Hướng đến chào mừng Đại hội Đảng bộ lần thứ XXI nhiệm kỳ 2020-2025, từ đầu tháng 7, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã cho triển khai “con đường bích họa” với chiều dài hơn 2km để tạo điểm nhấn mới cho bộ mặt nông thôn mới nơi đây.
Mỗi bức tranh nhỏ có kích thước dài khoảng 5m cao 1m4 với nhiều chủ đề khác nhau.
Mỗi bức tranh là một nét đẹp
“Cà dầm tương Tam Hiệp”, “Rau muống tiến vua Sen Chiểu”, “Bưởi Phúc Thọ”, “Đền Hát”, “Phúc Thọ xây dựng nông thôn mới”... những bức tranh mang nhiều ý nghĩa, ẩn chứa nhiều thông điệp về mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử đang trên đà phát triển đã được các họa sĩ thể hiện trên một chiều dài đáng nể. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phúc Thọ Lê Tiến Hải cho biết: Tuyến đường bích họa dài 2,3km, độ cao trung bình 1,5m, tổng diện tích vẽ khoảng 3.450m2, là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025. Đây là con đường bích họa dài nhất ở Thủ đô Hà Nội trong thời điểm hiện tại. Tuyến đường bích họa có chi phí lên tới hàng tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là chi phí sơn vẽ tranh, được huyện Phúc Thọ thực hiện bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.
Đường bích họa với sự “góp mặt” của hàng trăm bức tranh theo từng chủ đề thể hiện sinh động vẻ đẹp của Phúc Thọ. Đầu tiên là những bức tranh về các di tích lịch sử văn hóa, các sản vật của huyện. Tiếp đến, 21 xã, thị trấn trên địa bàn, mỗi đơn vị được bố trí một bức dài 50m để khái quát những nét đặc trưng của từng địa phương. Con đường bích họa cũng dành một phần trang trọng để thể hiện chủ đề Phúc Thọ đổi mới với các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, khu du lịch sinh thái đã, đang, sẽ triển khai cùng phong trào xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... Chủ đề của từng bức tranh đều được thẩm định nội dung kỹ lưỡng trước khi chuyển tới các họa sĩ thực hiện.
Nhìn những bức tranh nhiều màu sắc trải dài theo quốc lộ 32, bà Đỗ Thị Mão ở xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ nói: "Tôi thực sự ngỡ ngàng khi chứng kiến những mảng tường bê tông khô cứng, phủ cỏ dại trước đây, được mang một sắc diện mới. Con đường bích họa này góp phần nhân lên niềm tự hào, tình yêu quê hương trong mỗi người dân...".
Còn anh Hoàng Đức Thành ở xã Liên Trung, huyện Đan Phượng cho biết: "Đi qua tuyến đường bích họa đẹp mắt này, chúng tôi cảm thấy tinh thần phấn chấn hơn. Đây là một không gian đầy ấn tượng của huyện Phúc Thọ".
Để thực hiện con đường này, huyện đã huy động giáo viên dạy mỹ thuật trên địa bàn phối hợp cùng các họa sĩ lên ý tưởng về các bức tranh. Ngoài ra, đoàn viên thanh niên đã đi cải tạo, sơn trắng lại bức tường.
Tạo không gian mới
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phúc Thọ Lê Tiến Hải cho biết: Để hình thành tuyến đường bích họa, huyện Phúc Thọ đã nghiên cứu, học hỏi, tham khảo cách làm của nhiều địa phương. “Triển khai con đường bích họa, chúng tôi mong muốn tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp và khuyến khích người dân chung tay góp sức làm đẹp cho quê hương”, ông Lê Tiến Hải nói.
Quá trình thực hiện tuyến đường bích họa, Huyện đoàn Phúc Thọ đã huy động hàng trăm lượt đoàn viên, thanh niên thuộc các xã: Tam Thuấn, Tam Hiệp, Thanh Đa, Hiệp Thuận tham gia làm nhẵn bức tường, làm sạch mặt bằng trước khi triển khai sơn lót và vẽ. Nhiều giáo viên dạy mỹ thuật của các trường trong huyện cũng nhiệt tình hỗ trợ thực hiện các bức tranh tường và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã ủng hộ tiền mua sơn vẽ tranh…
Họa sĩ Vũ Văn Đoàn, một trong những người thực hiện con đường bích họa cho biết: "Thực hiện tại đoạn tường nằm trên quốc lộ 32, người xe qua lại đông nên việc vẽ tranh gặp khá nhiều khó khăn. Thêm nữa, thời tiết nắng nóng nên các họa sĩ phải căng bạt che chắn, làm sớm và nghỉ muộn hơn".
Còn theo Trưởng nhóm vẽ tranh Trần Văn Nam, để thể hiện các mẫu tranh theo thiết kế, nhóm họa sĩ 10 người đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về đời sống, kinh tế - xã hội của địa phương để mỗi bức vẽ trở nên sống động hơn. Bắt tay vào làm từ ngày 3-7-2020, đến hết tháng 7-2020, công trình đã hoàn thành.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn nhận xét: Tuyến đường bích họa hoàn thành không chỉ đáp ứng được tiêu chí về mỹ thuật mà còn mang nhiều ý nghĩa văn hóa xã hội sâu sắc. Đây cũng là tiền đề để huyện Phúc Thọ triển khai những tuyến đường bích họa tiếp theo ở trong mỗi khu dân cư, mỗi xóm làng...
Bức họa về an toàn giao thông
Được biết, cùng với việc thực hiện con đường bích họa trên, huyện Phúc Thọ đã phát động cuộc thi giữ gìn đường làng, ngõ xóm, thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; đồng thời phát động ra quân tổng vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị tại các xã, thị trấn. Huyện Phúc Thọ còn tạo thêm hai tuyến đường hoa, gồm: Tuyến đê hữu Đáy (từ đường 32 qua xã Hiệp Thuận) dài 1,8km với 360 cây hoa giấy và đường từ xã Tam Thuấn đi đền Hát (xã Hát Môn) dài 4,3km trên là hoa muồng hoàng yến, dưới là hoa ngũ sắc, chiều tím…
Con đường bích họa dài nhất Thủ đô là một điểm nhấn cùng với những tuyến đường hoa, những không gian sống động đang tạo nên một nét mới về cảnh quan môi trường của Phúc Thọ.
Sắc màu con đường bích họa