Định hướng, mục tiêu phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiêu biểu giai đoạn 2021-2025; giải pháp xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa và định hướng triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 của Hà Nội.
Quang cảnh buổi làm việc
Thông tin tại buổi làm việc, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, năm 2020 mặc dù tình hình dịch tả lợn Châu Phi và dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm tăng 1,61%.
Thành phố đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 79.454,3 ha, cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau dồn điền đổi thửa với số lượng 617.964/622.861 (đạt 99,21%). Sau dồn điền đổi thửa toàn thành phố đã chuyển đổi được 40.229,4 ha sang các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thành phố có 164 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 141 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình đã tạo chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu.
Về xây dựng huyện nông thôn mới, đến nay, toàn thành phố đã có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai và Gia Lâm. Trong năm 2020 đoàn thẩm định trung ương xét công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019: các huyện Thạch Thất, Phúc Thọ, Thường Tín, Thanh Oai, Sóc Sơn, Phú Xuyên đã được đoàn thẩm tra thành phố tiến hành đánh giá đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ trình Ban chỉ đạo các chương trình MTQG thành phố Hà Nội họp, bỏ phiếu xét công nhận để trình Hội đồng thẩm định trung ương xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới 2020.
Về xây dựng NTM 355/382 xã (chiếm 92,9%) được UBND TP công nhận đạt chuẩn NTM, 13 xã được UBND TP công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Song song với việc chỉ đạo đồng bộ các xã xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, Ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy, UBND TP đã lựa chọn xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng), xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) sau khi hoàn thành xây dựng NTM nâng cao tiếp tục xây dựng NTM kiểu mẫu Thủ đô theo hướng đạt chuẩn tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020 quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đạt chuẩn toàn bộ 7 tiêu chí theo quy định tại Quyết định 3745 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu...
Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình từ năm 2016 đến hết tháng 6 năm 2020 là 56.512,8 tỷ đồng. Ngân sách trung ương: 58 tỷ đồng, ngân sách thành phố : 20.911,2 tỷ đồng, ngân sách huyên: 29.275,54 tỷ đồng, ngân sách xã: 1.455,52 tỷ đồng, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là 4.812,6 tỷ đồng.
Cũng theo ông Chu Phú Mỹ, tính đến năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 51,5 triệu đồng/ người/ năm, 100% trạm y tế có bác sỹ công tác tại trạm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố đạt 88,3%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 0,69%, đến nay 3 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức không còn hộ nghèo.
Năm 2020, Hà Nội tổ chức hội thảo kết nối giao thương các sản phẩm theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP; đồng thời tổ chức khu trung bày quảng bá, kết nối giao thương từ ngày 26-28/6/2020 với số lượng trên 140 chủ thể tham gia cùng hàng nghìn sản phẩm được trưng bày tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Tại Hội nghị, đã có 109 biên bản ký kết, ghi nhớ Hợp tác về liên kết, tiêu thị sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố được ký kết giữa các chủ thể sản xuất với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
Từ ngày 23-27/7, UBND TP đã phối hợp với Bộ NN&PTNT và các tỉnh phía Bắc giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh phía Bắc với trên 150 gian hàng, gần 600 sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP, trên 2.000 sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình là đặc sản vùng miền của 15 tỉnh miền núi phía Bắc và 12 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại hội nghị đã có 11 biên bản hợp tác ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm giữa Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và các tỉnh miền núi phía Bắc; 24 biên bản hợp tác ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm giữa các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị lớn với các tỉnh miền núi phía Bắc…
Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2021- 2025: năm 2021 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2025 có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới Thủ đô, 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới...
Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao kết quả xây dựng NTM của Hà Nội. Từ nay đến cuối năm 2020, Thứ trưởng đề nghị Hà Nội tiếp tục chỉ đạo hoàn thành mục tiêu về số huyện và xã xây dựng NTM. “Về phía Bộ, chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa các địa phương trong việc thẩm định sớm hồ sơ xét trình công nhận huyện đạt chuẩn NTM” – Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Hà Nội cần tiếp tục chỉ đạo các xã, huyện xây dựng nông thôn mới để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2020. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Nội nên cân nhắc lại các chỉ tiêu đặt ra, như: Đến năm 2025 có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong khi Trung ương đặt mục tiêu 40%. Do đó, Hà Nội cần phấn đấu đạt cao hơn.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, cuộc làm việc của đoàn nhằm cụ thể hóa chương trình phối hợp công tác giữa TP Hà Nội với Bộ NN&PTNT. Đồng chí cho rằng: Mặc dù là Thủ đô nhưng khu vực nông thôn của Hà Nội rất lớn. Nhiệm kỳ 2015-2020, Hà Nội là điểm sáng của cả nước trong xây dựng NTM với số xã đạt chuẩn là 355 xã. Hiện nay, Hà Nội đang chủ động xây dựng chương trình để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020-2025. Theo gợi ý của Bộ NN&PTNT, Hà Nội sẽ nâng tỷ lệ xã, huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, Hà Nội luôn xác định xây dựng NTM là quá trình lâu dài, có bắt đầu nhưng không có kết thúc. Trong định hướng, Hà Nội phấn đấu NTM nâng cao sẽ trở thành đại trà. Còn đối với NTM kiểu mẫu thì tùy từng địa phương mà có những mô hình khác nhau, nhưng mục tiêu cố lõi vẫn là nâng cao đời sống cho người dân.
Trong quá trình xây dựng NTM gắn với đô thị hóa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cũng đề nghị các địa phương quản lý chặt chẽ về trật tự xây dựng, giữ vững an toàn xã hội; thường xuyên có sơ kết, đánh giá. Lãnh đạo Thành ủy cũng bày tỏ mong muốn Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cùng Hà Nội tháo gỡ, khó khăn vướng mắc trong quá trình đô thị hoá nông thôn.