Quy định viết bài trên Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam

Đăng bởi Hoàng Lan

02/04/2020 10:38

Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam: NSSN 1859 – 4700 được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động số 292/GP – BTTTT ngày 22/02/2012. Tạp chí được Hội đồng chức danh Giáo sư tính điểm công trình công bố khoa học. Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng Tạp chí trong thời gian tới và tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả khi gửi bài khoa học, Ban Biên tập thông báo Quy định và yêu cầu cụ thể về việc gửi bài đến Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam như sau:

1. Quy định chung

 1.1. Bản thảo bài báo gửi đăng phải là bài viết nguyên thủy, chưa từng được công bố trước đó. Tác giả có trách nhiệm không gửi đăng bản thảo bài viết trên tạp chí khác cho đến khi có quyết định xét duyệt cuối cùng của Ban biên tập Tạp chí. Tác giả phải chịu trách nhiệm về nội dung bản thảo, tính chính xác của các trích dẫn trong bài viết, tính hợp pháp bản quyền của bài viết. Tác giả phải có trách nhiệm trong việc xin phép sử dụng các số liệu từ các cá nhân và tổ chức quản lý/sở hữu số liệu. Đối với các công trình nghiên cứu chưa được công bố mà được sử dụng trong bài viết, tác giả phải gửi kèm văn bản xác nhận sự đồng ý của cá nhân hay tổ chức là tác giả thực hiện nghiên cứu đó.

   1.2. Bài viết phải được soạn thảo bằng phần mềm MsWord, font chữ Times New Roman, cỡ chữ 14, khoảng cách dòng 1.3. Trong trường hợp phải sử dụng các từ ở dạng ngôn ngữ nước khác không thể thay thế thì các từ này phải được in nghiêng. Độ dài bài viết không quá 6.000 chữ (đối với bài tiếng Việt). Bảng, hình vẽ, biểu đồ phải trình bày dạng gốc, không chuyển qua dạng ảnh và gửi kèm file gốc bằng excel, phần mềm thiết kế khác và đường dẫn trên internet nếu được tải xuống. Bảng, hình vẽ, biểu đồ phải ghi rõ nguồn.

  1. 3. Bài viết gửi đăng phải bao gồm 2 phần thông tin tách biệt:

* Phần giới thiệu thông tin (cover page) phải bao hàm các thông tin sau: Ngày gửi bài; Tên tác giả; Học hàm/học vị; Tổ chức tác giả công tác; Thông tin liên lạc: Địa chỉ, email, điện thoại; Lĩnh vực nghiên cứu của bài viết; Số từ của bài viết; Một đoạn viết ngắn gọn (khoảng 5 dòng) mô tả bối cảnh xuất xứ bài viết, những đóng góp mới vào lĩnh vực nghiên cứu, sự khác biệt với các nghiên cứu trước đó, các thừa nhận hay lời cảm ơn; Lời cam kết về bản quyền hợp pháp đối với bài viết, cam kết bài viết chưa từng được công bố trước đó, cam kết không gửi bài đến tạp chí khác trong thời gian xét duyệt.

* Phần nội dung bài viết không chứa đựng bất kỳ thông tin nào về tác giả, và phải đảm bảo các quy chuẩn của một bài báo khoa học do tạp chí quy định cụ thể tại mục 3.

  1. 4. Bản quyền: đây là điều kiện cho việc đăng tải bài viết, theo đó các tác giả đồng ý trao bản quyền khai thác nội dung bài viết (bao gồm cả phần tóm tắt) cho Tạp chí.

Các tác giả phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tác quyền nội dung đối với các bài viết đăng trên Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam. Trong trường hợp xảy ra các tranh chấp về quyền tác giả đối với bài viết. Tạp chí bảo lưu quyền không đăng tải, đình chỉ việc phát hành đối với các bài viết không phải do chính tác giả viết hay bài viết là tập hợp một phần hoặc toàn bộ bài viết của tác giả khác. Việc sử dụng các bài viết và tài liệu của tác giả khác phải được chỉ dẫn một cách rõ ràng.

  1.5.Gửi bài: bài viết gửi đến Tạp chí qua email: tapchiptnt@gmail.com, hoặc bằng bản cứng về địa chỉ: Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội; Hotline: 012 4646 0404

KHPTNT so 39-bia1-04

2. Quy chuẩn về các thành phần trong nội dung bài báo

 2.1. Tên bài viết (Title)

Tên bài viết từ 10 đến 15 từ và phải phản ánh nội dung chính của bài viết. Sau tên bài viết là tên tác giả, ghi rõ chức danh, học hàm, học vị, nơi làm việc, địa chỉ email và điện thoại liên lạc.

2.2. Tóm tắt bài viết (Abstract)

Phần tóm tắt phải ngắn gọn thành một đoạn văn duy nhất (từ 100 đến 200 từ). Nội dung cần thể hiện đầy đủ các mặt: (i) Tầm quan trọng và mục đích của bài viết, (ii) Phương pháp nghiên cứu sử dụng; (ii) Những kết quả (kết luận) chính của bài viết.

Đối với các bài viết tiếng Việt, tác giả được yêu cầu cung cấp thêm phần tóm tắt (bao gồm cả từ khóa) bằng tiếng Anh và được trình bày ngay dưới phần tóm tắt tiếng Việt

2.3. Từ khóa (Keywords)

Tác giả cần đưa ra 3 đến 5 từ khoá của bài viết theo thứ tự alphabet và thể hiện đặc trưng cho chủ đề của bài viết.

2.4. Giới thiệu (Introduction)

Phần giới thiệu cần thể hiện: (i) Lý do thực hiện nghiên cứu này và tầm quan trọng của chủ đề nghiên cứu?; (ii) Những kiến thức nào đã có trước về chủ đề này?; (iii) Xác định vấn đề nghiên cứu, đặc biệt làm rõ cái mới của nghiên cứu; (iv) Nội dung chính mà bài viết sẽ tập trung giải quyết.

2.5. Tổng quan nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu (Literature review, Theoretical framework and Methods):

Nội dung phần này cần: (i) Trình bày rõ tổng quan nghiên cứu và cơ sở lý thuyết liên quan; (ii) Khung lý thuyết hoặc khung phân tích sử dụng trong bài viết; (iii) Tác giả có thể lựa chọn phương pháp nghiên cứu định tính hoặc định lượng, hoặc cả hai tùy theo cách tiếp cận mà mình lựa chọn, trong đó cần thể hiện mô hình và các giả thuyết nghiên cứu (nghiên cứu định lượng) và/hoặc thiết kế nghiên cứu định tính, cũng như các phương pháp thu thập số liệu/dữ liệu.

2.6. Kết quả và thảo luận (Results and discussion)

Phần này cần: (i) Diễn giải phân tích kết quả, những ưu điểm và hạn chế, tách bạch rõ ràng dữ liệu và suy luận; (ii) Rút ra mối quan hệ chung, mối liên hệ giữa kết quả nghiên cứu của tác giả với những phát hiện khác trong các nghiên cứu trước đó.

2.7. Kết luận hoặc (và) gợi ý chính sách (Conclusions and policy implications)

Tùy theo mục tiêu nghiên cứu, các bài viết cần có kết luận và đưa ra giải pháp hay gợi ý cho các nhà quản lý doanh nghiệp và/hoặc các nhà hoạch định chính sách xuất phát từ kết quả nghiên cứu.

2.8. Tài liệu tham khảo (Reference)

Tác giả liệt kê tất cả tài liệu đã trích dẫn trong bài viết. Tài liệu tham khảo cần được trình bày theo tiêu chuẩn Harvard. Các hình thức trích dẫn được quy định cụ thể tại mục 4.3.

Trên đây là các thành phần và cách trình bày chuẩn của một bài báo khoa học. Người viết cũng không nhất thiết sử dụng đầy đủ tên gọi các tiểu mục như trên vì tùy thuộc vào thể loại nghiên cứu, song bài viết vẫn phải bao hàm những nội dung đó.

3. Các quy định kỹ thuật trình bày 

3.1. Quy định đánh số đề mục

Trong phần nội dung chính của bài viết, các đề mục lớn phải là chữ đậm, canh trái và được đánh số liên tục theo chữ số A-rập. Các tiểu mục cấp 1 (ví dụ: 2.1) là chữ đậm, in  nghiêng, và các tiểu mục cấp 2 (ví dụ: 2.1.1) là chữ in nghiêng nhưng không bôi đậm. Tất cả các trang bài phải được đánh số trang liên tục.

3.2. Quy định trình bày bảng biểu, hình vẽ

Các bảng biểu và hình vẽ trong bài viết phải được đánh số riêng biệt và theo thứ tự liên tục bằng chữ số A-rập, số thứ tự được đặt sau từ “Bảng” hoặc “Hình” (ví dụ: Bảng 1, Bảng 2, Hình 1, Hình 2). Mỗi bảng biểu và hình vẽ cần phải có tên tương ứng mô tả chính xác nội dung. Số thứ tự và tên bảng biểu/hình vẽ được đặt ở vị trí trên cùng theo phương chiều ngang.

Ví dụ: Bảng 1: Tăng trưởng GDP thực tế Việt Nam 1990-2000

Nguồn số liệu hay ghi chú (footnotes) cũng cần được đưa vào trong trường hợp cần thiết.

Trong nội dung bài viết, khi tham chiếu đến bảng biểu hay hình vẽ tác giả cần chỉ rõ bảng biểu hay hình vẽ cụ thể nào (Hình 1 hay Hình 2..). Tác giả cần tránh sử dụng các cụm từ tham chiếu thiếu cụ thể như: “hình trên” hay “bảng dưới đây”

3.3. Quy định trình bày trích dẫn, tài liệu tham khảo

Trích dẫn tài liệu tham khảo là một yêu cầu bắt buộc đối với các nghiên cứu. Việc thể hiện các trích dẫn tài liệu tham khảo có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá độ chuyên sâu và tính nghiêm túc của nghiên cứu. Vì vậy trích dẫn tài liệu tham khảo phải được trình bày đúng quy chuẩn. Tạp chí áp dụng tiêu chuẩn Harvard cho việc trình bày trích dẫn tài liệu tham khảo. Trích dẫn tài liệu tham khảo được chia làm 2 dạng chính: trích dẫn trong bài (in-text reference) và danh sách tài liệu tham khảo (reference list). Danh sách tài liệu tham khảo được đặt cuối bài viết, mỗi trích dẫn trong bài viết (in-text reference) nhất thiết phải tương ứng với danh mục nguồn tài liệu được liệt kê trong danh sách tài liệu tham khảo.

3.3.1. Trích dẫn trong bài (in-text reference)

Trích dẫn trong bài viết bao gồm các thông tin sau: Có 2 cách chủ yếu trình bày trích dẫn trong bài viết: Ví dụ: Yếu tố C có ảnh hưởng mạnh nhất đến sản lượng nền kinh tế quốc dân (Nguyễn Văn A, 2009); Ví dụ: Nguyễn Văn A (2009) cho rằng yếu tố C có ảnh hưởng mạnh nhất đến sản lượng nền kinh tế quốc dân. Số trang tài liệu trích dẫn có thể được đưa vào trong trường hợp bài viết trích dẫn nguyên văn một đoạn nội dung của tài liệu tham khảo. Ví dụ: Nguyễn Văn A (2009, tr.19) nêu rõ “yếu tố C có ảnh hưởng mạnh nhất đến sản lượng nền kinh tế quốc dân”

3.3.2. Danh sách tài liệu tham khảo (reference list)

Danh sách tài liệu được đặt cuối bài viết, được bắt đầu bằng tiêu đề “Danh sách tài liệu tham khảo”, tiếp theo là danh mục liệt kê tài liệu tham khảo (sách, bài báo, nguồn ấn phẩm điện tử) được sắp xếp thứ tự Alphabet theo tên tác giả, tên bài viết.

Mỗi danh mục tài liệu tham khảo bao gồm các thông tin: tên tác giả, tên tác phẩm, năm xuất bản, nơi xuất bản.

a. Quy chuẩn trình bày sách tham khảo

Mẫu quy chuẩn: Họ tên tác giả (năm xuất bản), tên sách, nhà xuất bản, nơi xuất bản

Ví dụ: Nguyễn Văn B (2009), Kinh tế Việt Nam năm 2008, Nhà xuất bản ABC, Hà Nội.

b. Quy chuẩn trình bày tài liệu tham khảo là bài báo đăng trên tạp chí  khoa học

Mẫu quy chuẩn: Họ tên tác giả  (năm xuất bản), ‘tên bài báo’, tên tạp chí, số phát hành, khoảng trang chứa nội dung bài báo trên tạp chí.

Ví dụ: Lê Xuân H (2009), ‘Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2010 và khuyến nghị chính sách cho năm 2011’, Tạp chí Y, số 150, tr. 7-13.

c. Quy chuẩn trình bày tài liệu tham khảo là ấn phẩm điện tử

Mẫu quy chuẩn: Họ tên tác giả (năm xuất bản), tên ấn phẩm/tài liệu điện tử, tên tổ chức xuất bản, ngày tháng năm truy cập, .

Ví dụ: Nguyễn Văn A (2010), Tăng trưởng bền vững, Tạp chí Y, truy cập ngày 04 tháng 11 năm 2010, < http://tapchiy.org/tangtruong.pdf>. 

d. Quy chuẩn trình bày một số tài liệu tham khảo đặc biệt

4. Quy chuẩn cách viết cụm từ viết tắt, chữ viết hoa, định dạng ngày tháng, định dạng con số, ghi chú.

4.1. Viết tắt

Các cụm từ được viết tắt là các từ được sử dụng nhiều lần trong bài viết. Các từ viết tắt chỉ được sử dụng sau khi chúng được tác giả giới thiệu sau cụm từ đầy đủ ở lần xuất hiện đầu tiên trong bài viết. Ví dụ: Đại học kinh tế quốc dân (KTQD).

