Vùng núi cao Andes ở Peru là thiên đường của chim ruồi với mật hoa tự nhiên dồi dào và ít động vật săn mồi, nhưng chúng phải đối mặt với cái lạnh dưới 0 độ C vào ban đêm. Khi nhiệt độ giảm, chim ruồi tiến vào trạng thái ngủ lịm. Các nhà nghiên cứu phát hiện chim ruồi Metallura phoebe tự hạ thân nhiệt xuống 3,26 độ C, nhiệt độ cơ thể thấp nhất từng được ghi nhận ở loài chim, theo báo cáo công bố hôm 9/9 trên tạp chí Biology Letters.
"Cơ thể chim ruồi lạnh như đá", Blair Wolf, nhà sinh thái học ở Đại học New Mexico tại Albuquerque, Mỹ, cho biết. "Nếu không biết rõ, bạn có thể nghĩ chúng đã chết". Wolf giải thích việc hạ thân nhiệt tới mức gần đóng băng giúp chim ruồi tiết kiệm năng lượng, cho phép chúng sống sót qua đêm lạnh và trở lại kiếm ăn bình thường vào ngày hôm sau.
Hoạt động ngủ lịm từng được quan sát ở chim ruồi trước đây, nhưng Wolf và cộng sự muốn tìm hiểu chi tiết hơn. Họ đặt 26 con chim ruồi thuộc 6 loài khác nhau vào những chiếc lồng để qua đêm và cài nhiệt kế nhỏ vào lỗ huyệt của chúng. Tất cả cá thể đều tiến vào trạng thái ngủ lịm, nhưng chim ruồi Metallura phoebe là loài lạnh đi nhiều nhất, giảm từ nhiệt độ khoảng 40 độ C vào ban ngày xuống hơn 3 độ C.
Vào ban ngày, tim của chim ruồi có thể đập 1.200 nhịp một phút nhưng khi ngủ lịm, nhịp tim của chúng giảm còn 40 nhịp một phút. Theo Wolf, điều này có thể giúp loài chim sống ở độ cao lớn tiết kiệm 95% năng lượng. Do không cần dùng năng lượng để giữ ấm, chim ruồi có thể phát triển ở độ cao 5.000 m phía trên mực nước biển. Lúc bình minh, chim ruồi sẽ tăng thân nhiệt, ấm lên khoảng một độ mỗi phút bằng cách rung động cơ bắp.