúc Lâm An Giang

Đăng bởi Hà Vy

16/11/2020 11:07

Thiền viện Trúc Lâm An Giang - điểm du lịch (DL) mới, thu hút khá nhiều du khách trong thời gian gần đây. Dù còn trong giai đoạn thi công nhưng sức hút của chốn tâm linh này không giảm mà còn trở thành “ẩn số” thú vị dành cho những ai yêu mến phong cảnh thiên nhiên nơi đây, được ví như “Vịnh Hạ Long” thu nhỏ này!

Thiền viện Trúc Lâm An Giang nhộn nhịp du khách, nhất là vào những ngày cuối tuần. Du khách đến tham quan nơi đây đi từng đoàn hoặc nhóm bạn nhỏ, tất cả đều có chung mong muốn, đích thân được chiêm ngưỡng vẻ đẹp vốn còn khá hoang sơ của ngôi thiền viện trên vùng đất An Giang. Đôi khi, có người lại muốn tìm đến nơi thanh tịnh của chốn thiền môn để giải tỏa những áp lực.

Có thể nói, Thiền viện Trúc Lâm An Giang đã và đang ngày càng thu hút du khách thập phương, nhất là đối với các bạn trẻ. Khi đến đây, họ sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành và sự tĩnh lặng. Cảnh vật nơi đây giúp giảm bớt căng thẳng sau những giờ học tập, làm việc, đặc biệt với phong cảnh đẹp nhiều bạn trẻ có thể lưu lại những bức ảnh để làm kỷ niệm. Nói như nhiều bạn trẻ là chụp hình “sống ảo”, thì cảnh non nước hữu tình ở thiền viện sẽ giúp những người yêu cái đẹp thỏa mãn được điều đó.

Thiền viện Trúc Lâm An Giang – điểm du lịch tâm linh hấp dẫn. Ảnh minh họa nguồn internet

Dù được khởi công xây dựng cách đây không lâu nhưng Thiền viện Trúc Lâm An Giang đã nhanh chóng trở thành một “danh lam thắng cảnh” đặc biệt của vùng đất ông Thoại, góp phần tạo nên điểm nhấn cho DL An Giang nói chung và DL Thoại Sơn nói riêng.

Khuôn viên của thiền viện rộng rãi, không gian thoáng mát, nhưng vẫn giữ được vẻ tôn nghiêm nơi thiền môn với lối kiến trúc hiện đại hòa với cổ kính. Nói theo dòng thiền phái Trúc Lâm thì nơi đây là chốn non nước hữu tình, núi xanh mây trắng, bát ngát thinh không, dễ làm cho lòng người mở rộng bao dung.

Thiền viện Trúc Lâm An Giang được khởi công xây dựng từ năm 2017 với lối kiến trúc truyền thống của Phật giáo gồm 2 khu vực: khu nội diện (xây dựng trên núi gồm: thiền đường, tăng đường…) và khu ngoại diện (xây dựng trên phần đất liền với diện tích 4ha gồm các hạng mục: chánh điện, nhà tổ, hội trường, thiền đuờng, lầu chuông, chay đường, cổng tam quan…), tổng diện tích của cả công trình khoảng 11ha.

Công trình với lối kiến trúc văn hóa đặc trưng, lại được xây dựng trên địa thế núi non, sông nước hữu tình sẽ góp phần thu hút du khách thập phương đến chiêm bái, tham quan. Như vậy, việc xây dựng thiền viện vừa tạo cảnh quan phục vụ khách hành hương và DL, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho phật tử, tăng ni chuyên tâm tu thiền, góp phần lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa đạo đức của tiền nhân, nhất là tiếp nối tư tưởng của dòng thiền Trúc Lâm.

Ảnh minh họa nguồn internet

“Thấy nhiều người khoe chụp hình với cảnh đẹp ở Thiền viện Trúc lâm An Giang trên mạng, tôi cũng muốn đến nhưng vẫn chưa có thời gian. Nay cuối tuần rảnh rỗi, tôi cùng gia đình làm chuyến DL về An Giang, dặn lòng phải ghé cho được Thiền viện Trúc Lâm An Giang. Dù mưa lất phất nhưng vẫn không làm ảnh hưởng chuyến tham quan của chúng tôi. Điều thu hút tôi nhất khi đến với Thiền viện Trúc Lâm An Giang chính là phong cảnh hữu tình và thanh tịnh. Cây cỏ xanh mát, núi non như tranh họa, còn kiến trúc thì độc đáo khiến tôi không thể rời mắt. Trong một ngày không xa, khi nơi đây hoàn tất các hạng mục xây dựng, tôi sẽ lại đến thăm!”- chị Trần Yến (ngụ TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.

 

Ảnh minh họa nguồn internet

Trong đoàn người nhộn nhịp đang tìm nơi lưu giữ những khoảnh khắc đẹp ở Thiền viện Trúc Lâm An Giang, có người vì hiếu kỳ mà đến, người thì mê mẩn trước vẻ đẹp của thiên nhiên nên đến, lại có người đến để “ôn lại kỷ niệm xưa”… “Khoảng 2 năm trước, vợ chồng tôi chụp hình cưới ở đây nhưng lúc đó cảnh sắc hoang sơ nhiều lắm không được đẹp như bây giờ. Hôm nay quay trở lại, chúng tôi thật sự ngạc nhiên vì sự thay đổi ở nơi chứa nhiều kỷ niệm đẹp với mình. Từ lối kiến trúc của thiền viện đến cảnh vật tựa núi xanh tươi, thoáng đãng khiến chúng tôi cứ mãi mê ngắm nhìn và tranh thủ ghi lại khoảnh khắc đẹp ấy”- chị Nguyễn Hoài An (28 tuổi, ngụ TP. Long Xuyên) bày tỏ.

Thiền viện Trúc Lâm An Giang dần trở thành một danh lam thắng cảnh mới góp phần đưa ngành DL An Giang ngày một phát triển, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng cũng như lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa đạo đức của tiền nhân theo dòng thiền Trúc Lâm

Hà Vy
Nguồn Báo an giang

Bạn đang đọc bài viết "Vãn cảnh Thiền viện Trúc Lâm An Giang" tại chuyên mục Việt Nam - Đất nước - Con người.

Đọc các tin bài có liên quan tại trang https://nongthonvaphattrien.vn/