Hà Nội: Phát huy thế mạnh làng nghề truyền thống để phát triển du lịch và nâng cao giá trị gia tăng trong nông nghiệp

Đăng bởi Vương Xuân Nguyên

23/11/2020 21:49

Sau 02 năm thực hiện Nghị định 52, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiến hành một số công việc cụ thể như: Tổ chức rà soát đánh giá lại thực trạng các làng nghề trên địa bàn Thành phố, phân nhóm ngành nghề theo quy định tại Nghị định số 52 về phát triển ngành nghề nông thôn từ đó xây dựng kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn và bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề trong những năm tiếp theo...

Phát huy thế mạnh làng nghề

Theo Chi cục Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội, hiện nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong số đó có 309 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận. Theo kết quả thống kê, thu thập số liệu, ước tính trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội có khoảng 7.215 sản phẩm địa phương.

Hội nghị Sơ kết 02 năm thực hiện Nghị định 52/2018/NĐ - CP của Chính phủ

Trong số 309 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã (có 11 làng nghề sơn mài, khảm trai; 20 làng làm nghề nón, mũ lá; 83 làng làm nghề mây tre, giang đan; 24 làng làm nghề chế biến lâm sản; 29 làng làm nghề thêu ren; 26 làng làm nghề dệt may; 09 làng làm nghề da giầy, khâu bóng; 13 làng làm nghề cơ kim khí; 15 làng làm nghề chạm điêu khắc; 05 làng làm nghề đan tơ lưới; 54 làng làm nghề chế biến nông sản thực phẩm; 06 làng làm nghề cây sinh vật cảnh và 14 làng thuộc ngành nghề khác: gốm sứ, làm đàn, dát quỳ vàng bạc,…). Dự kiến đến hết năm 2020 sẽ công nhận thêm 04 làng nghề, nâng tổng số lên 313 làng nghề.

Các làng nghề trên địa bàn Hà Nội đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm, trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Một số làng nghề có doanh thu cao như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ thôn Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; làng nghề bánh kẹo, dệt kim La Phù đạt 1.301 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai đạt 1.061 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu đạt 1.600 tỷ đồng; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá doanh thu đạt 1.209 tỷ đồng; làng nghề đồ mộc - may thôn Hữu Bằng đạt gần 1.000 tỷ đồng,...

Đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu làng nghề: Trong tổng số 309 làng nghề đã được công nhận có 36 làng nghề đã đăng ký xây dựng thương hiệu trong đó: Nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản là 10 làng nghề; nhóm Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ là 01 làng; nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ là 22 làng; nhóm sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh là 03 làng nghề.

Hồng Vân - khai thác, phát triển du lịch làng nghề, sinh vật cảnh

Đẩy mạnh phát triển du lịch

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Nghị định 52/2018/NĐ – CP, UBNDThành phố Hà Nội đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu xây dựng chính sách về phát triển ngành nghề, đồng thời hàng năm UBND thành phố Hà Nội đều ban hành Kế hoạch Phát triển ngành nghề nông thôn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện theo đúng quy định.

Trong nhiều năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội rất quan tâm đến công tác phát triển ngành nghề nông thôn cũng như công tác bảo tồn, phát triển làng nghề, giai đoạn 2019-2020 đã ban hành nhiều văn bản nhằm khôi phục, duy trì và phát triển làng nghề, cụ thể: Văn bản số 4627/UBND-KT ngày 01/10/2018 của UBND Thành phố Hà Nội về việc triển khai thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết 11/2019/NQ-HĐND ngày 04/12/2019 của HĐND Thành phố về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội; Quyết định số 4268/QĐ-UBND ngày 09/8/2019 về việc phê duyệt các quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, trong đó có 03 thủ tục hành chính “Công nhận làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống”; Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 02/3/2020 ban hành định mức hỗ trợ kinh phí khi công nhận danh hiệu “Làng nghề, Nghề truyền thống và Làng nghề truyền thống” Hà Nội...

Với sự chỉ đạo sát sao của các ngành Nông nghiệp Thủ đô, sau 02 năm thực hiện Nghị định 52, có thể khẳng định hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ. Phần lớn nước thải từ các làng nghề chưa qua xử lý thải ra môi trường ao, hồ với mức độ ô nhiễm rất cao. Không chỉ nguồn nước, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn và ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa tốt đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội và dân sinh.

Riêng năm 2019, Hà Nội đã đón trên 26,34 triệu lượt khách, riêng khách du lịch quốc tế đạt 6,023 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 92.454 tỷ đồng. Trong đó du lịch làng nghề và du lịch sinh thái đang được rất nhiều du khách quan tâm. Hà Nội đã và đang tập trung chỉ đạo xây dựng hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch vui chơi giải trí, thể thao, mua sắm, ẩm thực, chữa bệnh... theo hướng phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, du lịch xanh. Phê duyệt nhiệm vụ thực hiện dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế...; từ đó phát huy vai trò của du lịch với phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm làng nghề.

Làng lụa vạn Phúc, Hà Đông thu hút du lịch

Một số giải pháp thúc đẩy

UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 02/01/2013 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đã chỉ ra danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, trong đó có 17 dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch. Tuy nhiên, đến nay mới có 02 trong số 17 làng nghề truyền thống đã áp dụng mô hình phát triển làng nghề truyền thống, di tích văn hóa gắn với du lịch rất thành công là: Làng gốm Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc.

Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 52 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn được Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương tổ chức sáng 23/11/2020 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết, trên cơ sở, sơ kết 02 năm thực hiện Nghị định 52, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiến hành một số công việc cụ thể như: Tổ chức rà soát đánh giá lại thực trạng các làng nghề trên địa bàn Thành phố, phân nhóm ngành nghề theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn từ đó xây dựng kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn và bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề trong những năm tiếp theo; Tập trung xây dựng, chỉnh sửa, ban hành các chính sách về Bảo tồn, hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; Triển khai có hiệu quả các văn bản, Nghị định của chính phủ, Bộ, Ngành Trung ương về chính sách phát triển ngành nghề nông thôn phù hợp với quy định và tình hình thực tế địa phương…

Phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm vừa qua, Ngành nông nghiệp Thủ đô, mà trực tiếp là Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội làng nghề; Hội Sinh Vật Cảnh, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn và các tổ chức và cá nhân tăng cường liên kết đẩy mạnh xúc tiến thương mại giúp các doanh nghiệp, làng nghề tiếp cận thị trường xuất khẩu sản phẩm, nhập khẩu nguyên liệu cho làng nghề.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho biết: Hiện có khoảng 2,3 triệu lao động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn, tăng 300.000 lao động so với năm 2017. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 4-5 triệu đồng/tháng, cao gấp 2 lần lao động thuần nông. Tổng doanh thu từ các ngành nghề nông thôn hiện nay đạt 236.200 tỷ đồng, tăng 40.000 tỷ đồng so với năm 2017. Mức độ tăng trưởng về kim ngạch và thị trường xuất khẩu đối với sản phẩm làng nghề khá cao, đạt bình quân khoảng 10%/năm. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của riêng hàng thủ công mỹ nghệ đạt 2,35 tỷ USD, tăng 0,6 tỷ USD so với năm 2017. Hiện hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu.

BÀI VIẾT THEO CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP VỚI CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TP. HÀ NỘI

Địa chỉ: số 73 Lê Hồng Phong - Hà Đông - Hà Nội Điện thoại: 024.63255101; Email: ccptnthn.sonnptnt@hanoi.gov.vn.com

Vương Xuân Nguyên
Nguồn Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam