Huyện Thường Tín - Hà Nội: Triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)

Đăng bởi Hoàng Lan

30/07/2020 00:00

Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 – 2020. Nhằm phát triển các ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn.Thường Tín, Hà Nội đã tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn chế biến với tiêu thụ.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai thực hiện với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, trọng tâm là phát triển sản phẩm có lợi thế của từng địa phương. Thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đến năm 2020 trên địa bàn với mục tiêu mỗi xã phải xây dựng và phát triển được ít nhất 1 sản phẩm, mỗi huyện có ít nhất 1 sản phẩm chủ lực. 

Đến nay, Chương trình OCOP giai đoạn 2019 đã đạt những kết quả bước đầu, tạo sức lan tỏa rộng rãi, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm nông nghiệp huyện thường Tín : có 22 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp thành phố, thuộc 3 hợp tác xã: Hợp tác xã hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân; Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà và Hợp tác xã Tâm An. Tiếp nối những kết quả đã đạt được, huyện đặt mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu sẽ có 59 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.

Hiện tại, hầu hết các xã đã xác định được sản phẩm nông nghiệp có lợi thế để đầu tư phát triển. Điển hình như sản phẩm : rau Baby của Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín (Hà Nội), Trà chùm ngây Hồng Vân được chứng nhận OCOP đạt thứ hạng 4 Sao sản phẩm của HTX Hoa cây cảnh và Dịch vụ Hồng Vân (Thường Tín - Hà Nội) ….

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU thăm mô hình trồng rau baby của Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, tháng 5/2019

Rau mầm được trồng từ các loại hạt: Cải, muống, hành tây, đỗ xanh, đỗ đỏ… sau 4 - 10 ngày trồng là thu hoạch. Còn rau baby là các loại rau ăn lá phát triển đạt khoảng 40 - 50% khả năng sinh trưởng của rau thông thường. Do là các loại rau được thu hoạch sớm nên nhiều dinh dưỡng, gần như không có xơ, bã, chỉ rửa sạch là chế biến được món ăn ngay, được người tiêu dùng đánh giá cao và đón nhận.

Chị Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc HTX Thanh Hà chia sẻ: đã có 8 loại rau mầm, tiêu thụ hầu hết tại các siêu thị lớn và các cửa hàng thực phẩm an toàn ở Hà Nội như: Rau mầm củ cải đỏ, củ cải trắng, cải ngọt; rau mầm rau muống, mầm hướng dương; rau mầm đậu nành, đậu Hà Lan, đại mạch.

Theo chị Hà, giá bán buôn cho siêu thị từ 80 - 140.000 đồng/kg, cao nhất là rau mầm củ cải đỏ giá 140.000 đồng/kg. Ngoài rau mầm, cơ sở của chị còn có giá đỗ xanh: 20.000 đồng/kg; giá đỗ tương: 45.000 đồng/kg.

Đặc biệt, sau nhiều năm lăn lộn trên đồng ruộng, chị Hà còn có dòng sản phẩm “một mình, một chợ” như: Rau “baby leaf”, giá 55.000 đồng/kg và là đơn vị duy nhất cung cấp rau baby cho thành phố Hà Nội.

Ngoài những sản phẩm kể trên, HTX Thanh Hà còn có nhiều loại rau ăn lá như: Cải ngọt, cải thìa, cải mơ; cải đuôi phụng; cải Joeket; cải Nizula; rau muống, mồng tơi, rau dền… Nhờ những thành tích trên, năm 2016, Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam đã trao tặng danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” cho đơn vị.

 Chị Hà đang kiểm tra các loại rau trên giá thể          

Nói về quy mô của HTX Thanh Hà, chị Bùi Thị Thanh Hà cho biết: “Hiện, chúng tôi có khu sản xuất rau công nghệ cao 1,5ha, trong đó đã lắp đặt được gần 8.000m2 nhà màng nông nghiệp, cùng với hệ thống tưới phun tự động; 2 kho lạnh, nhà kho bảo quản, nhà sơ chế rau củ… với tổng mức đầu tư gần 5 tỷ đồng. Doanh thu hằng năm của đơn vị đạt trên 2 tỷ đồng/ha; tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, với mức lương ổn định từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Hiện HTX Thanh Hà có 15 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao”.

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết: Đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn thực phẩm là hướng đi của ngành nông nghiệp Hà Nội hiện nay. Không nằm ngoài quy luật đó, những năm gần đây, huyện Thường Tín không ngừng khuyến khích nông dân, các HTX xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất tập trung, theo hướng an toàn, đặt lợi ích người tiêu dùng lên hàng đầu.

Mô hình sản xuất rau an toàn của HTX Thanh Hà là một trong những mô hình nông nghiệp tiêu biểu với mức đầu tư không lớn mà giá trị kinh tế lớn. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục khuyến khích người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thành lập các HTX, tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi liên kết, góp phần nâng cao năng xuất, bảo đảm sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, thành viên HTX Hoa cây cảnh và Dịch vụ Hồng Vân, cho biết, bà gia nhập HTX năm 2015 và tham gia trồng chùm ngây từ bấy đến nay, trên diện tích 1ha.

