Khám phá xứ sở cù lao miệt vườn sông nước Vĩnh Long

Đăng bởi Huỳnh Biển

26/12/2020 15:30

Tỉnh Vĩnh Long nằm giữa 2 dòng sông (sông Tiền và sông Hậu) của dòng sông Mekong huyền thoại. Hai dòng sông đã mang phù sa vun đắp tạo nên những cù lao xanh mát cây lành trái ngọt, bốn mùa trĩu quả, làng nghề truyền thống trăm năm… hấp dẫn khách du lịch. Du khách đến Vĩnh Long có thể đi du thuyền đến 2 dòng sông trải nghiệm khám phá xứ sở cù lao miệt vườn sông nước và những làng nghề truyền thống, đời sống cư dân nơi đây ít nơi nào có được…

Cù lao An Bình bên dòng sông Cổ Chiên thơ mộng

Theo đoàn Presstrip lên du thuyền vượt sông Cổ Chiên đến xứ sở cù lao An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, khảo sát các điểm du lịch trên cù lao này. An Bình, bao gồm 4 xã (An Bình, Hòa Ninh, Đồng Phú và Bình Hòa Phước, thuộc huyện Long Hồ), với diện tích hơn 60km2, được bao bọc bởi sông Cổ Chiên và sông Tiền. Cù lao An Bình còn có tên gọi là cù lao Minh, là điểm đến miệt vườn sông nước hấp dẫn bậc nhất của tỉnh Vĩnh Long. Trời đã ban tặng cho cù lao An Bình cây lành trái ngọt 4 mùa. Người dân xứ cù lao An Bình đã biết tận dụng sông rạch, vườn cây ăn trái làm điểm tham quan du lịch, homestay, để du khách đến đây nghỉ dưỡng mà người dân nơi đây gọi là “Tây ngủ nhà ta”. Về đêm, du khách được ngắm nhìn trăng thanh cùng sóng vỗ rì rào của dòng sông Cổ Chiên hiền hòa thơ mộng, nghe tiếng gà gáy sáng ở miền quê thanh bình…

Hiện nay, cù lao An Bình có hơn 20 điểm tham quan du lịch và nghỉ dưỡng. Hàng năm, An Bình đón cả triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến khám phá trải nghiệm và nghỉ dưỡng. Không phải đến hôm nay mà 30 năm trước, cù lao An Bình đã tiên phong khai thác du lịch miệt vườn sông nước miền Tây, đã có mặt trên bản đồ du lịch thế giới, được các Guidebook hàng đầu thế giới ghi cù lao An Bình là điểm đến.

Điểm đến đầu tiên của đoàn Presstrip là Út Trinh Homestay, tại xã Hòa Ninh, cù lao An Bình, đã được trao giải thưởng “ASEAN Homestay Standard 2017 - 2019”. Út Trinh Homestay có 18 phòng nghỉ, tọa lạc tuyến Mương Lộ - rạch Cái Muối, xung quanh là vườn rau quả xanh mát. Bên mái hiên nhà mắc những chiếc võng để du khách ngả lưng thư giãn xả stress hay ngủ trưa với gió mát miệt vườn sông nước thật đã đời. Út Trinh Homestay có nhiều trải nghiệm dành cho du khách như chăm sóc hái rau, làm bánh dân gian…

kham pha xu so cu lao miet vuon song nuoc vinh long

Ảnh minh họa nguồn internet

Trước đó, theo đoàn Famtrip Thành phố Hồ Chí Minh đến Út Trinh Homestay, chiều tối các cô gái, chàng trai Sài Thành được trải nghệm nắn bánh, nhồi sương sa. Xong đốt đuốc đi xem hát bội ở đình - hát bội Vĩnh Long của Đoàn nghệ thuật tuồng cổ Đồng Thinh nổi tiếng hơn 100 năm đã từng biểu diễn ở Mỹ và gây tiếng vang lớn cho hát bội Việt Nam tại Lễ hội Smithsonian năm 2007, với chủ và đề “Mekong - Dòng sông kết nối các nền văn hóa” do Viện Smithsonian tổ chức tại Washington, tan tuồng về thưởng thức những sản vật thành quả do chính bàn tay mình làm ra ai cũng thích thú khen ngon.

Rời Út Trinh Homestay du thuyền theo con rạch Mương Lộ - Cái Muối đến Coco Home, tọa lạc ấp Hòa Quý, xã Hòa Ninh, cù lao An Bình. Ấn tượng nhất là Coco Home được xây dựng tất cả từ nhà ở, homestay, nhà ăn, vật dụng ăn uống… đều từ vật liệu dừa như tên gọi - Coco Home. Chủ nhân Coco Home là ông Dương Văn Thưởng đã 80 tuổi. Đây là căn nhà do con gái thứ tám là Dương Diệu Hiền đầu tư xây dựng để hai vợ chồng ông Dương Văn Thưởng an dưỡng tuổi già. Du khách ai cũng bất ngờ khi gia chủ tiết lộ cho biết, ngôi nhà này cùng tất cả nhà nghỉ, nhà hàng, vật dụng gia đình… đã xây dựng từ hơn 4.000 cây dừa từ 90 - 100 tuổi.

Coco Home được du khách gọi là nhà dừa kỷ lục, căn nhà độc nhất vô nhị ở miệt vườn sông nước miền Tây. Căn nhà chính được xây dựng theo nhà xưa truyền thống miệt vườn sông nước Tây Nam bộ. Đó là nhà 3 căn 2 chái, tất cả cột kèo, đòn tay, rui mè… đều bằng dừa, mái lợp ngói. Coco Home khởi công xây dựng từ 2017 đến năm 2019 mới hoàn thành. Du khách đến Coco Home tham quan nhà dừa, vườn cây ăn trái, thưởng thức nhiều đặc sản sông Tiền như lẩu bần cá ngát, cá lăn, món ngon miệt đồng, mỹ vị cho người sành ăn… hay bánh dân gian (bánh bò, bánh chuối, bánh bèo, bánh khoai mì); du khách muốn ngủ qua đêm ở vườn cây ăn trái và cảm nhận về nhà dừa, nơi đây có 06 homestay giữa vườn cây ăn trái thoáng mát, thanh bình.

Giữa trưa, đoàn Presstrip dừng ăn trưa tại khu du lịch sinh thái An Bình. Khu du lịch sinh thái An Bình, có diện tích 17.000m2, nơi đây có hồ rộng lớn để làm trò chơi dân gian, vườn hoa trái, tọa lạc ven sông rất mát mẻ. Người điều hành Khu du lịch sinh thái An Bình là bà Ngô Phạm Thùy Trang. Vui vẻ tiếp đoàn, bà Thùy Trang cho biết điểm du lịch đã hoạt động từ năm 2000. Du khách đến khu du lịch sinh thái An Bình là để vui chơi, giải trí, ăn uống… Những món ăn miền quê nơi đây làm say lòng thực khách. Những món ăn dân dã, cây nhà lá vườn, rau hương đồng nội, như: hến cù lao An Bình xào hành xúc bánh tráng (bánh đa), bánh tráng cuộn cá tai tượng chiên xù với rau thơm đồng nội chấm nước mắm me, vừa giòn, vừa béo, thơm ngon, hay khô cá lóc trộn đậu rồng hái từ ngoài vườn vào cũng đậm đà hương vị, hoặc đơn sơ hơn là gỏi tép gạo với đu đủ vậy mà ngon, độc đáo hơn là gà vườn gói lá sen nướng bùn sông Cổ Chiên thì du khách khó quên… Những sản vật sông Cổ Chiên, qua bàn tay khéo léo của phụ nữ cù lao An Bình chế biến thành đặc sản, đậm đà hương vị miền Tây.

Trong chuyến hành trình khám phá xứ sở cù lao An Bình, đoàn Presstrip có dịp dừng chân lại Mekong River Side Homestay bên dòng sông Cổ Chiên thơ mộng. Phía trước Mekong River Side Homestay là làng bè nuôi cá. Ấn tượng đến Mekong River Side Homestay là các nhà nghỉ đều xây dựng bằng vật liệu tre, trúc. Ông Nguyễn Ngọc Sang thường gọi là Năm Nam - chủ nhân Mekong River Side Homestay, bộc bạch: “Ngày trước, tôi thấy ông nội sử dụng tre làm nhà 30 - 40 năm không hỏng nên tôi quyết định xây dựng homestay bằng tre. Khổ là xứ cù lao An Bình không có tre mà chỉ toàn là cây ăn trái nên tôi phải đi ghe 40 - 50 cây số đến tận huyện Bình Tân (Vĩnh Long), Đồng Tháp mua về làm nhà. Đâu phải mua ít, tính hết làm xong khu homestay này đến hơn 20.000 cây tre, trúc. Homestay của tôi tuy là nhà tre trúc nhưng du khách đến đây ai cũng thích…”.

kham pha xu so cu lao miet vuon song nuoc vinh long

Ảnh minh họa nguồn internet

Du khách đến đây có thể thuê xe đạp, xe gắn máy, tàu thuyền trải nghiệm vòng quanh đường làng cù lao An Bình và kênh rạch dòng sông Cổ Chiên, hay thích hơn là cùng ngư dân trải nghiệm giăng lưới bắt cá cóc, giăng câu bắt cá ngát… Cá ngát nấu lẩu bần hay du khách gọi hoa mỹ hơn là lẩu cá ngát thủy liễu, cá cóc kho nước dừa là những món ăn đặc sản trứ danh của xứ sở cù lao miệt vườn sông nước Vĩnh Long.

Đó chỉ là vài điểm du lịch mà đoàn Presstrip có dịp dừng chân, ghé qua tham quan chứ cù lao An Bình có đến hàng chục điểm du lịch như: Khu du lịch Bến Thành - Vinh Sang, Hai Đào, Mười Hưởng, River Side Park, Sáu Thành… Du khách được người dân xứ sở cù lao chèo ghe tam bản đưa len lỏi qua những con rạch rợp mát hàng thủy liễu hay rặng dừa nước soi bóng, nghe tiếng mái chèo khua trên mặt nước, ngắm vườn chôm chôm, vườn mận chín đỏ hay tận hưởng hương nhãn chín lan tỏa… hai bên bờ thật thú vị. Hay đạp xe vòng quanh con đường làng rợp mát bóng cây hít thở khí trời miệt vườn sông nước sẽ rất dễ chịu, du khách được tận hưởng cảm giác vùng quê yên bình, êm ả của vùng “Đất phương Nam”.

Bồng bềnh sóng nước sông Hậu khám phá cù lao Mây

Về cù lao Mây bồng bềnh sóng nước sông Hậu hỏi tên cù lao Mây có từ bao giờ, vì sao gọi là cù lao Mây? Chẳng ai kể cả, những người lớn tuổi “thất thập” cũng không trả lời chính xác mà chỉ cho rằng ngày xưa cù lao này là vùng đất hoang hóa, cỏ mây ngự trị nên khi khai khẩn lập ấp gọi là cù lao Mây; truyền thuyết khác kể lại là những năm giữa thế kỷ XIIX, lúc Nguyễn Ánh lánh nạn Tây Sơn, khi bôn tẩu ông có gặp một cù lao giữa dòng sông Hậu, ông đã cho thuyền ghé lại và nhận ra đây là nơi trú ẩn an toàn, quân Tây Sơn khó phát hiện được nên đặt tên cho cù lao này là Vân Châu, vì nhìn từ xa như một án mây. Vân có nghĩa là mây, còn Châu là cù lao, gọi chung lại là cù lao Mây.

Đầu thời Pháp thuộc cù lao Mây thuộc quận Cái Răng, tỉnh Cần Thơ, gồm có 3 làng (Phú Mỹ, Hậu Thạnh, Long Hưng), mỗi làng đều có một ngôi đình. Ba ngôi đình đều được vua Tự Đức sắc phong Thành hoàng Bổn cảnh năm 1852. Đầu thế kỷ XX, Pháp cho đào kênh để thuận tiện cho việc đi lại giữa các tỉnh miền Tây và Sài Gòn, đã cắt ngang cù lao Mây, chia thành 2 ấp An Thạnh và Long Hưng thành 2 phần.

Sau năm 1930, Pháp chia lại địa bàn cù lao Mây thành 2 làng (Phú Mỹ Long và Hậu Thạnh Hưng)… Sau Cách mạng tháng Tám, cù lao Mây có tên gọi là cồn Lục Sĩ Thành - lấy tên một chiến sỹ vệ quốc đoàn hy sinh đầu tiên ở xã. Chuyện xưa là vậy còn hôm nay cù lao Mây có diện tích khoảng 4.000ha, bao gồm 2 xã (Lục Sĩ Thành, Phú Thành), thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, là nơi nổi tiếng du lịch miệt vườn sông nước miền Tây.

Từ bến tàu Trà Ôn, đoàn Presstrip lên thuyền bồng bềnh sóng nước ngược dòng sông Hậu đến làng nghề bánh tráng trăm năm cù lao Mây vào đúng mùa bánh Tết. Làng bánh tráng cù lao Mây nhộn nhịp người pha bột, người tráng, phơi bánh… Đây là đặc sản nổi tiếng của cù lao Mây. Bánh tráng cù lao Mây có nhiều loại như: bánh tráng nem, bánh tráng nhúng và bánh tráng nướng, bánh tráng ngọt sữa, bánh tráng tráng thanh long, bánh tráng ớt… Bánh tráng nướng cù lao Mây nướng ăn béo giòn, thơm ngon, còn bánh tráng nem vừa ăn, không mặn và dẻo dùng để cuốn tôm, cá, thịt... ăn không thể chê được. Sẵn có nguồn cá tôm sông Hậu nhất là tôm nóng hấp, cùng với thịt ba chỉ luộc hay cá tai tượng chiên xù với nhiều loại rau thơm có sẵn trong vườn gói bánh tráng nem chấm nước mắm chua hay nước nắm me thì ăn quên no.