Đối với các đơn vị đo lường thông dụng thì được sử dụng ngay mà không cần phải có sự giới thiệu khi chúng xuất hiện lần đầu (như: km, cm,…)

4.2. Chữ viết hoa

Các trường hợp điển hình bao gồm (nhưng không giới hạn): Tên các cơ quan tổ chức; Tên các cá nhân; Tên các tổ chức hay thể chế được dùng trong cụm từ mà nó có vai trò là tính từ bổ nghĩa thì không viết hoa. Ví dụ: Kinh tế nhà nước (ở đây không viết hoa từ “nhà nước”).

4.3. Định dạng ngày tháng: Định dạng ngày tháng tiếng Việt: ngày/tháng/năm; Định dạng ngày tháng tiếng Anh: tháng, ngày năm (vd: October, 3rd 2010)

4.4. Định dạng con số

Định dạng con số trong tiếng Việt: dấu phẩy (,) được biểu trưng cho nhóm dãy số thập phân; dấu chấm (.) biểu trưng cho phân nhóm các dãy số hàng đơn vị, hàng chục hàng trăm hàng nghìn…Ví dụ: 200,233 đồng (được hiểu: 20 phẩy 233 đồng); 200.233 đồng (được hiểu: 200 nghìn 233 đồng)

Định dạng con số trong tiếng Anh: ngược lại với tiếng Việt: dấu phẩy (,) được biểu trưng cho phân nhóm các dãy số hàng đơn vị, hàng chục hàng trăn hàng nghìn…; Dấu chấm (.) biểu trưng cho cho nhóm dãy số thập phân.

4.5. Ghi chú (notes)

Các ghi chú được đặt cuối bài viết, trước danh sách tài liệu tham khảo, được bắt đầu bằng tiêu đề “Các ghi chú”. Mỗi ghi chú phải được đánh số theo thứ tự tăng dần (1,2,3…) và phải tương ứng với số đánh ghi chú trong nội dung bài viết. Các ghi chú phải ngắn gọn, chỉ bao hàm các thông tin bổ sung thật cần thiết.

5. Đính chính thông tin

Tác giả khi phát hiện nội dung bài viết đã được đăng tải có sai sót thì có quyền yêu cầu Ban biên tập Tạp chí đính chính vào số liền kề ngay sau đó. Yêu cầu đính chính phải được gửi bằng văn bản với đầy đủ thông tin về tác giả, phải nêu rõ lý do đính chính và thông tin cần đính chính.

6. Chính sách phản biện

Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam áp dụng quy trình phản biện kín, theo đó người phản biện bài viết không được biết thông tin về tác giả bài viết và ngược lại. Quy trình này được chia ra làm 4 bước cơ bản: Bước 1: Tác giả gửi bài đến Tòa soạn Tạp chí; Bước 2: Sơ loại; Bước 3: Phản biện; Bước 4: Duyệt đăng

Các bài viết phải vượt qua vòng sơ loại mới được xem là đủ điều kiện để được chấp nhận phản biện. Trong bước sơ loại Ban biên tập Tạp chí thẩm định các bài viết có đáp ứng đủ các tiêu chí cơ bản hay không xét trên 2 phương diện chính (nhưng không giới hạn): cấu phần bài viết và kỹ thuật trình bày được quy định tại: Tiểu mục 2.2; 2.3; mục 3 và 4

Các bài viết không thỏa mãn các điều kiện này sẽ không vượt qua bước sơ loại và được gửi trả lại tác giả. Không loại trừ trường hợp các tiêu chí này được thỏa mãn nhưng bài viết có sai lầm cơ bản về mặt học thuật hay nội dung đi ngược với tôn chỉ mục đích phạm vi hoạt động của Tạp chí thì cũng được xem là không đủ điều kiện để được chấp nhận phản biện.

