Nhiều mô hình HTX Nông nghiệp phát huy hiệu quả
Trong những năm qua được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ ngành có liên quan, loại hình HTX đã có bước phát triển nhanh chóng cả về quy mô lẫn chất lượng. Đến nay, trên địa bàn Thành phố hiện có 1.235 HTX nông nghiệp gồm 1.090 HTX đang hoạt động (chiếm 88,3%) và 145 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể (chiếm 11,8%). Trong tổng số 1.090 HTX đang hoạt động có 790 HTX tổng hợp, 222 HTX trồng trọt, 50 HTX chăn nuôi, 21 HTX nuôi trồng thủy sản, 01 HTX lâm nghiệp, 06 HTX nước sạch nông thôn. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả phân loại HTX năm 2019 của các quận, huyện, thị xã có 947 HTX nông nghiệp đánh giá phân loại, trong đó: loại tốt 183 HTX (chiếm 19,3%), khá 403 HTX (chiếm 42,6%), trung bình 334 HTX (chiếm 35,3%) và yếu 27 HTX (chiếm 2,8%).
HTX Nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô có vai trò chủ đạo trong việc cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu và tiếp thị sản phẩm, hỗ trợ cho người nông dân thuận lợi
Đồng thời đóng vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn hoạt động. Toàn Thành phố hiện có 70 HTX tham gia liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 50 HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 31 HTX với 106 sản phẩm được Thành phố đánh giá, phân hạng và công nhận là sản phẩm OCOP.
Đặc biệt, sau khi Luật HTX 2012 đã có nhiều mô hình HTX hoạt động hiệu quả, người đứng đầu có tư duy đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn xây dựng phương án tổ chức sản xuất và kinh doanh đáp ứng với cơ chế thị trường; có số lượng thành viên HTX với quy mô vừa (dưới 1000 thành viên); đa dạng dịch vụ hoạt động (tối đa 10-12 dịch vụ) phục vụ thành viên HTX và dịch vụ truyền thống cho nông dân toàn xã tại địa phương; góp phần nâng cao thu nhập thành viên; phát huy vai trò cộng đồng giúp nông dân trên địa bàn xã các dịch vụ truyền thống ổn định tổ chức sản xuất ổn định, phát triển kinh tế tại địa phương.
Có thể khẳng định, kinh tế tập thể, HTX của Thủ đô Hà Nội ổn định, tiếp tục phát triển theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ; Tổ chức bộ máy, tư cách thành viên đảm bảo theo quy định của Luật, các HTX đã đảm bảo các dịch vụ cho các thành viên, hộ gia đình; Nhiều HTX đã nêu cao tinh thần tự chủ, chủ động khắc phục khó khăn, mở rộng sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vào sản xuất; năng suất và hiệu quả được nâng lên. Ngày càng có nhiều các mô hình HTX kiểu mới, gắn sản xuất với chuỗi giá trị sản phẩm ngày càng nhiều...
Giải pháp và kiến nghị thúc đẩy
Trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội thì ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh hướng dẫn HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả trên cơ sở lợi thế của địa phương, trong đó đẩy mạnh chuyển đổi phương thức hoạt động từ dịch vụ đầu vào sang sản xuất hàng hóa, đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, kiến thức tiếp cận thị trường và kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ ổn định.
Nhiều mô hình HTX nông nghiệp đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao
Chú trọng, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị, sản xuất cho cán bộ quản lý HTX và thành viên thông qua đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn, đào tạo nghề; Hỗ trợ đưa cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn kỹ thuật về làm việc tại HTX ; Quan tâm đến các cán bộ Thú y, Khuyến nông, Bvtv tại cơ sở; sinh viên người địa phương quan tâm và muốn cống hiến đến sự phát triển tại địa phương, Những chủ trang trại hoạt động hiệu quả tại địa phương đây là nguồn nhân lực quan trọng để tham gia vào củng cố và thành lập mới HTX tại địa phương để tạo nên những đột phá.
Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn thì ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tăng cường hỗ trợ các HTX tiếp cận các chính sách của Nhà nước như liên kết sản xuất theo Nghị định số 98/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. hỗ trợ HTX theo Quyết định 1840/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Chính phủ; Hỗ trợ để các HTX vay vốn tín dụng và tiếp cận được với các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước nhất là tiếp cận Quỹ phát triển HTX và Quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế của Hội Nông dân, Quỹ Khuyến nông...để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tổ chức sản xuất.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các ngành các cấp có liên quan để tạo điều kiện cho các HTX tham gia hoạt động một số dịch vụ phục vụ sản xuất và xây dựng nông thôn mới như: Quản lý, khai thác công trình thủy lợi; nước sinh hoạt nông thôn, dịch vụ môi trường, chợ nông thôn, ngành nghề nôngthôn...để các HTX tăng thêm việc làm và thu nhập cho các thành viên. Tạo điều kiện cho các HTX tiếp nhận lại các công trình thủy lợi đã thực hiện bàn giao theo quy định tại Quyết định sô 41/2016/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 của UBND Thành phố (do đã có Quyết định số 23/2020/QĐ-UBND ngay 24/9/2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quyết định sô 41/2016/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 điều chỉnh).
Sản phẩm, dịch vụ của các HTX Nông nghiệp ngày càng đa dạng
"Để thuận lợi trong việc triển khai các giải pháp nêu trên, tới đây Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng sẽ kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sớm ban hành Thông tư hướng dẫn điều kiện và tiêu chí hỗ trợ HTX nông nghiệp theo Quyết định số 1840/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng chính phủ; chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2015 để các bộ ngành có cơ sở tham mưu ban hành hướng dẫn tổ chức thực hiện các nội dung có liên quan phát triển kinh tế tập thể nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng...", ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.
Đồng thời, ngành Nông nghiệp sẽ kiến nghị với UBND Thành phố Hà Nội giao cho các sở ngành có liên quan tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025; hướng dẫn việc giải thể hợp tác xã ngừng hoạt động, trong đó tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các quận, huyện, thị xã khi thực hiện giải thể HTX; Xây dựng Đề án phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố 2021-2025; Hỗ trợ kinh phí phát triển liên kết chuỗi trong sản xuất theo Nghị định 98/NĐ-CP của Chính phủ. Kế hoạch hỗ trợ đưa cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn kỹ thuật về làm việc tại HTX giai đoạn 2021-2025. Xây dựng Kế hoạch triển khai Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025...
Theo Chi cục Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có tổng số HTX hoạt động hiệu quả là 457 HTX. Trong đó HTX hoạt động tốt là 130, hoạt động khá là 327, có quy mô thành viên nhỏ và vừa (quy mô thôn: 100-200 thành viên; quy mô xã 300-700 thành viên). Cán bộ quản lý có trình độ đại học, cao đẳng chiếm 13,5%; sơ cấp, trung cấp chiếm 30,6%; chưa qua đào tạo chiếm 20%. Doanh thu bình quân đạt 2.518 triệu đồng/HTX/năm (cao gấp 3,47 lần HTX trung bình, yếu); thu nhập bình quân đạt 42 triệu đồng/lao động/ năm (cao gấp 5,25 lần HTX trung bình, yếu); Vốn đầu tư quy mô nhỏ (dưới 50 tỷ).
BÀI VIẾT THEO CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP VỚI CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TP. HÀ NỘI
Địa chỉ: số 73 Lê Hồng Phong - Hà Đông - Hà Nội Điện thoại: 024.63255101; Email: ccptnthn.sonnptnt@hanoi.gov.vn.com