Để làm được sản vật nổi tiếng thơm ngon, nghệ nhân làm bánh tráng cù lao Mây đã khéo léo chọn gạo, xay bột đến khâu tẻ nước và nêm nếm gia vị vừa đủ để bánh dẻo, vừa ăn. Bây giờ, bánh tráng cù lao Mây nổi tiếng được người tiêu dùng rất ưa chuộng và có mặt nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Hàng năm, cù lao Mây cung hơn nửa triệu bánh tráng các loại cho mọi miền đất nước.

Bà Trần Thị Tuyết Mai, Chủ cơ sở bánh tráng Tuyết Mai, đã gần 40 năm trong nghề tráng bánh, nhanh tay vừa lấy bánh ra phơi, vừa đổ bột tráng bánh, chuẩn bị 40.000 - 50.000 bánh các loại cho mùa Tết, cho biết: “Nghề tráng bánh cù lao Mây này đã có hơn 100 năm rồi. Ngày trước nơi đây có nhiều lò bánh tráng nhưng bây giờ chỉ còn được hơn 40 lò tráng bánh. Khi tôi 22 tuổi lấy chồng về đây, được mẹ chồng, chị chồng tôi truyền nghề làm đến bây giờ. Nghề tráng bánh hồi đó cực lắm, phải xay bột, nạo dừa vắt nước cốt, pha bột, dậy sớm để tráng bánh. Bây giờ, nghề tráng bánh có phần khỏe hơn là thuê mướn xay bột, có máy nạo vắt nước cốt dừa nhưng cũng vất vả dậy sớm và bên lò tráng bánh than rực lửa nóng lắm. Nghề bánh tráng chỉ được mùa Tết nhưng năm nào nắng tốt thì còn đỡ khổ chứ gặp phải mưa hoài bánh nằm vỉ là hết ngon…”.

kham pha xu so cu lao miet vuon song nuoc vinh long

Ảnh minh họa nguồn internet

Từ lâu nay, cù lao Mây không chỉ có bánh tráng nổi tiếng mà còn tự hào là điểm đến hấp dẫn miệt vườn sông nước miền Tây. Bởi nơi đây, đất phù sa màu mỡ và nước ngọt sông Hậu đã tưới cho vườn cây ăn trái tốt tươi, bốn mùa trĩu quả. Các hãng lữ hành thông tin cho biết, đến tham quan thưởng thức trái cây, du khách đến đây vào mùa hè. Đó là mùa trái cây, chôm chôm chín đỏ cây trông rất đẹp mắt, rồi măng cụt, sầu riêng… rất thơm ngon, tha hồ “check-in” và chụp ảnh tự sướng. Nhiều hãng lữ hành chọn miệt vườn cù lao Mây để tổ chức tour miệt vườn sông nước cho du khách.

Hôm đoàn Presstrip đến cù lao Mây vào dịp cuối năm không phải vào cao điểm mùa trái cây: Chôm chôm, măng cụt, sầu riêng… mà là mùa vú sữa, mít, bưởi 5 roi, cũng trĩu quả đong đưa. Cù lao Mây có nhiều điểm tham quan nhà vườn như: Điểm du lịch sinh thái Năm Khanh, Tám Trong, 7 Gặt, 4 Dô… Du khách tham quan vườn và thưởng trái cây, ăn đặc sản sông Hậu.

Ông Tám Trong, năm nay tuổi đã ngoài lục tuần, là người dân bản địa sinh ra và lớn lên trên đất cù lao Mây, có 15 công vườn trồng các thứ: mít, ổi, xoài, bưởi, chôm chôm, nhãn… để bốn mùa có trái cây phục vụ du khách, tiên phong khai thác vườn trái cây làm dịch vụ du lịch, phấn khởi tâm sự: “Hồi đó, tôi chỉ trồng cây ăn trái chứ đâu nghĩ mình làm du lịch. Rồi thấy du khách ngày càng thích tham quan và thưởng thức trái cây nên tôi vừa làm vườn vừa khai thác du lịch. Bây giờ, có du khách đến đông đúc cũng vui chứ hồi mới làm mắc cỡ gần chết. Đi đâu gặp người nào cũng trêu trọc “Tám Trong trồng cây ăn trái làm du lịch có khỉ leo cây chứ ai đến”. Điều không ngờ, khi khai trương hoạt động Khu du lịch sinh thái miệt vườn cù lao Mây của chúng tôi được nhiều du khách biết đến tham quan quan vui chơi, ăn uống… ngày càng đông”.

Điểm du lịch Tám Trong xã Phú Thành, cù lao Mây đã thành một trong những điểm đến của cù lao Mây. Giá cả dịch vụ nơi đây được niêm yết rõ ràng. Vé vào cổng tham quan vườn cây ăn trái 30.000 đồng/vé, được đãi một dĩa trái cây, còn vé vào cổng tham quan và bao bụng trái cây (ăn từ 5 loại trái cây trở lên) 60.000 đồng/vé; các món: Gà hấp rượu, gà chiên nước mắm, gà nấu cháo, gà nướng 250.000 đồng/kg, cá lóc nướng rơm (cá lóc nướng trui), cá lóc chiên xù, lẩu chua cá lóc, cá lóc kho tiêu, cháo cá lóc 250.000 đồng/con, lươn xào xả ớt, lươn ươm lá cách, lẩu lươn 250.000 đồng/phần…

kham pha xu so cu lao miet vuon song nuoc vinh long

Ảnh minh họa nguồn internet

Cách điểm du lịch Tám Trong không xa lắm là Điểm du lịch sinh thái cù lao Mây - Năm Khanh. Ông tên thật là Nguyễn Văn Khanh, thứ 5 trong gia đình nên mọi người thường gọi là Năm Khanh. Ông làm vườn chuyên nghiệp, có 8 công vườn trồng bưởi 5 roi, ổi, mít, vú sữa… mỗi năm cũng thu nhập vài trăm triệu đồng. Ông không có định khai thác vườn cây ăn trái để làm dịch vụ du lịch nhưng con gái út của ông là Nguyễn Thị Lan Hương, sau khi tốt nghiệp đại học quản trị du lịch, với nhiều hoài bão ước mơ làm du lịch đã xin vợ chồng ông cho khai thác du lịch.

Với vị trí thuận lợi, cặp sông, chỉ cách bến du thuyền Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ 30 phút đường thủy, cùng với những ấp ủ, say mê du lịch, cô chủ nhỏ Nguyễn Thị Lan Hương đã biến vườn trái cây của cha mình thành điểm du lịch nhà vườn hấp dẫn. Vườn được thiết kế lối đi thật đẹp, hai bên đường là bưởi 5 roi trĩu quả đong đưa, xen vào đó là những cây mít treo trái căn tròn bắt mắt… Du khách đến điểm du lịch Năm Khanh được thưởng thức miễn phí dĩa trái cây theo mùa, trải nghiệm câu cá lòng tong, cá rô đồng, ăn bánh xèo, lẩu mắm, được check-in cảnh đẹp nên thơ của miệt vườn sông nước…

Ông Nguyễn Văn Khanh - Điểm du lịch Năm Khanh bộc bạch: “Vợ chồng tôi lớn tuổi rồi chỉ làm vườn thôi nhưng con gái học du lịch ra trường thấy con ham làm du lịch, hỏi cha mẹ cho làm du lịch hoài nên vợ chồng tôi đồng ý. Chứ nhà đơn chiếc, mỗi khi có đoàn du khách đến là cả nhà bận rộn, người làm gà, làm vịt, làm cá, nấu ăn, người dẫn khách tham quan. Cực có cực thật nhưng có du khách đến tham quan vườn cũng vui…”.

Sông Cổ Chiên, sông Hậu vẫn chảy mang phù sa bồi đắp và dòng nước ngọt tưới mát cho những vườn cây ăn trái và người dân xứ sở cù lao miệt vườn sông nước Vĩnh Long ngày đêm chăm chút vườn cây ăn trái để quanh năm có trái ngon phục vụ du khách và cùng với sự khéo léo đã chế biến những đặc sản sông Cổ Chiên, sông Hậu thành những món ngon đã làm say mê du khách, cùng với tình đất, tình người sẽ giúp cho hành trình khám phá xứ sở cù lao kỳ thú và hấp dẫn hơn.

Huỳnh Biển
Nguồn https://baoxaydung.com.vn/kham-pha-xu-so-cu-lao-miet-vuon-song-nuoc-vinh-long-296030.#html

Bạn đang đọc bài viết "Khám phá xứ sở cù lao miệt vườn sông nước Vĩnh Long" tại chuyên mục Việt Nam - Đất nước - Con người.

Đọc các tin bài có liên quan tại trang https://nongthonvaphattrien.vn/