Rèn kỹ năng nghiên cứu khoa học

Đăng bởi Bài, ảnh: DÂN AN

17/12/2020 11:39

Nghiên cứu khoa học (NCKH) đối với sinh viên là thử thách, nhưng đáp lại bạn trẻ sẽ có nhiều cơ hội để vận dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống. Quá trình thực nghiệm nghiên cứu còn giúp sinh viên rèn thêm nhiều kỹ năng mềm lẫn phương pháp NCKH. Đây là những trải nghiệm cần thiết để bạn trẻ làm hành trang vững chắc cho nghề nghiệp tương lai…

Sân chơi học thuật bổ ích

Phong trào sinh viên NCKH được Ðoàn - Hội Sinh viên (HSV) Trường Ðại học Cần Thơ phát động bằng nhiều hình thức. Nổi bật như các cuộc thi “Insee Prize”, “Star Awards”, “Dynamic sinh viên”, hay như hội nghị chuyên đề chia sẻ, hướng dẫn phương pháp NCKH cho sinh viên. Từ năm 2018 đến nay, toàn trường có 447 đề tài NCKH, ý tưởng khoa học với tổng giá trị hơn 6,3 tỉ đồng. Với số lượng lên đến hàng trăm đề tài, cho thấy phong trào NCKH trong sinh viên có nhiều khởi sắc. Theo nhiều sinh viên, hoạt động NCKH giúp bạn trẻ hiểu sâu hơn về những kiến thức đã học trên giảng đường và bổ sung kiến thức thực tế. Nguyễn Văn Lợi, sinh viên ngành Công nghệ sinh học, chia sẻ: “Quá trình đi khảo sát, điều tra, phỏng vấn, giúp em biết cách thu thập và sắp xếp thông tin, số liệu phục vụ viết báo cáo kết quả nghiên cứu. Khi hoàn thành đề tài, em cảm thấy tự tin hơn về vốn kiến thức được học, đồng thời biết cách triển khai các bước thực hiện một đề tài mà bản thân muốn tìm tòi, khám phá”.

Ảnh minh họa nguồn internet

Lợi là chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm xác định giới tính thai bò thông qua xét nghiệm máu bò mẹ mang thai”, được trường nghiệm thu vào tháng 8-2020 với kết quả đánh giá tốt. Trong gần một năm thực hiện đề tài là chuỗi thời gian em trải nghiệm công việc nghiên cứu thực thụ, từ liên hệ các trang trại nuôi bò để lấy mẫu xét nghiệm, đến việc thường xuyên ra vào phòng thí nghiệm để nghiên cứu, chưa kể thời gian đọc tài liệu, thống kê và phân tích số liệu. Tính mới của đề tài là dựa vào cfDNA (cell-free DNA) được tách từ máu bò mẹ mang thai để xác định giới tính bò, từ đó tạo tiền đề để xác định một số bệnh liên quan đến giới tính, đồng thời xác định được giới tính sớm hơn. Theo Lợi, nếu dùng phương pháp xét nghiệm bằng siêu âm thì chỉ biết được giới tính khi thai bò khoảng 7 tuần trở lên, còn sử dụng phương pháp cfDNA thì có thể xác định giới tính thai bò khoảng hơn 3 tuần tuổi. Ðây là phương pháp nghiên cứu mới, chưa được ứng dụng rộng rãi nên Lợi rất tâm đắc khi bước đầu đề tài nghiên cứu được đánh giá tốt.

Theo Lê Quốc Cảnh, sinh viên ngành Bảo vệ thực vật, Ủy viên Ban Thư ký HSV trường, Ðoàn - HSV trường còn tổ chức nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học. Nổi bật như hội thảo chia sẻ phương pháp NCKH, hay như chương trình Café khoa học, thường xuyên chia sẻ sinh viên cách thức tiếp cận, lựa chọn đề tài nghiên cứu, cách thống kê, thu thập số liệu, kỹ năng viết báo cáo và thuyết minh đề tài. 

Nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên

Nhằm tạo môi trường giúp sinh viên rèn kỹ năng NCKH, tổ chức Ðoàn - HSV các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố tổ chức nhiều sân chơi học thuật. Ở Trường Ðại học Nam Cần Thơ, khuyến khích sinh viên tham gia các cuộc thi, hội nghị NCKH dành cho sinh viên nghiên cứu. Qua đó, khơi dậy tinh thần tự học, niềm đam mê sáng tạo của sinh viên. Ðiển hình như Phạm Vi Khanh, sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, từng làm chủ nhiệm Ðề tài “Nghiên cứu về tâm lý du khách tại các điểm du lịch miền Trung”. Khanh chia sẻ, đề tài đạt giải Khuyến khích hội thi NCKH trong sinh viên cấp trường, đồng thời là trải nghiệm bổ ích khi lần đầu tiên em NCKH. Ðiều này giúp em hình thành tư duy logic, khoa học và phát huy kiến thức chuyên môn. Ðây là nền tảng vững chắc để em cùng với bạn bè thực hiện Dự án “Căn bếp chia sẻ”, vào vòng bán kết cuộc thi Giải thưởng sinh viên NCKH Euréka năm 2020, do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức. Dự án được phát triển dựa trên ý tưởng tận dụng không gian làm việc chung, xây dựng chuỗi liên kết từng ngành hàng để phát triển thành một siêu thị chung. Dù dự án dừng lại ở vòng bán kết, nhưng giúp Khanh học hỏi từ bạn bè cách viết và thuyết minh dự án, kỹ năng kêu gọi hợp tác đầu tư…

Hay như ở những trường có thế mạnh về kỹ thuật - công nghệ, đào tạo nghề, HSV các trường phát động sinh viên tham gia các cuộc thi tay nghề, sáng tạo khoa học - kỹ thuật, để cọ xát với môi trường thực tế, nâng cao kỹ năng thực hành xã hội. Nhiều mô hình hay và sáng tạo giúp sinh viên trao đổi học thuật, như: Café khoa học, không giản đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các hội thảo, hội nghị NCKH trong và ngoài thành phố. Ðồng thời, tăng cường các giờ học thí nghiệm, thực hành kỹ năng nghề nghiệp. Qua đó, giúp sinh viên rèn luyện tác phong làm việc chuyên nghiệp, khoa học và có kỹ năng NCKH tốt. Ðó là kinh nghiệm quý giá khi các cử nhân, kỹ sư tương lai bắt tay vào làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp...

 

Cảm ơn quý bạn đọc đã theo dõi nội dung bài viết. Bạn có thể xem thêm các bài viết hữu ích khác tại Xuyên Việt Media. Chúc bạn có được những kiến thức và trải nghiệm tuyệt vời!

Bài, ảnh: DÂN AN
Nguồn https://baocantho.com.vn/ren-ky-nang-nghien-cuu-khoa-hoc-a128255.#html

Bạn đang đọc bài viết "Rèn kỹ năng nghiên cứu khoa học" tại chuyên mục Giáo Dục.

Đọc các tin bài có liên quan tại trang https://nongthonvaphattrien.vn/