Liên kết chuỗi là vấn đề sống còn để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX Nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội

Đăng bởi Mạnh Hà

29/10/2020 21:15

Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2018/NĐ-CP (Nghị định 98) về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, được coi là vấn đề cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác (KTHT). Tuy nhiên, việc triển khai Nghị định 98 tại Hà Nội vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.

Đến thời điểm này, Hà Nội có 2.154 HTX, quỹ TDND (chiếm 7,9% của cả nước), 16 liên hiệp HTX (16%), 1.529 tổ hợp tác (1,33%). Hà Nội là địa phương có số lượng HTX và liên hiệp HTX nhiều nhất trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Sự phát triển về số lượng các tổ chức trong khu vực KTHT phù hợp với xu thế phát triển KTHT nói riêng và chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói chung.

Hà Nội duy trì 135 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nhìn nhận một cách khách quan, các HTX vẫn chưa phát triển như mong đợi. Ngoài những nguyên nhân chủ quan và do thiếu đất sản xuất, hạn chế về vốn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là vấn đề liên kết chuỗi trong sản xuất kinh doanh, trong đó tiêu thụ nông sản là khâu quan trọng nhất.

Nhiều chuyên gia của Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam nhận định, nông sản làm ra khó khan trong việc tiêu thụ nếu không có chuỗi liên kết, không có nhà máy chế biến; Thiếu liên kết sản xuất, nhất là thiếu một HTX hoặc doanh nghiệp thực sự đủ mạnh để xây dựng chuỗi liên kết làm đầu kéo cho các HTX dẫn đến việc tiêu thụ nông sản của các HTX hết sức khó khăn.

Hiện, Hà Nội có những kênh tiêu thụ nông sản chủ yếu là chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ và bán lẻ tại các chợ truyền thống. Tuy nhiên, sản phẩm của các HTX rất khó tiếp cận các chuỗi siêu thị. Trong khi đó, các tỉnh khác có doanh nghiệp xây dựng nhà máy đưa nông sản vào chế biến sâu để tiêu thụ và nâng cao giá trị, còn Hà Nội chủ yếu là sản xuất và bán lẻ, phục vụ hơn 10 triệu người tiêu dùng của Thủ đô.

Một điểm giới thiệu sản phẩm chuỗi liên kết sản xuất kinh doanh thực phẩm kiểm soát an toàn tại huyện Đông Anh. Ảnh: Mạnh Hà

Thị trường bán lẻ của Hà Nội đang có sự cạnh tranh lớn, bởi tất cả các sản phẩm nông sản từ các địa phương khác mang đến. Cho nên người nông dân, HTX trên địa bàn đang tự mò mẫm tìm đầu ra. Và con đường duy nhất để tháo gỡ là phải xây dựng chuỗi liên kết, mà Nghị định 98 chính là đã mở ra một con đường cho các HTX. Tuy nhiên, cũng không thể đổ hết lỗi về việc thiếu liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho các HTX, mà bản thân chính quyền địa phương cũng cần tích cực hỗ trợ các HTX, nhất là việc triển khai Nghị định 98. Qua đó, để Nghị định thực sự đi vào cuộc sống, hỗ trợ thúc đẩy các HTX tiêu thụ nông sản một cách bền vững. 

Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức cho biết, Nghị định 98 được Chính phủ ban hành từ năm 2018 nhằm hỗ trợ liên kết, tiêu thụ nông sản cho các hộ gia đình, HTX. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều địa phương ở Hà Nội vẫn chưa triển khai. “Các HTX vẫn phải tự thân tiếp cận, tìm kiếm thông tin, tìm hiểu để kiến nghị đề xuất, nên chưa có HTX nào xây dựng được chuỗi liên kết một cách bài bản từ sự hỗ trợ bởi Nghị định 98. Nếu Nghị định không đi vào cuộc sống thì các HTX và người dân sẽ rất khó tiếp cận, khó được hưởng thụ”, ông Minh nói.

Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội

Theo ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, trong bối cảnh hiện nay, nếu không liên kết thì sản phẩm nông nghiệp rất yếu thế và sẽ không cạnh tranh ngay được trên "sân nhà". Do vậy liên kết sản xuất là vấn đề cốt yếu hiện nay. 

 

“Sản phẩm nông nghiệp giống như con người, phải có tên có tuổi, phải có sức sống. Do vậy, thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ từng bước hỗ trợ nguồn vốn để triển khai xây dựng chuỗi giá trị một cách đồng bộ và tạo cơ chế, chính sách theo Nghị định 98 nhằm hỗ trợ tốt hơn các HTX, người dân trong liên kết bao tiêu nông sản, đồng thời có hướng kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản của các HTX, người dân của Thủ đô”, ông Tường nhấn mạnh.

 

Từ góc độ cơ quan quản lý trực tiếp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí phân tích, hiện nay, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các thành phần tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt đối với nông dân, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất theo hợp đồng. Để góp phần giúp chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững, cần phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng.  

 

“Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, nâng cao quy mô kinh tế hộ, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, đa dạng hóa các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…”, ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Chí cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khan trong việc triển khai Nghị định 98 với tư cách một chính sách trực tiếp hỗ trợ các HTX tiếp cận các nguồn lực để liên kết. Đó là quá trình triển khai vường nhiều văn bản dưới luật chưa đồng nhất, và quá trình hỗ trợ chủ thể gắn với yếu tố đầu tư. Vì vậy, các HTX nhỏ rất khó tiếp cận những cơ chế, chính sách theo Nghị định 98. Và ông cho rằng, trong thời gian tới cơ quan chức năng cần phải tháo gỡ vấn đề này.

Hiện trên cả nước mới có 11-14% sản lượng nông nghiệp tiêu thụ thông qua liên kết. Với TP Hà Nội, đã xây dựng, phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi mang lại hiệu quả, gồm vùng trồng rau an toàn có diện tích hơn 5.000 ha, 76 xã chăn nuôi trọng điểm với hơn 3.800 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 23 cơ sở giết mổ bán công nghiệp. Tới nay, trên địa bàn TP Hà Nội đã hình thành 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, trong đó có 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật, thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân tham gia. Đồng thời xây dựng được 40 nhãn hiệu hàng hóa tập thể như gà đồi Ba Vì, gà mía Sơn Tây, vịt Vân Ðình, nhãn Ðại Thành, gạo thơm Bối Khê… Các chuỗi liên kết đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất và người tiêu dùng.

BÀI VIẾT THEO CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP VỚI CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TP. HÀ NỘI

Địa chỉ: số 73 Lê Hồng Phong - Hà Đông - Hà Nội Điện thoại: 024.63255101; Email: ccptnthn.sonnptnt@hanoi.gov.vn.com

Mạnh Hà
Nguồn Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam