Ảnh minh họa
Đối tượng dễ bị chuột rút
Chuột rút thường xảy ra trong các trường hợp: ngủ ban đêm, khi đang vận động cơ bắp trong thời gian dài liên tục, nhất là khi mệt mỏi, đói, khát nước. Chuột rút xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở phụ nữ mang thai hoặc đang trong chu kỳ kinh nguyệt; người lao động, vận động viên tập luyện quá sức dễ mất nước; những người mắc một số bệnh lý như đái tháo đường, bệnh thận, Parkinson…
Nguyên nhân gây tình trạng chuột rút
Sự cung cấp máu không đầy đủ
Khi các động mạch cung cấp máu cho cánh tay và chân bị hẹp lòng do xơ vữa động mạch, dẫn đến thiếu máu và gây đau vùng thắt lưng ở chân, bàn chân, hoặc cánh tay, đặc biệt là trong khi luyện tập. Tuy nhiên, cơn đau sẽ biến mất sau khi bạn ngừng tập luyện.
Chèn ép dây thần kinh
Dây thần kinh hoặc tủy sống vùng thắt lưng, vùng cổ bị chèn ép cũng có thể tạo ra cơn đau giống chuột rút ở chân. Khi bạn đi lại, cơn đau này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Thiếu hụt khoáng chất
Khi các khoáng chất cần thiết trong cơ thể như canxi, magie, kali… ở mức độ thấp có thể xảy ra hiện tượng chuột rút tay, chân. Ngoài ra thuốc lợi tiểu kê cho những người cao huyết áp cũng làm giảm nồng độ các khoáng chất này.
Tuổi tác
Tuổi càng cao, cơ thể bắt đầu mất dần khối cơ. Vì vậy các khối cơ còn lại phải tăng hoạt động thường nhật nên dễ bị mỏi. Do đó người cao tuổi thường bị chuột rút ở bàn tay và bàn chân.
Mất nước
Những người lao động, người chơi thể thao trong thời tiết nóng bức sẽ đổ nhiều mồ hôi gây mất nước, mất muối, làm giảm sự linh hoạt của cơ và dẫn đến chuột rút.
Mang thai
Từ tháng thứ 6 trở đi của thai kỳ, nồng độ hormone tăng cũng gây ra tình trạng giữ nước, dẫn đến chân bị sưng nề. Lúc này các tế bào bị áp lực với chất lỏng dư thừa, gây khó khăn cho việc di chuyển của máu đi khắp cơ thể.
Các rối loạn sức khỏe
Một số bệnh lý làm tăng nguy cơ bị chuột rút bàn chân và bàn tay như rối loạn tuyến giáp, các vấn đề về gan, các bệnh thần kinh và bệnh đái tháo đường, còn có bệnh rối loạn chức năng não, rối loạn trương lực cơ, bệnh đa xơ cứng và bệnh Huntington.
Phải làm gì khi bị chuột rút?
Chườm nóng
Khi bị chuột rút, bạn nên đặt 1 miếng đệm sưởi ấm lên vùng bị co cơ, sẽ có tác dụng giảm đau, thư giãn cơ, tăng cường lưu thông máu. Kết hợp massage nhẹ nhàng để nhanh phục hồi.
Sử dụng thực phẩm giàu axit axetic
Axit axetic giúp tổng hợp acetylcholine, có tác dụng cải thiện sự phối hợp và chức năng hoạt động của cơ, giúp giảm tình trạng chuột rút. Bạn có thể ăn mù tạt, giấm táo, dưa chua để bổ sung axit axetic.
Nếu bị chuột rút khi đang vận động, bạn nên dừng lại, cố gắng thả chùng chi bị co cơ để thư giãn bắp thịt đang bị co rút. Nhẹ nhàng xoa bóp bắp cơ, nếu có dầu nóng thì thoa lên vùng da của bắp thịt đang bị co rút rồi xoa bóp nhẹ nhàng.
Nếu chuột rút ở cẳng chân, bạn nên nhẹ nhàng vươn duỗi cơ theo chiều đối ngược: kéo đầu ngón chân và bàn chân lên cao hướng về đầu gối.
Bị chuột rút ở bắp đùi, cần nhờ người khác kéo thẳng chân ra, một tay nâng cao gót chân, tay kia đồng thời ấn đầu gối xuống. Nếu chuột rút cơ xương sườn, bạn cần hít thở sâu đồng thời massage nhẹ nhàng xung quanh lồng ngực để giúp cơ hoành thả lỏng.
Dược phẩm: Nếu thường xuyên bị chuột rút, bạn nên đi khám để chẩn đoán và điều trị đúng căn nguyên gây chuột rút. Hoặc bạn có thể uống thuốc giãn cơ theo chỉ định của bác sĩ.
Làm thế nào để phòng ngừa chứng chuột rút?
Để ngăn ngừa chuột rút, cách đơn giản nhất là hạn chế các bài tập làm căng cơ. Bạn cũng có thể làm theo những lời khuyên sau để ngăn ngừa chuột rút cơ:
Khởi động kĩ trước khi tập thể dục thể thao, làm nóng cơ thể để ngăn tình trạng căng cơ và chấn thương. Không tập thể dục ngay sau khi ăn.
Chế độ dinh dưỡng cân bằng đủ các chất đạm, đường, béo, vitamin, khoáng chất.
Uống đủ nước: Đổ mồ hôi trong lúc vận động gây mất nước là nguyên nhân thường gặp của chuột rút. Uống đủ 2 lít nước, đặc biệt các loại nước giàu chất khoáng như nước oresol, nước chanh muối, nước dừa… mỗi ngày sẽ giúp cơ bắp hoạt động tốt, giảm tình trạng chuột rút.
Hạn chế dùng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá.