Hà Nội đồng loạt triển khai nhiều giải pháp để người dân sắm lương thực thực phẩm thiết yếu tại nhà

Đăng bởi Vương Xuân Nguyên

23/08/2021 12:25

Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Thành phố Hà Nội hỗ trợ các chủ thể bán hàng trực tuyến qua những "phiên chợ trên mây", Livestream bán hàng, kết nối các sản thương mại điện tử. Còn Sở Công thương thì triển khai "chợ lưu động" bằng ô tô và xe bus trong thời gian giãn cách.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Thành phố Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Chính phủ để phòng chống dịch trên địa bàn. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, UBND thành phố đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp để đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân. UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội phòng chống dịch COVID-19.

ong-nguyen-van-chi-pho-chanh-vp-thuong-truc-ntm-ha-noi-1629693993.jpg

Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội phát biểu tại Ngày hội Livestream giới thiệu sản phẩm OCOP

Chợ đêm trên mây, livestream bán hàng trực tuyến...

Chia sẻ với Hội nhập Online về chương trình tập huấn hỗ trợ các chủ thể bán hàng trực tuyến qua những "phiên chợ trên mây", Livestream bán hàng, kết nối các sản thương mại điện tử, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, trong cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 làm cho các kênh phân phối truyền thống không còn phù hợp. Từ đó tác động đến lưu thông phân phối hàng hóa, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, nhất là những đơn vị sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ chưa thiết lập được kênh phân phối trực tuyến sẽ có nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng với thị trường. Trước tình hình đó, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội sau một thời gian huấn luyện cho các chủ thể làm quen với thương mại điện tử, Livestream bán hàng trên nền tảng số sẽ tiến tới mở các "Phiên chợ trên mây" để kết nối giao thương và thúc đẩy tiêu dùng trực tuyến.

cho222-1629695850.jpg

cho111-1629695653.jpg

Sàn thương mại điện tử https://chonhaminh.gov.vn/ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đa dạng các mặt hàng nông sản, lương thực thực phẩm thiết yếu

"Theo đó, các phiên chợ đêm được tổ chức trên các nền tảng số, trước mắt nhằm tạo điều kiện giúp các chủ thể sản xuất, kinh doanh có cơ hội thực hành sau khi hoàn thành khóa học trực tuyến miễn phí bán hàng Online, Livestream; đồng thời là dịp để các chủ thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền tiêu thụ nội bộ sản phẩm của nhau và giới thiệu tới khách mời tham dự sự kiện. Giúp các tổ chức, cá nhân trao đổi kinh nghiệm và kỹ năng bán hàng Online, Livestream, giải đáp những vấn đề vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, cơ chế chính sách và Chương trình OCOP,…", ông Nguyễn Văn Chí cho hay. 

bb5-1629518018-1629694110.jpg

Các phiên "chợ đêm trên mây" và bán hàng trên nền tảng số được Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội triển khai đồng bộ các chủ thể sản xuất, kinh doanh nông sản

Cũng theo ông Nguyễn Văn Chí, thì sau một thời gian ngắn triển khai, các chủ thể cũng đã nhận ra sự thuận tiện của phương thức bán hàng, quảng bá sản phẩm và kết nối thương mại qua các nền tảng số. Đồng thời người tiêu dùng cùng tường bước nhận ra được những ưu điểm của phương thức này.

"Qua khảo sát của Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội thì rào cản lớn nhất của phương thức bán hàng trực tuyến chính là "thông tin bất cân xứng" giữa người mua và người bán nhiều khi không được thống nhất. Ví du khi giới thiệu là hàng tốt nhưng khi giao hàng là hàng kém chất lượng. Hoặc việc đặt hàng ảo gây khó khăn và thiết hại cho người bán hàng. Chính vì điều này, với sự xuất hiện của bên thứ ba là một cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan phối hợp sẽ có vai trò quan trọng trong việc "xác nhận", giám sát việc các bên thực hiện các thỏa thuận với nhau để đảm bảo người bán sẽ bán hàng đúng nhất lượng và người mua có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ khi nhận được hàng. Cùng với đó, với sự hỗ trợ của nền tàng khoa học công nghệ, sự tham gia vào cuộc của các cơ quan báo chí và đơn vị phối hợp tư vấn sẽ làm cho thông tin được minh bạch hơn...", ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.

sua22-1629644505.jpg

Doanh nghiệp đã tự tin hơn với các hình thực thương mại trực tuyến

Đặc biệt, để kịp thời hỗ trợ các chủ thể sản xuất kinh doanh, các địa phương và người tiêu dùng trong mùa dịch, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội đã thành lập Tổ hỗ trợ và thiết lập đường dây nóng để kịp thời giải quyết các công việc phát sinh có liên quan, cũng như kịp thời cập nhật các thông tin có liên quan trên trang thông tin điện tử của Văn phòng https://nongthonmoihanoi.gov.vn/.

Đến chợ lưu động đến tận ngõ gõ từng nhà

Theo thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, để đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng trong thời gian giãn cách xã hội, 13 doanh nghiệp đã đăng ký triển khai bán hàng lưu động bằng ô tô và xe bus, trong trường hợp cấp bách sẽ kêu gọi doanh nghiệp mở rộng triển khai mô hình này.

