Nông nghiệp hữu cơ: Xu thế toàn cầu và ở Việt Nam

Đăng bởi PGS.TS Đào Thế Anh, TS Lê Thành Ý

23/07/2020 16:00

Thủ tướng mới đây đã phê duyệt đề án Phát triển Nông nghiệp Hữu cơ giai đoạn 2020-2030, với các giải pháp chính sách nhằm mục tiêu 3% diện tích đất nông nghiệp trồng theo phương pháp hữu cơ vào năm 2030. Chính sách này phù hợp với xu hướng tăng nhanh về diện tích hữu cơ trong vài năm gần đây trên thế giới.

Nông nghiệp hữu cơ là một hình thức sản xuất lương thực thực phẩm không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu, chất điều tiết tăng trưởng cây trồng hoặc phụ gia kích thích trong thức ăn chăn nuôi. Canh tác nông nghiệp hữu cơ (NNHC) nhằm vào cải thiện và duy trì hệ sinh thái, cảnh quan, tránh khai thác gây ô nhiễm nguồn lực tự nhiên, giảm thiểu sử dụng năng lượng và các nguồn lực không thể tái sinh. Ngoài tạo ra nhiều lương thực thực phẩm không độc hại với chất lượng tốt, NNHC còn đảm bảo, duy trì lâu dài độ màu mỡ đất đai, củng cố các chu kỳ sinh học, đặc biệt là cải thiện dinh dưỡng trong nông trại; bảo vệ cây trồng trên cơ sở phòng ngừa thay cho cứu chữa, đa dạng hóa mùa vụ cây trồng và vật nuôi…Theo tổ chức nông nghiệp hữu cơ Thế giới (IFOAM) “…. trong sản xuất, chế biến hoặc phân phối tiêu dùng, NNHC đều nhằm vào duy trì sức khỏe của hệ sinh thái và các sinh vật kể từ những loài nhỏ nhất sống trong lòng đất cho đến con người”.

Khái niệm và định nghĩa

Nông nghiệp hữu cơ là vấn đề mới, loại hình canh tác này được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Số đông cho rằng, nông nghiệp hữu cơ là nền nông nghiệp không sử dụng hóa chất công nghiệp; các nguồn hữu cơ được tái sử dụng một cách triệt để. Với khái niệm này, trong quá trình phát triển, người sản xuất chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh bằng biện pháp sinh học.

Từ bản chất sản xuất nông nghiệp, bất kỳ phương thức nào cũng đều phải gắn với năng suất,chất lượng sản phẩm và tính bền vững môi trường. Nghiên cứu quá trình dinh dưỡng cây trồng, các nhà phân tích nhân thấy, dù sử dụng chất dinh dưỡng ở bất kỳ dạng nào, hữu cơ hay vô cơ, sản xuất nông nghiệp đều phải qua các quá trình chuyển hóa về dạng ion trước khi được cây trồng hấp phụ. Thêm nữa, chất lượng nông sản còn phụ thuộc vào liều lượng, chủng loại, tỉ lệ, phương pháp và thời kỳ chăm bón cho cây trồng.

Nông nghiệp hữu cơ được Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) xác định là một hệ thống thực hiện các quá trình nhằm bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tối ưu, nhân đạo với động vật và công bằng xã hội. Hệ thống này không sử dụng các loại hóa chất công nghiệp và chất sinh trưởng phi hữu cơ mà tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác. sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại và các vật tư theo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất.

Cho dù tiến hành dưới hình thức nào trong lĩnh vực từ canh tác đến chế biến, phân phối hay tiêu dùng, mục tiêu của NNHC đều nhằm vào duy trì sức khỏe của hệ sinh thái và sinh vật, bao gồm từ những loài có kích thước nhỏ nhất sống trong lòng đất cho đến con người. Như vậy, NNHC phải là một quá trình sinh thái, đa dạng sinh học phù hợp với sự phát triển tự nhiên, nhằm duy trì sức khỏe cho đất, hệ sinh thái và con người. Có thể coi NNHC là nền sản xuất nông nghiệp kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống với tiến bộ kỹ thuật cùng phương pháp quản lý hiện đại để đạt tiêu chuẩn nông nghiệp sạch đồng thời với đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, tính bền vững của môi trường và hệ sinh thái.

Với mục tiêu cần đạt, NNHC là một hệ thống sản xuất cho phép khai thác tối ưu tài nguyên đất, nước, khí hậu, năng lượng, chất dinh dưỡng và các quá trình sinh học trong tự nhiên nhằm tạo ra nhiều sản phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời với bảo vệ hệ thống sản xuất bền vững cả về môi trường tự nhiên và kinh tế xã hội. Với hàm nghĩa này, thuật ngữ NNHC không chỉ đề cập đến vấn đề cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, vật nuôi mà cần mở rộng, coi tính bền vững là hạt nhân cốt lõi.

Nhà thổ nhưỡng học Dmasnski từng chỉ ra “ Sự bền vững cần để lại cho thế hệ tương lai ít nhất là những cơ hội như chúng ta đang có’’.Theo ông, đây là quan điểm để đảm bảo tổng tài sản (gồm tài nguyên thiên nhiên, bản thân con người, tài sản con người tạo ra và tài sản xã hội) luôn được bảo toàn trong quá trình phát triển. Cụ thể hóa quan điểm này, Lampkin N.H. cho rằng “ Canh tác hữu cơ là phương thức tiếp cận nông nghiệp nhằm tạo lập hệ thống sản xuất tổng hợp, bền vững về môi trường, kinh tế và nhân văn;cho phép khai thác tối đa nguồn tài nguyên có thể tái tạo được cũng như quản lý các quá trình sinh thái cùng với tác động qua lại của chúng để đảm bảo năng suất cây trồng, vật nuôi và dinh dưỡng cho con người ở mức chấp nhận được đồng thời bảo vệ chúng khỏi sâu bệnh hại”

https://lh6.googleusercontent.com/u71Bvs1zRfqCUuBRIw8GNXstBdxkNUxSpdOmmLWqbN0ZFWl2XZyOIb76y4URvBMUq9OBWZ_JBm1FjZgnhG8hoPoxL7Sztz6TZfxGuJPDLjwOd9j1MTHeracEXDESFTpPKexrLE_wD7Qs4qXorA

Lịch sử hình thành và thực trạng phát triển

Nông nghiệp đã trải qua hàng nghìn năm phát triển không sử dụng hóa chất nhân tạo. Phân hóa học ra đời vào giữa thế kỷ 19 với giá rẻ, tác dụng mạnh và dễ vận chuyển nên đã phát triển nhanh. Những tiến bộ tương tự cũng đã diễn ra với hóa chất phòng trừ sâu bệnh vào thập niên 1940. Kỹ thuật nông nghiệp mới mang lại lợi ích trong thời gian ngắn, nhưng cũng để lại những hệ lụy nghiêm trọng lâu dài như nén chặt, xói mòn làm suy giảm độ phì nhiêu của đất, cùng với lo ngại liên quan đến hóa chất độc hại trong thực phẩm tiêu dùng. Vào cuối thế kỷ XIX và đầu những năm 1900, các nhà khoa học bắt đầu tìm cách khắc phục tác dụng phụ bằng phương pháp canh tác hữu cơ

Năm 1921, Albert Howard, người đi tiên phong sáng lâp phong trào hữu cơ, đã thành lập Viện Công nghiệp thực vật để cải thiện phương pháp canh tác truyền thống ở Ấn Độ. Bằng kết hợp phương pháp canh tác truyền thống với luân canh cây trồng, kỹ thuật chống xói mòn và sử dụng có hệ thống phân trộn và phân chuồng, ông đã thu nhận được những kết quả tốt. Với những kinh nghiệm đúc kết được, khi trở về Anh đầu những năm 1930, Albert Howard bắt đầu xây dựng hệ thống nông nghiệp hữu cơ.

Tháng 7 năm 1939, Ehrenfried Pfeiffer, người đưa ra tiêu chuẩn về nông nghiệp sinh học (Bio-Dynamic Farming and Gardening), đã đến nước Anh với tư cách là người dẫn chương trình tại Trường học mùa hè Betteshanger và Hội nghị về nông nghiệp Biodynamic tại trang trại của Northbourne ở Kent, nhằm tập hợp những đề xuất hợp tác trong phong trào nông nghiệp hữu cơ. Tại đây, Howard đã gặp gỡ Pfeiffer và một năm sau, Northbourne đã đưa ra tuyên ngôn canh tác hữu cơ trong cuốn sách “Hãy nhìn về đất”. Như vậy là, Hội nghị Betteshanger đã mở ra "mối liên kết còn thiếu" giữa nông nghiệp và các hình thức canh tác hữu cơ (Wikipedia 2020)

Trong Thánh kinh về nông nghiệp được xuất bản vào năm 1940, Howard đã sử dụng thuật ngữ "nông nghiệp hữu cơ". Công việc này được lan truyền rộng rãi và ông đã được biết đến như là "cha đẻ của canh tác hữu cơ”. Cũng trong thời gian này, tại Hoa Kỳ, Jerome Irving Rodale, thành lập trang trại hữu cơ thử nghiệm, cùng với Viện nghiên cứu Rodale và toà soạn Rodale Press ông đã hướng vào phổ biến và thúc đẩy mạnh NNHC.

Cùng với nông nghiệp hữu cơ, vào đầu thập niên 1970, thuật ngữ "nông nghiệp sinh thái" được Charles Walters đưa ra để mô tả nền nông nghiệp không dùng "các phân tử hóa học phóng thích chất độc hại", một tên gọi khác của nông nghiệp hữu cơ.

Việc nâng cao nhận thức về môi trường trong thời hiện đại đã góp phần quan trọng vào chuyển đổi phong trào hữu cơ từ hướng cung sang theo nhu cầu. Với giá cao và những ưu đãi của các chính phủ, NNHC dần thu hút được sự quan tâm rộng rãi của nông dân. Nhiều nhà sản xuất nông nghiệp ở các nước đang phát triển bắt đầu chuyển sang phương pháp hữu cơ hiện đại vì lý do kinh tế. Theo đó, NNHC còn được dùng để chỉ một trang trại hoặc được xem xét như một sinh vật sống, được hình thành như một hệ thống tự nhiên toàn vẹn, độc lập và phụ thuộc vào tính chất của sinh vật"

Từ những quan điểm nêu ra, Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) cho rằng"Nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống sản xuất để duy trì sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người. NNHC dựa trên quá trình sinh thái, đa dạng sinh học và chu trình thích nghi với điều kiện địa phương, chứ không chỉ là việc không sử dụng các yếu tố đầu vào có tác dụng phụ. NNHC kết hợp truyền thống, đổi mới và khoa học có lợi cho môi trường chung và thúc đẩy các mối quan hệ công bằng và cuộc sống chất lượng cho tất cả đối tác tham gia... "(IFOAM 2019)|

Thông thường, một hệ thống sản xuất hữu cơ được hình thành phải đáp ứng được yêu cầu đa dạng của toàn hệ thống; tăng hoạt tính sinh học, duy trì độ màu mỡ lâu dài của đất; tái chế chất thải động thực vật; giảm thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo; thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên đất, nước, không khí và giảm thiểu các dạng ô nhiễm phát sinh.

Có thể nói, triết lý NNHC nhằm vào bảo vệ môi trường tự nhiên và mối quan tâm đối với các hệ động, thực vật để duy trì sức khỏe của đất đai, hệ sinh thái và con người. Để trở thành người sản xuất hữu cơ, nông dân không coi côn trùng như sâu bệnh và cây mọc tự nhiên như loài cỏ dại. NNHC không nhằm mục đích diệt trừ tất cả các loài sâu bệnh và cỏ dại mà giữ chúng ở mức chấp nhận được để tận dụng tối đa lợi thế có thể mang lại.

Trong một nông trại hữu cơ, nhà sản xuất sử dụng đồng thời nhiều phương pháp nhằm mang lại lợi ích tối đa. Thông thường NNHC được định hướng theo 4 nguyên tắc cơ bản đó là: Duy trì sự bền vững và coi tăng cường sức khỏe của đất, hệ động thực vật, con người và hành tinh như một thể thống nhất, không thể tách rời; Dựa vào sức sống và chu kỳ của hệ sinh thái; đảm bảo hoạt động, mô phỏng hoặc giúp cho việc cải thiện những hệ sinh thái này; Xây dựng mối quan hệ đảm bảo công bằng và quan tâm đến môi trường, điều kiện và cơ hội sống phù hợp cho toàn bộ hệ thống kể cả cây trồng và vật nuôi. NNHC cần được quản lý thận trọng và có trách nhiệm nhằm bảo vệ sức khỏe, an sinh và môi trường của các thế hệ hiện tại và trong tương lai.

Thực trạng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên thế giới và ở Viêt Nam

Từ vai trò quan trọng trong giải quyết những khó khăn và thách thức của sản xuất và tiêu thụ lương thực thực phẩm; những năm cuối thiên niên kỷ thứ 2, các nhà quản lý đã quan tâm đến lối sống, thực phẩm, cách làm nông nghiêp và quan hệ con người với trái đất thông qua NNHC. Bằng cách hệ thống hóa chứng nhận hữu cơ, quy định của chính phủ và sự phát triển của thị trường, cuối thế kỷ XX, những người đi tiên phong đã mở ra hướng tăng trưởng, phát triển và tiếp thị về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Tình hình sản xuất và  thương mại hóa nông sản hữu cơ trên thế giới

Đất nông nghiệp hữu cơ toàn cầu bao gồm cả các khu vực chuyển đổi không ngừng phát triển.  Xu hướng tăng trưởng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong thập niên 2010-2020 được thể hiện trong bảng 1.

Đến năm 2018, toàn thế giới có 71,5 triệu ha đất  nông nghiệp hữu cơ, chiếm 1,5% tổng  diện  tích đất nông nghiệp. Trong đó, Châu  Đại Dương là nơi có  nhiều đất nông nghiệp hữu cơ nhất với 36 triệu ha, tiếp theo là Châu Âu 15,6 triệu ha, Châu Mỹ Latinh 8 triệu ha, Châu Á 6,5 triệu ha, Bắc Mỹ 3,3 triệu ha và Châu Phi 2,0 triệu ha. Thời gian đây, châu Âu được coi là khu vực không ngừng gia tăng diện tích đất canh tác nông nghiệp hữu cơ. Phân bổ đất canh tác hữu cơ toàn cầu năm 2018 được thể hiện trong bảng Bảng2   Phân bổ diện tích đất nông nghiệp hữu cơ thế giới

Trong tổng diện tĩch đất nông nghiệp hữu cơ toàn cầu hiện có, châu Đại Dương chiếm 50%, đạt tỷ lệ cao nhất khoảng 8,6% so với tổng diện tích đất nông nghiệp, tiếp đó là Liên minh Châu Âu  7,7%...So với năm 1999, khi thế giới có11 triệu ha đất hữu cơ, vào năm  2018 diện tích đất này tăng gấp trên 6 lần. Tại một số quốc gia, những năm 2017, 2018 đã có sự gia tăng đáng kể (Pháp 16,7%. Uruguay 14,1%, Argentina 7,2%....). Theo kết quả khảo sát toàn cầu của FiBL,có 98 nước gia tăng diện tích nông nghiệp hữu cơ  41nước không thay đổi hoặc không nhận được dữ liệu mới (FiBL & IFOAM,  2020).

