Mục tiêu tới hết năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục đại học triển khai đào tạo thương mại điện tử

Đăng bởi Minh Châu

06/12/2023 16:34

Ngày 05/12/2023, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã công bố Báo cáo Đào tạo thương mại điện tử 2023. Báo cáo được xây dựng từ số liệu khảo sát của 238 cơ sở giáo dục đại học trong cả nước từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2023.

Báo cáo Đào tạo Thương mại điện tử 2022 với chủ đề “Những bước tiến nổi bật” là tài liệu đầu tiên ở Việt Nam cung cấp thông tin cập nhật, đa dạng về hiện trạng đào tạo thương mại điện tử ở các trường đại học. Đồng thời, Báo cáo đã nêu bật nhiều khó khăn trong hoạt động này và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường sự kết nối, hợp tác giữa các trường đại học với các doanh nghiệp nhằm thực hiện tốt mục tiêu gắn đào tạo với thực tiễn. 

Ông Bùi Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Bùi Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, báo cáo này được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA) thuộc Bộ Công Thương. Nhiều trường đại học trên cả nước, đặc biệt là các trường thành viên của Mạng lưới các trường đào tạo thương mại điện tử (VecomNet) đã tích cực cung cấp thông tin.

Từ năm 2022, VECOM đặt ưu tiên cao trong việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cơ sở giáo dục đại học triển khai hoạt động đào tạo ngành, chuyên ngành và học phần thương mại điện tử.

Cuộc khảo sát từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2023 tại 238 cơ sở giáo dục đại học (gọi tắt là trường đại học) không thuộc khối Quốc phòng – An ninh, Nghệ thuật hoặc đặc thù cho thấy đã có 47% trường đào tạo học phần thương mại điện tử, trong đó có tới 40 trường đào tạo ngành thương mại điện tử với mã ngành 7340122. Nếu có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các trường đại học với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo và thương mại điện tử, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cùng các tổ chức và doanh nghiệp thì mục tiêu tới hết năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục đại học triển khai đào tạo thương mại điện tử là khả thi.

Trong khi mục tiêu về số lượng có thể đạt được thì chất lượng đào tạo thương mại điện tử từ mức học phần tới chuyên ngành và đặc biệt là ngành còn chưa cao.

Đại diện VECOM cho biết, nếu có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các trường đại học với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo và thương mại điện tử, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cùng các tổ chức và doanh nghiệp thì mục tiêu đến hết năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục đại học triển khai đào tạo thương mại điện tử là khả thi.

Hiệp hội Thương mại điện tử đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hậu thuẫn các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội xuất khẩu trực tuyến theo hình thức B2B. Trong hai năm 2022 – 2023 xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên hình thức xuất khẩu trực tuyến nói chung và trên nền tảng Amazon nói riêng tăng trưởng mạnh mẽ. Hàng nghìn doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội kinh doanh toàn cầu với Amazon, số lượng đối tác bán hàng Việt Nam qua Amazon tăng rất nhanh. Amazon đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa Amazon và các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, đồng thời khẳng định sự linh hoạt và bền bỉ của các doanh nghiệp trong nước trong môi trường kinh tế nhiều thách thức.

Thương mại điện tử trên phạm vi toàn cầu đã phát triển rất nhanh trong hai thập kỷ qua. Bên cạnh những tác động tích cực tới kinh tế, thương mại điện tử đã bộc lộ những tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội. Các trường đại học đào tạo ngành thương mại điện tử, đặc biệt là các trường vừa đào tạo ngành này đồng thời đào tạo các ngành liên quan tới môi trường, cần dẫn đầu trong việc đưa vào chương trình đào tạo học phần về bảo vệ môi trường. Đây cũng là một hướng đi tạo ra sự khác biệt và nâng cao tính cạnh tranh trong tuyển sinh ngành thương mại điện tử.

 

Minh Châu