Các bài viết vượt qua vòng sơ loại được Tạp chí chấp nhận phản biện. Các thành viên phản biện của Tạp chí căn cứ vào nhiều tiêu chí cụ thể để thẩm định bài viết. Tổng thể thì chính sách phản biện của Tạp chí xem  xét các bài viết trên các phương diện sau (nhưng không giới hạn): Sự phù hợp nội dung bài viết với tôn chỉ, mục đích hoạt động và lĩnh vực của Tạp chí; Thể loại bài viết; Tính nguyên thủy; Sự đóng góp vào lĩnh vực học thuật (lý thuyết, phương pháp nghiên cứu); Sự đóng góp vào thực tiễn; Quy chuẩn cấu phần bài viết và kỹ thuật trình bày

Kết luận của bước phản biện này đối với bài viết có thể là: (i) Bài viết được chấp nhận đăng, không phải chỉnh sửa; (ii) Bài viết được chấp nhận với một vài chỉnh sửa nhỏ; (iii) Phải gửi lại bài viết sau khi đã chỉnh sửa các sai sót lớn; (iv) Không chấp nhận bài viết.

Chính sách của Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam là ưu tiên các bài viết thuộc thể loại nghiên cứu chuyên sâu, sử dụng phương pháp định lượng, có hàm lượng khoa học cao. Các bài viết thuộc thể loại này thường đáp ứng được đầy đủ cấu phần quy chuẩn của một bài báo khoa học như quy định tại mục 3. Các tác giả muốn đăng bài trên một số phát hành của năm thì phải gửi bài cho Tạp chí trước ngày phát hành 30 ngày.

7. Về kinh phí thực hiện

Tạp chí hoan nghênh các bên có liên quan, các tổ chức và cá nhân quan tâm chia sẻ tài trợ, giới thiệu thông tin, tư liệu quảng bá hỗ trợ Tạp chí theo phương thức xã hội hóa, phù hợp với các quy định có liên quan của pháp luật để Tạp chí ngày càng có điều kiện nâng cao chất lượng phản biện, hiệu đính, hỗ trợ xuất bản, phát hành và phục vụ bạn đọc ngày một tốt hơn.

Mọi khoản hỗ trợ, tài trợ và chia sẻ xin gửi về: Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam; Tài khoản số 038704060028143 tại Ngân hàng TMCP Quốc tế, Chi nhánh Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội.

8. Hội đồng Biên tập của Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam gồm những nhà khoa học có uy tín gồm:

8.1. Chủ tịch hội đồng biên tập: TS. Nguyễn Văn Tri, 

8.2. Tổng Biên tập: GS.TSKH Trần Duy Quý, 

8.3. Các Phó Tổng biên tập: TS. Đào Thế Anh; Nhà báo Phí Văn Điển; TS. Lê Thành Ý;

8.4. Các ủy viên Hội đồng biên tập gồm: GS.TS Nguyễn Tử Siêm; GS.TS Nguyễn Văn Son; GS.TS. Đinh Văn Tiến; PGS.TS Vũ Trọng Khải; GS.TS Đỗ Kim Chung; TS. Trần Thanh Hùng; TS. Trịnh Văn Tuấn; ThS. Lê Đức Thịnh; TS. Estelle Bienabe; TS. Nguyễn Tiến Mạnh; TS. Phí Văn Kỷ; PGS.TS Khuất Hữu Trung; GS.TS. Trần Khắc Thi

8.5. Thư ký Tòa soạn: Thạc sỹ, Nhà báo Vương Xuân Nguyên

MỌI CHI TIẾT XIN VUI LÒNG LIÊN HỆ:

TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆT NAM

Giấy phép số 282/GP - BTTTT ngày 22/02/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông

TỔNG BIÊN TẬP: GS. TSKH Trần Duy Quý

CÁC PHÓ TỔNG BIÊN TẬP: PGS, TS. Đào Thế Anh, TS. Lê Thành Ý, Nhà báo Phí Văn Điển

THƯ KÝ TÒA SOẠN: ThS. Vương Xuân Nguyên

TRỤ SỞ: Nhà số 01 Ngõ 186, đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội

QUẢNG CÁO TRUYỀN THÔNG: Công ty Cổ phần Truyền thông Pháp luật và Thời đại

ĐỊA CHỈ: Lô JA08, Khu Biệt thự Thiên đường Bảo Sơn, An Khánh, Hoài Đức Hà Nội

Điện thoại: 0327399099; Email: phapluatvathoidai@gmail.com; Website: http://khoahocvacuocsong.vn/

Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đồng hành với Tết vì người nghèo ở Hà Tĩnh Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đồng hành với Tết vì người nghèo ở Hà Tĩnh

Nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc 2020, Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam phối hợp với Công ty CP nông sản hữu cơ Quảng Trị trao 120 suất quà cho 120 hộ dân nghèo ăn...

Hoàng Lan
Nguồn Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết "Quy định viết bài trên Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam" tại chuyên mục THƯƠNG HIỆU - SẮC ĐẸP.

Đọc các tin bài có liên quan tại trang https://nongthonvaphattrien.vn/