Phân tích tình hình sản xuất NNHC cho thấy, với sự gia tăng mạnh mẽ đất NNHC, Australia đã trở thành nước có diện tích đất NNHC lớn nhất thế giới. Ở đất nước này, 97% diện tích đất nông nghiệp là những khu vực chăn nuôi lớn. Ngoài ra, trên thế giới còn có nhiều nơi cho sản phẩm hữu cơ khác, bao gồm cả các khu sản phẩm hữu cơ thu hái tự nhiên với diên tích năm 2016 lên tới 40 triệu ha. Diện tích đất canh tác hữu cơ toàn thế giới và 10 nước lớn năm 2016 được thể hiện trong bảng số 4

Theo IFOAM, vào năm 2018, toàn thế giới có trên 71,5 triệu ha đất NNHC, chiếm 1,5% tổng diện tích đất nông nghiệp. Xu thế biến động đất canh tác hữu cơ toàn cầu trong giai đoạn từ năm 1999 đến 2018 được thể hiệu trong bảng số 5

Bảng 5. Xu thế tăng trưởng diện tích và tỷ trọng canh tác hữu cơ thế giới từ năm 1999 đến 2018

Đơn vị triệu ha,%

Năm

Tiêu chí

1999

2005

2010

2015

2016

2018

Diện tích 103ha

11

29,2

35,7

50,3

57,8

71,5

Tỷ lệ    %r

0,3

0,6

0,8

1,1

1,2

1,5

Nguồn  FiBL & IFOAM  (2020)

Nghiên cứu thị trường nông sản hữu cơ toàn cầu, các nhà phân tích nhận thấy,doanh số bán thực phẩm hữu cơ tăng trưởng với tốc độ lành mạnh. Phần lớn trong doanh số thực phẩm hữu cơ toàn cầu tăng tập trung ở Bắc Mỹ và Châu Âu. Trong xu thế mở rộng thị trường tiêu thụ, năm 2018, EU đã nhập khẩu 3,3 triệu tấn nông sản phẩm thực phẩm hữu cơ. Trong đó, trái cây nhiệt đới, các loại hạt và gia vị đại diện chiếm tới 24,4% tổng lượng nhập khẩu, tiếp theo là bánh dầu, ngũ cốc không phải lúa mì, gạo và lúa mì. Trung Quốc được cho là nhà cung cấp thực phẩm nông sản hữu cơ lớn nhất.

Toàn thế giới có 2,8 triệu nhà sản xuất nông sản hữu cơ. Trong số này,86% từ các quốc gia thuộc OECD, chiếm gần một phần tư đất nông nghiệp hữu cơ thế giới (17,3 triệu ha). Gần một nửa diện tích đất nông nghiệp của các quốc gia trong danh sách nằm ở các nước Mỹ Latinh (gần 8 triệu ha), với Châu Á (6,5 triệu) và Châu Phi (2,0 triệu). Các quốc gia có sản phẩm nông nghiệp hữu cơ lớn là Argentina, Trung Quốc, Uruguay, Ấn Độ và Brazil,…Nước có nhiều nhà sản xuất hữu cơ là Ấn Độ, tiếp theo là Uganda và Ethiopia.

Trong khuôn khổ khảo sát của FiBL về nông nghiệp hữu cơ. Tổng doanh số bán lẻ vào năm 2018 lên tới gần 97 tỷ euro. Quốc gia có thị trường thực phẩm hữu cơ lớn nhất là Hoa Kỳ (40,6 tỷ euro), tiếp theo là Đức (10,9 tỷ euro), Pháp (9,1 tỷ euro) ) và Trung Quốc (8,1 tỷ euro). Thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ, tiếp theo là Liên minh châu Âu (37,4 tỷ euro) và Trung Quốc. Phân theo khu vực, Bắc Mỹ dẫn đầu (43,7 tỷ euro), tiếp theo là châu Âu (40,7 tỷ euro).

Tăng trưởng thị trường đã được ghi nhận ở tất cả các quốc gia, Pháp là nước có mức tăng trưởng lớn nhất 15,4 %; mức tiêu thụ bình quân đầu người cao nhất ở Bắc Mỹ (120 euro). Năm 2018, Thụy Sĩ và Đan Mạch đạt mức tiêu thụ bình quân đầu người cao nhất thế giới (312 euro), tiếp theo là Thụy Điển (231 euro) và Luxembourg (221 euro). Nhìn vào  giá trị cổ phiếu có thể thấy,tỷ trọng thị trường hữu cơ trong tổng thị trường có chiều hướng gia tăng, đứng đầu là Đan Mạch (11,5%), tiếp theo là Thụy Sĩ (9,9%), Thụy Điển (9,6%), Áo (8,9%) và Luxembourg (8,0%)… đều là những nước ở châu Âu (FiBL & IFOAM, 2020).

