Đoàn chủ tịch - Uỷ ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam, hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa có thông báo kết quả xét Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019.
Theo đó, sau khi nghiên cứu các hồ sơ được để cử trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019, ngày 12/2, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam đã tổ chức cuộc họp xét chọn Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019 dưới sự chủ trì của GS.TS. Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Giải thường Kovalevskaia Việt Nam, Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam.
Căn cứ kết luận cuộc họp, Đoàn Chủ tịch - Uỷ ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam thông báo kết quả lựa chọn hồ sơ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019.
Giải tập thể thuộc về tập thể khoa học nữ phòng Thí nghiệm Cúm, khoa Virus, viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, bộ Y tế.
Được biết, định hướng nghiên cứu và đào tạo chính của phòng Thí nghiệm (PTN) cúm – viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương là giảm gánh nặng bệnh tật của dịch bệnh cúm mùa và giảm nguy cơ, ảnh hưởng của đại dịch cúm nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới.
Tìm hiểu về đặc điểm virus cúm, vật chủ (người, động vật) và các yếu tố môi trường tác động đến sự tiến hoá và sự nổi trội nguy hiểm của virus cúm, đặc biệt là khả năng lây truyền của virus cúm A từ động vật sang nguời.
Phát triển và hoàn thiện các phương pháp giám sát, phát hiện nhanh các tác nhân virus gây nhiễm trùng nổi trội: cúm mùa, cúm gia cầm với khả năng tiềm tàng lây nhiễm cho người hoặc gây đại dịch, từ đó cho phép đánh giá nguy cơ và xây dựng các biện pháp ứng phó. Thúc đẩy, ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại: Giải trình tự gene thế hệ mới (NGS), mô hình hoá (modelling) để giám sát phát hiện các virus mới, dự đoán động lực lây truyền, phát triển các phương pháp chẩn đoán mới…
Từ những năm 2003, khi dịch SARS xảy ra và Việt Nam là nước đầu tiên thông báo với Tổ chức Y tế thế giới về căn bệnh mới với triệu chứng viêm phổi không điển hình, tiến triển nhanh và lây truyền mạnh với tỷ lệ tử vong cao.
Tại thời điểm đó, nhóm nghiên cứu của PTN Hô hấp, đứng đầu là PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai (hiện là Phó Viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) trực tiếp tham gia điều tra, thu thập mẫu, tiến hành chẩn đoán, các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nguy hiểm đầu tiên điều trị tại bệnh viện Việt-Pháp (3/2003). Cùng với các đồng nghiệp quốc tế, virus SARS-CoV – một tác nhân hoàn toàn mới đã được định danh vào tháng 4/2003.
Các khái niệm và thực hành về an toàn sinh học lần đầu tiên được cập nhật tại Việt Nam, PTN được giao trách nhiệm phát triển các quy trình đánh giá nguy cơ và quy trình thực hành ATSH trong PTN ở các mức độ khác nhau. Những quy trình kỹ thuật này đã được bộ Y tế phê duyệt và phổ biến trong toàn bộ hệ thống PTN trên phạm vi toàn quốc vào đầu năm 2005.
Ngoài ra, giải thưởng lần này sẽ được trao cho một cá nhân, đó là PGS.TS. Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, trường đại học Nông Lâm, đại học Thái Nguyên.
Các nghiên cứu của PGS.TS Trần Thị Thu Hà bao gồm: Nghiên cứu chọn giống, nhân giống và trồng thâm canh cây lâm nghiệp, nghiên cứu nhân giống và nuôi trồng các loài cây lâm sản ngoài gỗ và dược liệu, ứng dụng sinh học phân tử và hóa sinh phân tử vào nghiên cứu lai tạo, nhân giống phục vụ bảo tồn và phát triển một số loài cây dược liệu quí bản địa…
Lễ trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2019 dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 18/5 tại Hà Nội.
Giải thưởng Kovalevskaia là giải thưởng thường niên dành tặng cho những tập thể, cá nhân nữ khoa học gia xuất sắc, nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân là các nữ khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực - kinh tế, xã hội và văn hóa.
Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam mang tên nhà nữ toán học người Nga lỗi lạc thế kỷ 19 Sophia Kovalevskia (1850-1891). Giải thưởng này bắt đầu ở Việt Nam từ năm 1985, với đối tượng tham gia là các nhà khoa học nữ Việt Nam về lĩnh vực khoa học tự nhiên.