Việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên - Hải Phòng) làm rõ hơn tầm vóc vĩ đại, quy mô rộng lớn của chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Không những thế, phát hiện này khẳng định những truyền thuyết, địa danh gắn với trận đánh của nhân dân Hải Phòng hoàn toàn xác thực, không còn là phỏng đoán… Đó là chia sẻ của GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Lịch sử- Khảo cổ- Dân tộc học, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, với phóng viên Báo Hải Phòng bên lề hội nghị báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ do UBND thành phố tổ chức ngày 21-12 vừa qua.
Kết quả khai quật trên diện tích 940 m2, với 3 hố khai quật, các nhà khảo cổ học phát hiện 27 cọc gỗ có liên đại thế kỷ 13 - 15.
-Nhận thức về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 thay đổi như thế nào sau khi bãi cọc Cao Quỳ được phát lộ, thưa giáo sư?
-Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 ngấm sâu vào huyết quản, niềm tự hào của mỗi người dân ViệtNambao đời nay. Đây được xem là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa to lớn, được xem như trận quyết chiến chiến lược, đập tan tham vọng xâm lược của quân Nguyên Mông đối với Đại Việt. Từ thất bại này khiến quân Nguyên Mông suy yếu, ngừng mở rộng xâm lược các nước Đông Nam Á và Nhật Bản.
Trước khi bãi cọc Cao Quỳ “phát lộ”, những nghiên cứu, công trình được công bố về chiến thắng này đều “neo” và xoay quanh bãi cọc được phát hiện ở Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh). Điều đó đồng nghĩa những truyền thuyết, địa danh, di tích liên quan đến trận đánh trên địa bàn huyện Thủy Nguyên và thành phố Hải Phòng như: đấu đong quân; địa danh Lưu Kiếm, Lưu Kỳ, Trúc Động, Thụ Khê… là những phỏng đoán, câu chuyện dân gian.
Việc tìm thấy bãi cọc Cao Quỳ có giá trị to lớn, mở ra hướng nghiên cứu, tiếp cận và nhận thức mới về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của quân, dân nhà Trần trước quân xâm lược Nguyên Mông. Phát hiện này trước hết khẳng định: đây là chiến dịch quy mô rộng lớn, không phải là trận đánh và không chỉ giới hạn ý nghĩa với dân tộc ViệtNam, mà tác động mạnh đến các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, cho thấy ông cha ta không đóng cọc gỗ ở lòng sông Bạch Đằng như suy nghĩ trước đây, mà đóng ở các lạch triều, sau đó dùng kế “nghi binh” dụ đội hình địch vào trận địa bày sẵn. Cọc gỗ không đâm thủng thuyền khiến tàu bị chìm, mà có tác dụng ngăn cản khiến thuyền “dồn toa”, hoảng loạn và bị quân ta tiêu diệt. Điều đó cho thấy tài tình, mưu lược trong nghệ thuật quân sự của quân dân nhà Trần khi tổ chức trận đánh trên sông nước.
Điều quan trọng hơn, phát hiện này khẳng định những truyền thuyết trong nhân dân, địa danh liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng tại huyện Thủy Nguyên và thành phố Hải Phòng là xác thực.
- Vậy theo giáo sư, chiến dịch Bạch Đằng có phải diễn ra ở chủ yếu ở Hải Phòng?
-Việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ, cho thấy trận địa này nằm gần cửa Bạch Đằng cũng như khu vực ngã ba sông Giá và sông Đá Bạc, nơi có lạch triều chạy qua trong lịch sử. Kết hợp các tư liệu về việc chuẩn bị lực lượng cho trận đánh, nơi đặt đại bản doanh chỉ huy gắn với địa danh như: Lưu Kiếm, Lưu Kỳ, núi U Bò... Địa hình, thế núi bên huyện Thủy Nguyên phù hợp việc ém quân mai phục, còn bên Quảng Yên khá trống trải. Rừng Trúc Động (xã Lưu Kiếm ngày nay) trước đây có nhiều loài gỗ quý và được khai thác làm cọc là phù hợp. Trong khi Quảng Yên gần biển, phù hợp là nơi đón những tàu chạy thoát từ những trận địa trước đó như Cao Quỳ. Do đó, nhiều khả năng cha ông ta không đặt bãi cọc chính ở Quảng Yên mà phải là khu vực huyện Thủy Nguyên. Từ căn cứ này cho thấy: Thủy Nguyên mới là địa bàn, trận địa chính của chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.
-Theo giáo sư, thành phố Hải Phòng cần làm gì để bãi cọc Cao Quỳ và Khu di tích Bạch Đằng Giang phát huy giá trị xứng tầm?
-Chiến thắng Bạch Đằng 1288 có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với lịch sử dân tộc và thế giới. Điều này được chính các học giả nước ngoài khẳng định tại hội thảo quốc tế được tổ chức tại Quảng Ninh cách đây 1 năm. Chính từ thất bại tại Bạch Đằng năm 1288, vó ngựa quân Nguyên Mông phải ngừng mở rộng xâm lược các nước Đông Nam Á và Nhật Bản.
Do đó, bảo tồn, phát huy giá trị di sản là việc làm cấp bách, nghiêm túc. Việc khai quật ở diện tích chưa đến 1.000m2 đã phát hiện 27 cọc gỗ cho thấy quy mô, mật độ cọc tại Cao Quỳ rất lớn. Như vậy là đủ vì hiện nay chúng ta chưa có biện pháp tối ưu bảo vệ, giữ gìn hiện vật. Do đó, theo tôi nên ngừng việc mở rộng đào bới để tìm cọc gỗ. Mà thay vào đó, cần lấy Cao Quỳ làm căn cứ để mở rộng nghiên cứu, đưa ra nhận định, dự đoán tàu địch bị đánh chìm ở khu vực nào, chạy thoát đi tới đâu… để tìm xác tàu, thậm chí là vũ khí liên quan đến trận đánh để làm sáng rõ lịch sử.
Song song với đó, thành phố Hải Phòng cần khẩn trương lập đề án tổng thể, nghiên cứu toàn diện trận chiến Bạch Đằng và đề xuất xếp hạng di tích, trước hết là xếp hạng di tích cấp thành phố, rồi di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt và đề nghị UNESCO công nhận chiến dịch Bạch Đằng 1288 là di sản thế giới… để có cơ sở pháp lý, giải pháp bảo vệ hiện vật hàng nghìn năm tuổi này.
Chiến thắng Bạch Đằng 1288 vô cùng hào hùng, nhưng nếu như hiện nay thì chỉ làm “say lòng” các nhà nghiên cứu, còn với người dân, để họ hiểu, yêu lịch sử, cần tạo cách để chiến thắng Bạch Đằng trở nên hấp dẫn, hoành tráng hơn. Theo tôi, thay vì chỉ có mấy cọc gỗ trơ trọi, Hải Phòng cần đầu tư xây dựng bảo tàng tái hiện sống động trận đánh Bạch Đằng với mênh mông sóng nước, lửa cháy ngút trời, tiếng hò reo 3 quân tướng, sĩ. Làm được như vậy, người dân, du khách vào bảo tàng sẽ choáng ngợp, tự hào chiến dịch Bạch Đằng của cha ông. Cùng với đó, bảo tàng có khu vực chuyên giới thiệu về: trang phục, vũ khí thời Trần… Đó là giải pháp quan trọng để phát huy giá trị di tích hấp dẫn người dân, và để thế hệ trẻ thêm yêu lịch sử.
Và tôi có niềm tin mãnh liệt là với sự tâm huyết, quan tâm đặc biệt của đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đối với lĩnh vực văn hóa, ý tưởng này sớm thành hiện thực trong tương lai không xa. Và chiến thắng Bạch Đằng 1288 đủ sức hấp dẫn, lôi cuốn, làm “say lòng” biết bao du khách.
Các cọc gỗ được khai quật tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên) được đưa đi giám định niên đại bằng phương pháp đồng vị carbon C14. Kết quả giám định C14 cho thấy, các cọc gỗ này có niên đại thế kỷ 13- 15 và liên quan đến chiến trường Bạch Đằng. Phương pháp giám định niên đại bằng đồng vị carbon C14 có độ sai số cộng, trừ 100 năm… |