Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) là “bảo tàng sống” phản ánh sinh động những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc trong đời sống tâm linh của người dân. Trong giai đoạn phát triển và hội nhập mạnh mẽ hiện nay, sự du nhập của văn hóa ngoại lai đang đặt văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trước nguy cơ mai một. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị các DSVHPVT trên địa bàn tỉnh là điều cấp thiết.
Múa sạp trong lễ hội của người Lô Lô ở Mèo Vạc. ảnh: Thanh Thủy |
Hà Giang là địa bàn sinh sống của đông đồng bào dân tộc thiểu số với sự đa dạng, độc đáo, đặc sắc về văn hóa, trong đó nhiều di sản được xếp hạng cấp Quốc gia, cấp tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 3 bảo vật Quốc gia được công nhận; 55 di tích, danh thắng được xếp hạng; 19 DSVHPVT được đưa vào danh mục DSVHPVT Quốc gia; 18 cá nhân được Chủ tịch nước công nhận phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực văn hóa dân gian.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, thời gian qua, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích; làng truyền thống dân tộc; phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu Unesco - Cao nguyên đá Đồng Văn; xây dựng và phát triển các tour, tuyến, điểm, khu du lịch, các làng văn hoá du lịch cộng đồng gắn với những nét đặc trưng trong đời sống đồng bào các dân tộc; khôi phục các lễ hội dân gian truyền thống.
Năm 2019, ngành chức năng phối hợp với các địa phương sưu tầm được 105 hiện vật thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và hiện vật đồ đá; trao bằng DSVHPVT Quốc gia Lễ hội Cầu trăng của người Tày Ngạn, xã Vô Điếm (Bắc Quang); hoàn thành trình Bộ VHTT&DL 3 hồ sơ di sản đề nghị xét đưa vào Danh mục DSVHPVT Quốc gia gồm: “Chợ phong lưu Khâu Vai” (Mèo Vạc); “Lễ Nhảy lửa của dân tộc Dao” xã Thượng Sơn (Vị Xuyên); “Kỹ thuật chạm khắc bạc của người Nùng” (Hoàng Su Phì). Bộ VHTT&DL công nhận và đưa “Nghề chạm bạc của người Nùng, xã Pờ Ly Ngài, xã Nàng Đôn (Hoàng Su Phì) vào danh mục DSVHPVT Quốc gia. Hiện, Sở VHTT&DL đang xây dựng hồ sơ DSVHPVT “Lễ Cầu mùa” của người Cờ Lao đỏ, xã Túng Sán và “Lễ cúng Bàn Vương” của người Dao đỏ, xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì); nghiên cứu, sưu tầm, quay phim phục dựng các lễ hội, DSVHPVT để lưu trữ và trình chiếu tại nhà trưng bày bảo tàng; sưu tầm “Lễ Cấp sắc của người Dao đỏ”, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì), “Lễ Cầu mùa” của người Pà Thẻn, xã Tân Lập (Bắc Quang); xây dựng kế hoạch bảo vệ, phát huy, phục dựng, truyền dạy bí quyết và tổ chức thực hành các di sản “Lễ Cầu mùa dân tộc Cờ Lao” xã Túng Sán; “Lễ Cúng rừng dân tộc Mông” xã Sính Lủng (Đồng Văn); “Nghi lễ Then của người Tày” và “Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn”. Thực hiện cắm mốc khu vực di tích, danh thắng đã được xếp hạng; phối hợp tổ chức các lớp truyền dạy DSVHPVT tại các địa phương; thực hiện tốt Đề án “Giáo dục kĩ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 – 2020”. Bảo tàng tỉnh mở cửa trên 600 buổi phục vụ trên 16.500 lượt khách tham quan, tìm hiểu.
Bên cạnh đó, tỉnh tích cực tham gia các hoạt động giới thiệu, quảng bá về Công viên Địa chất toàn cầu Unesco - Cao nguyên đá Đồng Văn và văn hóa Hà Giang tại các sự kiện như: Trưng bày giới thiệu Công viên Địa chất và tham gia tại Hội thảo quốc tế “Phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình Công viên Địa chất toàn cầu Unesco” tại Cao Bằng; Lễ hội Thổ cẩm toàn quốc lần thứ Nhất năm 2019 tại Đắk Nông; Hội thảo quốc tế về Công viên Địa chất và 110 năm phát hiện văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi.
Lãnh đạo Sở VHTT&DL cho biết: “DSVHPVT có vai trò, vị trí quan trọng đối với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; góp phần tạo nên sự đa hương, sắc trong “vườn hoa” văn hóa của cộng đồng. Trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp: Bảo tồn và phát huy các DSVHPVT trong Danh mục DSVHPVT Quốc gia; phục dựng các lễ hội dân gian truyền thống; kiểm kê chuyên đề DSVHPVT về Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng của đồng bào dân tộc trên địa bàn; xây dựng các hồ sơ DSVHPVT trình Bộ VHTT&DL công nhận; sưu tầm DSVHPVT đặc trưng để lưu trữ tại bảo tàng; xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực DSVHPVT; thực hiện chiến lược giáo dục cộng đồng về Công viên Địa chất, bảo tàng mini tại một số điểm di sản, các cụm pano di sản…”.