Cụ thể, các doanh nghiệp đăng ký bán hàng bằng ô tô gồm: Công ty CP Sữa nông trại Ba Vì; Công ty CP Dafusa Việt Nam; Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thiên Tân; Công ty CP TTTM Lotte Việt Nam; Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Lan Chi; Công ty TNHH Aeon Việt Nam, Công ty TNHH Thực phẩm Lương An; HTX Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì; HTX Nông nghiệp Khánh Phong; Công ty CP Rau an toàn Hà Nội; CLB làng nghề cốm Mễ Trì, HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp An Phát. Riêng Công ty TNHH du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến đăng ký 10 xe bus bán hàng lưu động.

20210820204622-28ban-hang-luu-dong-1629694309.jpeg

Nhiều doanh nghiệp đăng ký bán hàng lưu động bằng ô tô và xe bus trong thời gian giãn cách.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, các doanh nghiệp bán hàng lưu động bằng xe ô tô, xe bus sẽ triển khai bán hàng ở các khu nhà trọ, khu đông dân cư để hạn chế công nhân không phải đi chợ, tiềm ẩn nguy cơ lây dịch bệnh.

Về lưu thông vận chuyển, thành phố đã chỉ đạo, xây dựng phương án huy động và điều động phương tiện phục vụ vận chuyển lưu thông hàng hóa: xe của các doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất, kinh doanh; xe của các đơn vị vận tải trên địa bàn (Tổng vận tải, Bưu điện Thành phố, các đơn vị logistics, thương mại điện tử, taxi, xe huy động của các địa phương, Hội Liên Hiệp Thanh Niên Thành phố và Câu lạc bộ Xe bán tải địa hình…); kịp thời để chỉ đạo các lực lượng chức năng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Một số quận, huyện, thị xã đã bố trí các xe lưu động, xe điện cung ứng hàng hóa cho nhân dân các vùng cách ly, phong tỏa. Đến nay, hàng hóa của các doanh nghiệp được lưu thông bình thương; đến ngày 20/8/2021, Sở GTVT cấp mã QR code đăng ký "Luồng xanh" 2.192 xe ô tô vận chuyển hàng hóa lĩnh vực công thương, cấp mã xác nhận cho 9.822 xe mô tô, xe hai bánh phục vụ giao nhận hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp thương mại điện tử.

sua3-1629644095.jpg

Các đơn vị tham gia bán hàng lưu động đã chuẩn bị những mặt hàng cần thiết cho mùa dịch

Về hệ thống phân phối, hiện nay trên địa bàn thành phố có 103 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 449 chợ có kinh doanh thực phẩm, 1.800 cửa hàng tiện lợi, 141 chuỗi, trên 20.000 cửa hàng hóa, 8355 điểm bán hàng bình ổn giá (tăng gấp 7 lần so với hàng năm triển khai Chương trình bình ổn thị trường) đã được Sở Công Thương niêm yết công khai trên địa bàn thành phố để phục vụ nhân dân, Bưu điện Hà Nội để tiếp tục mở thêm 472 điểm bán hàng thiết yếu; các quận, huyện, thị xã; Viettel Post 41 điểm; sẵn sàng kích hoạt 2500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí.

Sở Công Thương đã đồng hành cùng Thành đoàn Hà Nội, CLB Doanh nhân Sao đỏ và Công ty ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức chương trình "Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội trái tim hồng" để hỗ trợ người nghèo, công nhân lao động trên địa bàn thành phố, đến nay đã tổ chức 5 siêu thị 0 đồng và dự kiến tiếp tục mở thêm 18 điểm trong thời gian tới.

Về nguồn cung, Thành phố Hà Nội luôn chủ động chuẩn bị nguồn cung để cân đối cung cầu, chỉ đạo các hệ thống phân phối dự trữ hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng. Hàng hóa thường xuyên dồi dào đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong mọi tình huống, giá cả ổn định (trừ một số mặt hàng rau ăn lá, bí xanh, thủy hải sản nước mặn tăng nhẹ khoảng 5 - 7%).

Các hệ thống phân phối cũng đa dạng các hình thức bán hàng (bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, tổ chức bán hàng lưu động, đăng ký phục vụ 24/24/7....) để phục vụ nhân dân.

Các quận, huyện, thị xã đã xây dựng phương án tổ chức triển khai điểm bán hàng lưu động trong tình huống dịch COVID-19 phức tạp, sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động đã bố trí. Đến nay, 9 quận đã tổ chức 45 điểm bán hàng lưu động, 63 điểm bán hàng dã chiến phục vụ nhân dân do trên địa bàn có chợ hoặc cơ sở kinh doanh phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Một số quận đã lập nhóm Zalo giữa nhân dân trên địa bàn với các đơn vị phân phối để thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa thuận tiện, hạn chế đi lại. 

Vương Xuân Nguyên
Nguồn https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/ha-noi-dong-loat-trien-khai-nhieu-giai-phap-de-nguoi-dan-sam-luong-thuc-thuc-pham-thiet-yeu-tai-nha-a6375.html