Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Hạn chế đi lại, tiếp xúc trực tiếp
Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng vừa có văn bản đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ tập trung ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để phát huy tối đa lợi thế từ các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử do VPCP và các Bộ, cơ quan, địa phuơng triển khai thời gian qua.
Đề nghị của VPCP nhằm mục đích hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm, bảo đảm hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước và đáp ứng yêu cầu cấp thiết liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Theo đó, VPCP đề nghị các Bộ, cơ quan, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh để hạn chế việc đi lại, tiếp xúc trực tiếp.
Đẩy mạnh hệ thống thanh toán trực tuyến
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên nguồn lực, hoàn hành việc tích hợp, cung cấp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo kế hoạch năm 2020 của Bộ, ngành, địa phương trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thực hiện kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia để đẩy mạnh thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, nộp phạt xử lý vi phạm hành chính, đóng bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh.
Tại Bộ phận một cửa các cấp, căn cứ vào tình hình thực tiễn của Bộ, ngành, địa phương cần bố trí nhân sự hợp lý và các điều kiện cần thiết cho việc phòng, chống lây nhiễm dịch COVID-19 để phục vụ hiệu quả, thuận lợi đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện triệt để việc gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; bảo đảm hoàn thành việc gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp chính quyền trước ngày 30/6/2020 và chỉ tiêu xử lý hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng (80% đối với cấp bộ; 60% đối với cấp tỉnh và 30% đối với cấp huyện).
Ngoài ra, cần tổ chức họp, làm việc trực tuyến đối với các cuộc họp của Bộ, cơ quan, UBND cấp tỉnh theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước.
Các bộ, ngành cần tiếp tục phối hợp với VPCP để triển khai mở rộng phạm vi triển khai Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) tới điểm cầu của các Bộ, ngành.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng đề nghị thành viên Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ tuyên truyền tới các thành viên của tổ chức minh về Cổng Dịch vụ công quốc gia và khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký, sử dụng các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
226 dịch vụ công cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia
Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung tay vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương và người dân, cộng đồng doanh nghiệp, việc triển khai cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực.
Đến nay, sau gần 4 tháng đi vào hoạt động (từ ngày 9/12/2019) đã có 226 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đưoc cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; trên 103 nghìn tài khoản đăng ký; 4,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và 27,5 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh kết quả ban đầu này cho thấy sự đón nhận của người dân, doanh nghiệp với các dịch vụ công được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Đối với việc gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia, sau một năm hoạt động, đã có 1,6 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận giữa VPCP với các Bộ, ngành, địa phương giúp thay đổi phương thức làm việc, giảm thiểu văn bản giấy, tiết kiệm chi phí và thúc đẩy việc xử lý hồ sơ công việc trên môitrường mạng.
Gia Huy