Trà chùm ngây Hồng Vân được chứng nhận OCOP đạt thứ hạng 4 Sao sản phẩm của HTX Hoa cây cảnh và Dịch vụ Hồng Vân (Thường Tín - Hà Nội)

Chùm ngây là cây thân gỗ, dễ trồng, dễ thích nghi điều kiện tự nhiên, ưa đất bãi phù sa bồi ven sông. Mỗi năm chùm ngây cho thu hoạh 3 lứa, 3 tháng/lứa ( trừ 3 tháng mùa đông). Khi mới trồng, bón phân lân để cây khoẻ, sau mỗi đợt thu hoạch, nghỉ 1 tuần, tiếp tục bón phân chuồng ủ hoai mục và chú trọng tưới nước đều cho cây, cứ quay vòng như vậy quanh năm. Tuy nhiên, nếu chỉ trồng để làm rau phục vụ bữa ăn hàng ngày, vài chục năm sau mới phải thay cây 1 lần. Nếu thu hái quanh năm, để sản xuất trà, khoảng 3 năm phải thay cây.

Chùm ngây thu hoạch để sản xuất trà thì phải cắt cả cành (bằng tay). Cành lá tươi, vào mùa hạ, giá 8.000 đồng/kg; mùa đông 13.000 - 15.000 đồng/kg. Nếu khách hàng chỉ mua lá, để làm bột cho trẻ hoặc nấu cháo dinh dưỡng, làm đẹp, sản xuất bánh kẹo, có giá đắt hơn gấp nhiều lần.

“Hồng Vân hiện có 4 hộ thành viên chuyên trồng chùm ngây để cung cấp nguyên liệu cho HTX, với diện tích trên 3ha. Ngoài ra, trong xã còn có một số hộ canh tác nhỏ lẻ, nếu Hồng Vân cần thêm nguyên liệu, có thể nhập của bà con hoặc mở rộng diện tích”, bà Loan chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Tống, thành viên tổ chế biến và đóng gói trà, cho biết, trà chùm ngây Hồng Vân chỉ có 2 thành phần chính, đó là 98% chùm ngây và 2% cỏ ngọt. Quy trình sản xuất khá đơn giản, chùm ngây sau khi thu hái được rửa sạch, thái nhỏ (bằng máy). Sau đó sấy khô, nghiền thành bột, đóng vào túi lọc; 20 gói trà túi lọc đóng thành 1 hộp, trọng lượng khoảng 200g, giá bán 60.000 đồng/hộp; 24 hộp đóng thành 1 thùng. Bình quân 1 tháng xuất bán 60 - 70 thùng; năm 2019, tiêu thụ trên 500 thùng.

Trà chùm ngây đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương - Nông Liên Hợp quốc (FAO) công nhận có tác dụng phòng bệnh ung thư. Bổ sung canxi có thể phòng chống loãng xương, chống thoái hoá điểm vàng, tốt cho da và làm giảm cơn đau đầu. Ngoài ra, còn có tác dụng kháng viêm, trị các chứng đau dạ dày, hạ sốt, tiểu đường, thiếu máu, giúp điều hoà huyết áp, hỗ trợ giấc ngủ sâu và bổ sung các khoáng chất cho cơ thể.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, ông Chu Phú Mỹ, cho biết: “Điều đáng ghi nhận là, ngoài việc đẩy mạnh sản xuất, cùng với địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, HTX Hoa cây cảnh và Dịch vụ Hồng Vân còn mạnh dạn mở rộng mảng dịch vụ du lịch. Dựa vào lợi thế là địa phương có nhiều di tích lịch sử và hệ thống đình, đền chùa cổ, được xếp hạng cấp quốc gia, Hồng Vân đã đầu tư thêm hệ thống xe điện đưa đón du khách, đến tham quan tại 30 điểm du lịch hấp dẫn trong làng.

Trong số các sản phẩm đạt chuẩn OCOP, ngoài những sản phẩm đã bước đầu tạo dựng được thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường thì nhiều sản phẩm đang cần được đầu tư. Chính vì vậy, OCOP không chỉ tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, mà còn duy trì hệ sinh thái, nguồn gốc cổ truyền xưa của từng địa phương. Mỗi sản phẩm OCOP được giới thiệu tới người tiêu dùng sẽ là những sản phẩm đặc trưng mang nét riêng huyện Thường Tín.

BÀI VIẾT THEO CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP VỚI CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TP. HÀ NỘI

Địa chỉ: số 73 Lê Hồng Phong - Hà Đông - Hà Nội Điện thoại: 024.63255101; Email: ccptnthn.sonnptnt@hanoi.gov.vn.com

Hoàng Lan
Nguồn Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam