Đoàn công tác đã thăm thực tế mô hình xây dựng nông thôn mới tại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín). Đây là một trong hai xã điển hình của Hà Nội trong xây dựng nông thôn mới. Xã Hồng Vân được Thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2019, xã có 01 sản phẩm OCOP được Thành phố cấp chứng nhận 4 sao, có 02 làng nghề truyền thống sinh vật cảnh. Xã được Thành phố công nhận là điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh, nơi đây nổi tiếng với nghề trồng cây cảnh, có giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng đồng bộ - hiện đại. Những con đường của xã được đầu tư nâng cấp, bê tông hóa khang trang. Ấn tượng hơn cả là những tuyến đường hoa được địa phương và người dân chung tay xây dựng. Sau khi những con đường nở hoa, chính quyền đã họp bàn với người dân, thống nhất đặt tên đường theo tên những loài hoa. Đó là lý do hiện nay, đi qua các tuyến đường trên địa bàn xã, du khách có thể dễ dàng bắt gặp đường Hoa Ban, đường Hoa Giấy, đường Cây Sanh, đường Lộc Vừng, đường Quả Mộc…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam thăm mô hình nông thôn mới nâng cao tại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín).
Báo cáo với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lãnh đạo huyện Thường tín cho biết, trong những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, Chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân, xây dựng nông thôn mới thực sự trở thành phong trào rộng khắp và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới và phát triển. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, tình hình an ninh trật tự ổn định, hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường.
Để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới theo đúng kế hoạch, huyện đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn. Trong năm 2017, UBND huyện đã phân bổ 112,424 tỷ đồng đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông, rà soát hiện trạng các tuyến đường ngõ xóm, đường giao thông nội đồng và triển khai thi công xây dựng 201 công trình áp dụng theo Đề án số 04/ĐA-UBND ngày 12/7/2017 với kinh phí 15,9 tỷ đồng đối. Đến nay các tuyến đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa từ 85% đến 98%, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đi lại của nhân dân cũng như phát triển kinh tế xã hội. Hàng năm huyện đầu tư kinh phí xây dựng, sửa chữa các công trình thủy lợi nội đồng, với 1.000 công trình lớn nhỏ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, 100% diện tích đất ruộng chủ động nước tưới tiêu, góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2017 đạt 1.473 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2016.
Trường học được đầu tư cơ sở vật chất khang trang
Trong công tác giảm nghèo, UBND huyện đã xây dựng phương án và thực hiện đồng bộ các giải pháp, triển khai những cơ chế chính sách của nhà nước hỗ trợ để giảm hộ nghèo bền vững, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội ở địa phương. Phát huy lợi thế “Đất trăm nghề”, toàn huyện có 126 làng nghề, và trên 12.700 cơ sở sản xuất và hàng trăm doanh nghiệp tư nhân sản xuất trong lĩnh vực nghề truyền thống, có 04 cụm công nghiệp làng nghề, đã giải quyết cho trên 35.000 lao động nông thôn. Huyện đã mở 17 lớp khuyến công đào tạo ngắn hạn trong thời gian 3 tháng cho 750 lao động, cung cấp nguồn lao động tại chỗ cho các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp sản xuất nghề truyền thống. Triển khai chương trình hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 02 mô hình mây tre giang đan xã Ninh Sở và nghề thêu ren, thêu tay xã Văn Tự, với khoảng 220 hộ gia đình tham gia chương trình. Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Thành phố hơn 500 triệu đồng. Trung tâm khuyến công – Sở Công thương Hà Nội mở 03 lớp khuyến công cho 105 lao động làng nghề tại xã Lê Lợi, Tự Nhiên và Dũng Tiến. Tỷ lệ lao động có việc làm đạt trên 90% dân số; Đến hết năm 2017, toàn huyện đã giảm được 661 hộ nghèo, hiện nay còn 1998 hộ chiếm tỷ lệ 2,77% tổng số hộ toàn huyện.
Huyện tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trường lớp học theo hướng đạt chuẩn quốc gia, với tổng nguồn vốn phân bổ trên 63 tỷ đồng. Toàn huyện đã có 55/88 trường đã được Thành phố công nhận trường chuẩn quốc gia, trong đó 23 trường THCS, 20 trường tiểu học và 12 trường mầm non. Hệ thống mạng lưới y tế được quan tâm đầu tư bổ sung trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất theo hướng đạt chuẩn quốc gia về y tế, góp phần đáp ứng yêu cầu công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, đến nay 26/28 xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 79,6%.
Thứ trưởng bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Hiện nay, Hà Nội đã có hơn 92% xã đạt chuẩn nông thôn mới và 6 huyện nông thôn mới. Ngoài ra, thành phố đang có 7 huyện phấn đấu hoàn thành nông thôn mới năm 2020, đây là kết quả rất cao so với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của các huyện, thị xã và thành phố Hà Nội. Mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Hiện nay, dù đã và đang đạt chuẩn nông thôn mới nhưng thu nhập bình quân giữa khu vực huyện và quận còn chênh lệch. Việc làm thế nào để nâng cao thu nhập cho người dân có vai trò quan trọng với Hà Nội.
Do đó, xây dựng nông thôn mới đối với các huyện ven đô cần chú ý đến tiêu chí an ninh trật tự. Theo thứ trưởng Trần Thanh Nam, qua tìm hiểu thực tiễn, Bộ NN&PTNT tiếp tục tham mưu Chính phủ trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới với các địa phương đang trong quá trình đô thị hóa. Huyện Thường tín là một trong những địa phương của thành phố Hà Nội được quan tâm đầu tư trở thành huyện nông thôn mới nâng cao.
Để thực hiện thành công mục tiêu trên, huyện Thường Tín đề ra một số giải pháp chủ yếu: Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân tạo sự thống nhất, đồng thuận trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Vận động doanh nghiệp, tổ chức, nhân dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh triển khai xây dựng các hạng mục công trình, ưu tiên công trình phục vụ sản xuất phát triển kinh tế, công trình phục vụ giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường nông thôn. UBND huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện các công trình áp dụng theo cơ chế đặc thù trong quản lý, đầu tư xây dựng đối với một số công trình thuộc các chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2017 – 2020. Ưu tiên đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách cho các dự án phát triển sản xuất, thúc đẩy mạnh mẽ việc liên kết, hợp tác, hình thành các mô hình phù hợp yêu cầu, điều kiện cụ thể, hình thành chuỗi sản xuất tiên tiến, giảm chi phí. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn các xã, phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp, sử dụng lao động địa phương. Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, cùng tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các xã, để đảm bảo tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện theo đúng kế hoạch đề ra./.
Đến nay, Thường Tín 28/28 xã của huyện đã được thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 1 xã (Hồng Vân) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Về tiêu chí huyện nông thôn mới, Thường Tín đã đạt 9/9 tiêu chí và được Đoàn thẩm tra thành phố đánh giá đạt 98 điểm. Mục tiêu trong 6 tháng cuối năm 2020, huyện phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp - thủ công nghiệp đạt hơn 8.180 tỷ đồng, đưa giá trị sản xuất cả năm lên hơn 15.078 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2019; sản xuất nông nghiệp đạt 722 tỷ đồng, giá trị sản xuất cả năm đạt 1.597 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2019...Trong xây dựng nông thôn mới, Thường Tín tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí tại 28 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; đồng thời, quan tâm đặc biệt 4 xã: Nhị Khê, Văn Bình, Hà Hồi, Vạn Điểm nhằm đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
BÀI VIẾT THEO CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP VỚI VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TP. HÀ NỘI
Địa chỉ: số 73 Lê Hồng Phong - Hà Đông - Hà Nội Điện thoại: 024.33602178; Email: nvchisxttmnnhanoi@gmail.com