Thưc trạng nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam

Cũng như nhiều nước trên thế giới, nông dân nước ta đã hiểu canh tác hữu cơ theo phương thức canh tác truyền thống từ hàng nghìn năm trước, còn theo khái niệm đầy đủ của IFOAM thì chỉ mới bắt đầu vào cuối thập niên 1990, thông qua việc làm tập trung chủ yếu vào khai thác các mặt hàng như gia vị, tinh dầu thực vật và một số sản phẩm tự nhiên,

Thống kê ghi nhận được trong năm 2018 cho thấy, vào năm 2016, trên địa bàn cả nước có 53.358 ha sản xuất NNHC được chứng nhận, chiếm khoảng 0,5% diện tích đất canh tác. Ngoài ra còn có 58.199 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản hữu và 7.208 ha rừng nguyên sinh có thể khai thác sản phẩm hữu cơ tự nhiên. Xu thế phát triển NNHC Việt Nam giai đoạn từ 2010 đến 2015 được thể hiện trong bảng 6

Bảng 6 Xu thế phát triển NNHC Việt Nam giai đoạn 2010-2015

Đơn vị 1.000ha, %, triệu euro

Năm

Danh mục

2010

2011

2012

2013

2014

2015

Dất NNHC(1.000ha)

19,27

23,4

36,28

37,49

43,01

76,67

Tỉ trọng đất NNHC %)

0,2

0,23

0,35

0,4

0,4

0.7

Thu hái tự nhiên1000ha

2,57

1,3

1,3

1,3

2,2

2,2

Nuôi thủy sản (1000ha)

11,65

7,0

19,5

35,6

20,03

14,67

Xuất khẩu(triệu Euro)

-

-

204

195

551

817

Nguồn kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ (FiBL, 2017)

Phân tích tình hình Nông sản hữu cơ Việt Nam năm 2017 cho thấy, nhờ chính sách hỗ trợ tiêu dùng của Chính phủ, thị trường có sự gia tăng ổn định. Tuy nhiên, do còn nhiều vi phạm trong sản xuất và chế biến khiến người tiêu dùng thiếu niềm tin, trong khi môi trường pháp lý và chính sách chưa được quan tâm đúng mức. Nông nghiệp hữu cơ Việt nam phát triển chủ yếu nhờ vào phong trào của Hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia (PGS) từ năm 2008. Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt nam (VOOA) ra đời năm 2012, đã góp phần thúc đẩy xu hướng sản xuất hữu cơ tại Việt nam. Phong trào sản xuất hữu cơ thực sự được khởi nguồn từ dưới lên dựa trên nhu cầu của thị trường và xã hội.

Gần đây, nhận thấy tầm quan trọng của Nông nghiệp hữu cơ trong cơ cấu nông nghiệp nói chung, Chính phủ đã có nhiều chính sách thúc đẩy Nông nghiệp hữu cơ tại Việt nam nhằm bắt kịp xu hướng của thế giới. Tiêu chuẩn Quốc gia về NNHC TCVN 11041 được ban hành vào cuối năm 2017, tiếp theo là Nghị định 109/2018 về phát triển Nông nghiệp hữu cơ. Động thái thay đổi trong các Nghị định và hệ thống chứng nhận hữu cơ đã mở ra hướng phát triển mới chủ động cho doanh nghiệp và người sản xuất NNHC. Theo thống kê của nghiên cứu NNHC thế giới của FiBL năm 2018, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đã lên tới 237 693 ha, chiếm 2,2% diện tích đất nông nghiệp (FiBL & IFOAM, 2020). Năm 2020, Thủ tướng đã phê duyệt đề án Phát triển Nông nghiệp Hữu cơ giai đoạn 2020-2030, với các giải pháp chính sách nhằm mục tiêu 3% diện tích đất nông nghiệp trồng theo phương pháp hữu cơ vào năm 2030.

Khó khăn thách thức và vấn đề đặt ra đối với sản xuất NNHC

Lợi thế thị trường và sự hỗ trợ của các Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong duy trì và phát triển rộng rãi sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất này hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

So với nông nghiệp thông thường, sản xuất hữu cơ cho sản lượng thấp trong khi tổng chi phí sản xuất lại gia tăng cao. Yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời thấp là trở ngại lớn đặt ra. Thông thường các trang trai truyền thống sử dụng nhiều phân vô cơ, hóa chất và thuốc trừ sâu, còn các trang trại hữu cơ lại sử dụng kỹ thuật và canh tác hữu cơ và tăng vụ thường xuyên hơn. Với chi phí cố định trên một đơn vị sản xuất cao nhưng năng suất đạt được của canh tác hữu cơ thấp, khiến người sản xuất thiếu động lực chuyển đổi. So sánh năng suất của NNHC với canh tác truyền thống không phải là một việc giản đơn; tổng hợp trên 62 điểm nghiên cứu và 316 so sánh năng suất hữu cơ của 34 loài cây trồng khác nhau, Seufert và cộng sự đã rút ra, năng suất cây trồng hữu cơ thấp hơn 25% so với năng suất canh tác thông thường. Một công trình khác của Ponisio trên cơ sở phân tích tổng hợp 115 nghiên cứu cũng cho thấy, năng suất canh tác hữu cơ thấp hơn so với thông thường tới 19,2% (Cục Thông tin Khoa học& Công nghệ Quốc gia, 2018).

Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho rằng, nông nghiệp hữu cơ với giá nông sản cao, tạo thu nhập tốt hơn cho người nông dân, Tuy nhiên, tổ chức này cũng nhấn mạnh, bằng canh tác hữu cơ người ta không thể nuôi sống nhân loại hiện nay, thậm chí khó đáp ứng được nhu cầu khi dân số thế giới lớn hơn trong tương lai. Các dữ liệu và mô hình cho thấy canh tác hữu cơ là chưa đủ, phân bón hóa học là cần thiết để tránh đói (FAO, 2007).

Do phải đối mặt với nhiều thách thức, vấn đề đặt ra đối với các nhà hoạch định chính sách, người sản xuất kinh doanh và cộng đồng khoa học là làm thế nào để vượt qua được những thách thức này.Từ những trao đổi trên nhiều diễn đàn thì, thách thức đối với nông nghiệp và thực phẩm hữu cơ có thể tập trung vào những vấn đề bao gồm: Tăng trưởng thấp trong sản xuất; tiềm năng chưa đủ để đảm bảo an ninh lương thực; khả năng cạnh tranh thấp so với những sáng kiến bền vững khác; tính minh bạch, an toàn của chuỗi giá trị và sau cùng là nhận thức của người tiêu dùng.

Nhìn lại 15 năm đầu của Thiên niên kỷ thứ 3 (từ năm 1999 đến 2014), các nhà phân tích nhận thấy nguồn cung sản phẩm hữu cơ chưa đáp ứng được nhu cầu của ngươi tiêu dùng, đặc biệt là ở những nền kinh tế phát triển.  Chênh lệch giữa nhu cầu thị trường và khả năng sản xuất toàn cầu và một số nước được thể hiện trong bảng số 7.

Bảng 7  Mức chênh lệch giữa thị trường và tăng trưởng diện tích sản xuất hữu cơ 1999-2014

Đơn vị%

Khu vực,nước

Tăng trưởng thị trường

Tăng trưởng diện tích

Chênh lêcch TT/DT

Toàn thế giới

374

292

128,1

Áo (2002-2013)

223

24

929,2

Thụy Sỹ

237

62

382,3

CHLB Đúc

434

141

307,8

Cộng hòa Pháp

383

254

150,8

Nguồn G. Rahman (2017) Organic Agriculture 3.0 is Innovation with Research

Phân tích chênh lệch giữa nhu cầu và khả năng sản xuất, các nhà nghiên cứu nhận thấy, có sự thiếu hụt lớn do các khoản trợ giúp của các chính phủ đối với nông dân không đủ bù đắp chi phí gia tăng, chưa tương xứng với thiệt hại môi trường canh tác hữu cơ có thể làm lợi và điều quan trọng là, nông dân coi việc thực hiện tiêu chuẩn hữu cơ là gánh nặng hạn chế quyền tự do kinh doanh.

So sánh năng suất giữa sản xuất hữu cơ và thông thường, các nhà phân tích đã rút ra, khi canh tác tốt nhất, năng suất hữu cơ vẫn thấp hơn từ 20 đến 25%. Thiếu hiệu quả ở khâu hạ nguồn của sản xuất hữu cơ còn do tổn thất của công đoạn lưu trữ, vận chuyển, bán hàng và tiêu thụ. Ngoài ra, còn do sử dụng thực vật hữu cơ vào sản xuất nhiên liệu hoặc làm thức ăn gia súc.

Tính bền vững về sinh thái, xã hội và kinh tế đã được đưa vào nguyên tắc của sản xuất NNHC; song các biện pháp giám sát chủ yếu mới giới hạn ở các quy định đầu vào và kỹ thuật nuôi trồng, các tiêu chuẩn đo lường về sức khỏe động vật và những quy định về điều kiện xã hội cho nông dân chưa được thiết lập cụ thể và rộng rãi.

Điều kiện tiên quyết để tăng trưởng NNHC là niềm tin của người tiêu dùng đặt vào hệ thống kiểm tra đảm bảo chất lượng. Các phương pháp phân tích độc hại và kiểm soát được thực hiện với sự gia tăng lớn về chi phí của các tổ chức cấp chứng nhận đang là gánh nặng đối với nhà sản xuất NNHC. Khoảng cách ngày một gia tăng giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng dẫn đến những kỳ vọng không phù hợp với thực tế, dẫn đến nhiều phản ứng ngoài phạm vi quy định, đòi hỏi hoạt động truyền thông đến người tiêu dùng phải rõ ràng, minh bạch; cần đưa ra được những vấn đề nghiêm túc cả về phía sản xuất lẫn tiêu dùng nhằm tạo sự hiểu biết thực chất về NNHC. Từ những vấn đề đặt ra, phương tiện truyền thông xã hội và thông tin cần hướng vào mở ra những cơ hội, ngoài việc tiếp cận trực tiếp với người nông dân.

Triển vọng và giải pháp cần được quan tâm trong phát triển Nông nghiệp hữu cơ

Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi ngành nông nghiệp phải giảm thiểu tác động tiêu cực, sản xuất với năng suất bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển nông thôn và hỗ trợ sinh kế cho đông đảo nông dân. Để đạt được mục tiêu mong muốn, phát triển NNHC cần dựa trên sự sáng tạo của nông dân cùng với đề xuất của các nhà khoa học và quản lý, nhằm cải thiện truyền thông và tổ chức hợp tác giữa nông dân với nông dân cũng như giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.

Từ lịch sử hình thành có thể nhận thấy, NNHC xuất hiện vào đầu thế kỷ XX và đã trải qua các giai đoạn hình thành ý tưởng, tầm nhìn (Giai đoạn hữu cơ 1.0) của những người đi tiên phong. Giai đoạn 2.0 khởi đầu vào những năm 1970, là thời kỳ tăng trưởng và tiếp thị sản phẩm hữu cơ. Từ giữa thập niên 2010-2020, nông nghiệp hữu cơ đã tập trung vào giải quyết những thách thức tương lai để triển khai mở rộng trên phạm vi toàn cầu.

Chiến lược phát triển hệ thống chứng nhận hữu cơ được các Chính phủ hỗ trợ đã thúc đẩy tăng trưởng liên tục nông sản hữu cơ với hàng triệu nhà sản xuất. NNHC có tác động tích cực đối với sức khỏe người tiêu dùng, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện phúc lợi của người sản xuất. NNHC không chỉ khai thác thị trường ngắn hạn mà còn bảo đảm tăng trưởng ngay trong khủng hoảng ở một số quốc gia (NASATI, 2018).

Mặc dù có những thành công ấn tượng, song đến nay, tỉ trọng đất canh tác hữu cơ toàn cầu mới chỉ dao động trên 1% diện tích đất nông nghiệp.NNHC đang tìm cách thay đổi những chính sách để vận dụng thông qua việc định vị nó như một hệ thống hiện đại, sáng tạo và tiên đoán được kết quả tác động của việc nuôi trồng. Mục tiêu tổng thể của NNHC nhằm vào tạo ra một hệ thống và thị trường nông nghiệp thực sự bền vững dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch, hợp tác bao trùm với hệ thống kế toán chi phí thực. Hệ thống này dựa trên kết quả động và liên tục thích nghi với bối cảnh thực hiện.

Là mô hình sử dụng đất tăng được quyền lực thích ứng cho nền kinh tế nông thôn, NNHC có thể thu hút được sự tham gia của đông đảo công chúng,hướng vào cải thiện sinh kế, tạo việc làm và ngăn chặn được tình trạng di dân tự do đến các thành phố. Thông qua đối thoại, NNHC có khả năng tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất. Qua đó, có thể sử dụng tốt nhất các nguồn lực tự nhiên và xã hội. Phát triển theo mô hình này sẽ đáp ứng được tiêu chí đặt ra nhằm khắc phục những khó khăn,thách thức tương lai. Đây cũng sẽ là mô hình chiến lược nhằm tăng cường mạnh mẽ sản xuất nông sản hàng hóa ở khu vực nông thôn thay vì canh tác mang tính tự cung, tự cấp truyền thống..

Các nhà phân tích đã rút ra khả năng cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của các hệ thống nông nghiệp. Theo đó, những chính sách và động lực thị trường cổ súy các hoạt động nông nghiệp thiếu bền vững thường hướng vào khuyến khích sản xuất mặt hàng đơn lẻ với số lượng lớn, bán với giá thấp; xu hướng này đã phản ánh méo mó chi phí môi trường và xã hội. Nếu tính gộp các khoản theo kế toán chi phí thực (True Cost Accounting-TCA-) chi phí sản xuất thông thường sẽ cao và sản xuất hữu cơ sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn. Giải pháp TCA tính cho các bên có liên quan có thể chuyển hướng tới sự phát triển bền vững cao hơn trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm thông qua tăng cường chức năng của hệ sinh thái, mô hình NNHC có khả năng xóa nhòa khoảng cách năng suất đồng thời với nâng cao khả năng phục hồi và ổn định của trang trại, tăng cường tính đa dạng của hệ thống trên các cánh đồng. Tăng cường chức năng sinh thái sẽ làm gia tăng sự sẵn có của thực phẩm nhờ ổn định nguồn cung và việc sử dụng tài nguyên không tái tạo sẽ trở nên lỗi thời.

Canh tác hữu cơ giúp giảm thiểu những đánh đổi tiêu cực giữa năng suất và tính bền vững để hình thành chuẩn mực cho việc sử dụng khoa học có trách nhiệm và cẩn trọng trong sản xuất lương thực thực phẩm và người sản xuất NNHC sẽ trở thành những nhà quản lý hệ sinh thái nông nghiệp, đồng nghiên cứu và sử dụng tối ưu tài nguyên.

Sản xuất lương thực thực phẩm lành mạnh, đảm bảo công bằng và thịnh vượng chung đòi hỏi nông dân hữu cơ, cơ sở chế biến và các nhà phân phối phải cùng hướng tới chuyển đổi sang mô hình tiêu dùng có ý thức và phục hưng thực phẩm truyền thống đích thực. Như vậy là, các thành viên của phong trào hữu cơ sẽ phảỉ cùng sáng tạo thiết kế và xây dựng các mô hình hợp tác từ sản xuất đến chế biến, vận chuyển và phân phối thực phẩm an toàn, tạo thuận lợi để dễ dàng truy xuất nguồn gốc.

Là quốc gia có đất đai canh tác thuộc loại thấp nhất trên thế giới với mức bình quân đầu người giảm sút nhanh từ 0,13ha (năm 1980) xuống còn 0,1ha , chỉ bằng 8,7% mức trung bình toàn cầu, sản xuất nông nghiệp ở nước ta cần đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững theo hướng thâm canh, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên kết hợp cùng những tiến bộ công nghệ và vật tư từ trong sản xuất. Theo đó, cần tập trung bảo vệ và cải thiện độ phì nhiêu, đảm bảo ổn định hàm lượng hữu cơ, giữ chất dinh dưỡng đủ về lượng và cân đối về tỷ lệ trong đất canh tác; thực hiện chế độ luân canh hợp lý với cây họ đậu nhằm khai thác khả năng cộng sinh đạm sinh học; phát huy lợi thế của điều kiện thời tiết, khí hậu; tăng cường hơn nữa các chu trình hữu cơ với việc sử dụng công nghệ sinh học nhằm khai thác tối đa nguồn chất hữu cơ từ động, thực vật và phụ phẩm nông nghiệp để cải thiện cấu trúc của đất.

Muốn gia tăng lượng thực phẩm chất lượng cao phải tăng cường phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản sinh thái, tạo tiền đề cho phát triển ổn định thông qua sử dụng sản phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi, khuyến khích mở rộng các mô hình kết hợp trồng trọt-chăn nuôi-thủy sản bền vững.

Điều cần để đảm bảo NNHC phát triển là việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn; quy trình sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng và đảm bảo hoạt động thanh tra, giám sát có liên quan. Phần lớn các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đều được sản xuất ở các vùng đất đai rộng lớn nhưng hạ tầng kém phát triển. Từ đây, Nhà nước cần có chính sách đầu tư hỗ trợ nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng chế biến, bảo quản và giao thông.

Trước mắt, cần tập trung váo triển khai thúc đẩy các hoạt động chính đó là: Điều tra cơ bản về thực trạng sản xuất NNHC. Theo đó, cần phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, có căn cứ khoa học về thực tiễn tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức để có cơ sở xây dựng chiến lược phát triển đủ tin cậy từ quan điểm đến phương hướng, mục tiêu, lộ trình và giải pháp phát triển NNHC; Thúc đẩy hệ thống chứng nhận hữu cơ: thừa nhận PGS là một phương thức chứng nhận hữu cơ theo nhóm, phục vụ thị trường trong nước vì đây là hệ thống chứng nhận có chi phí thấp nhưng lại có hiệu quả giám sát cao, tạo được lòng tin cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó thúc đẩy hệ thống chứng nhận bên thứ ba được hệ thống chứng nhận quốc tế thừa nhận để có thể xuất khẩu; Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về giống sản xuất hữu cơ, phân bón sản xuất hữu cơ, các phương pháp phòng trừ sâu bệnh…

Thay cho lời kết

Nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống sản xuất nhằm duy trì sức khỏe đất đai, hệ sinh thái và con người dựa trên quá trình sinh thái, đa dạng sinh học và thích nghi với điều kiện địa phương. NNHC không phải chỉ là việc sử dụng các yếu tố đầu vào không có tác dụng phụ mà là kết hợp với nông nghiệp truyền thống để đổi mới và tận dụng lợi thế môi trường nhằm thúc đẩy các mối quan hệ công bằng, tạo cuộc sống chất lượng cho mọi đối tác tham gia.Với cách tiếp cận đầu vào thấp, chiến lược NNHC sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro, giúp sản xuất nhiều hơn thực phẩm có chất lượng cao đồng thời với giảm thiểu tác động môi trường.

Trong quá trình phát triển, nông nghiệp nước ta đã chuyển từ nền sản xuất khai thác tài nguyên, đựa vào đất đai và sinh vật hữu cơ sang thâm canh sử dụng nhiều phân hóa học và thuốc trừ sâu. Trong xu thế hội nhập toàn cầu, sản xuất nông nghiệp nước ta đã xuất hiện cơ hội mới cho phát triển sản phẩm hữu cơ. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song với quyết tâm của Chính phủ, tinh thần vươn lên của các nhà sản xuất, sự đóng góp của các nhà khoa học và cộng đồng quốc tế về công nghệ và tiếp cận thị trường, giúp chúng ta hy vọng Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam sẽ vững bước đi lên./.

Tài liệu tham khảo

  1. FAO (2007) Organic agriculture can contribute to fighting hunger - But chemical fertilizers needed to feed the world, FAO, ngày 10 tháng 12 năm 2007, Rome.
  2. IFOAM (2019) “The World of Organic Agriculture 2019”. https://www.ifoam- eu.org/en/new/2019/03/27/
  3. FiBL & IFOAM  (2020) The World of Organic Agriculture. Statistics & Emerging trend 2020. September 21st to 27st 2020
  4. Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (2018) Nông nghiệp hữu cơ Hà Nội tháng 3.
  5. Nguyễn Tử Siêm và Nguyễn Đình Tuấn. 2018.Hiện trạng và xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt nam. Kỷ yếu Hội nghị khoa học Đất phân bón và Nông nghiệp hữu cơ của Hội Khoa học đất, 11/2018. TP HCM.

 

PGS.TS Đào Thế Anh, TS Lê Thành Ý
Nguồn Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết "Nông nghiệp hữu cơ: Xu thế toàn cầu và ở Việt Nam" tại chuyên mục KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ.

Đọc các tin bài có liên quan tại trang https://nongthonvaphattrien.vn/