Trang bị kiến thức khởi nghiệp cho học sinh phổ thông
Trong thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đã nhận thức rõ vấn đề về trang bị kiến thức khởi nghiệp cho đối tượng học sinh phổ thông, thể hiện trong việc đổi mới chương trình sách giáo khoa GDPT. Chương trình GDPT mới sẽ thay đổi từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực người học.
Hiện nay, việc đổi mới đang được thực hiện khá mạnh mẽ. Lực lượng quan trọng trong thực hiện đổi mới là đội ngũ nhà giáo với trên 1 triệu người. Giáo viên muốn đổi mới thì phải nhận thức được trách nhiệm của mình, phải thể hiện được sự kết nối thế nào, dạy tích hợp kiến thức ở ngoài xã hội ra sao.
Tính đổi mới sáng tạo phải được thực hiện ngay từ đội ngũ giáo viên và từ phương pháp dạy học. SGK bây giờ là tài liệu chứ không phải pháp lệnh như trước đây nên tính sáng tạo của mỗi thầy cô giáo là rất quan trọng, để giảng dạy cho các em tích hợp những kiến thức ngoài SGK thế nào, tích hợp kiến thức ngoài thực tế thế nào, hoạt động trải nghiệm ra sao.
Bản thân các em học sinh cũng phải thể hiện sự đổi mới sáng tạo của mình trong cập nhật kiến thức, hoạt động trải nghiệm. Sự đổi mới này cũng phải bắt đầu từ nhận thức của các bậc phụ huynh trong quá trình dạy con.
Những đổi mới này đang thể hiện mạnh mẽ và quyết liệt. Bộ GD&ĐT đang tiên phong thực hiện Đề án Tri thức Việt số hóa. Bộ GD&ĐT cũng đang tiên phong trong vấn đề đổi mới quản lí, tích hợp những kiến thức, kết nối, đồng hành cùng nhiều Bộ, ngành thực hiện kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Ảnh minh họa nguồn internet
Trường ĐH phải đổi mới mạnh mẽ về tinh thần khởi nghiệp
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Khi muốn xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thì các trường ĐH phải đổi mới mạnh mẽ, phải có nhận thức đầy đủ và thực hiện tốt.
Các trường cần biết đổi mới sáng tạo là gì, các dự án các công trình đang diễn ra của các nhà khoa học có hay không, trong Đề án 1665 có nội dung gì, cần phải có sự kết nối thế nào với các Bộ, ngành, hiểu được những công trình nghiên cứu, hiểu được môi trường, tài liệu hiện có trong khởi nghiệp là gì. Khi biết rồi thì phải hiểu sâu để kết nối.
“Mỗi cơ sở phải có trung tâm kĩ thuật để hỗ trợ sinh viên. Sinh viên khi đã hiểu được mình phải có trách nhiệm trong đổi mới sáng tạo khởi nghiệp thì phải biết mình đang thiếu cái gì, kết nối với những đâu, với những nhà DN, nhà khoa học nào, để tìm tòi những đề án thành công, chưa thành công trong lĩnh vực mình quan tâm’’- Thứ trưởng Ngô Thị Minh nêu quan điểm.
Nêu quan điểm về vai trò của các cơ sở giáo dục trong khởi nghiệp: Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã nhấn mạnh các hoạt động cần thực hiện trong thời gian tới cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). Theo Bộ trưởng, cần lấy con người làm giá trị cốt lõi, thúc đẩy phát triển nguồn lực trong hệ thống cơ sở giáo dục, đào tạo, khuyến khích kết nối nguồn trí tuệ Việt Nam trên khắp thế giới vào hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ: Các startup của chúng ta đang ngày càng lớn mạnh, nhưng vẫn có nhiều startup còn rất dè chừng, vì chưa có điểm tựa để thăng hoa hơn, chính vì vậy, chúng tôi mong muốn và đề nghị các mô hình kinh doanh thành công chia sẻ kinh nghiệm, đồng hành và sẵn sàng đầu tư vào các startup”.
Cùng với đó, chúng ta cần nâng cao hơn nữa hiệu quả tận dụng nguồn lực sẵn có của các chủ thể trong hệ sinh thái. Mỗi trường ĐH, mỗi tập đoàn, mỗi tổ chức hỗ trợ cần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của riêng mình, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực có kinh nghiệm trong điều hành, quản trị; kết nối các mạng lưới chuyên gia, cựu sinh viên, đưa các kết quả nghiên cứu đến gần hơn với DN và khách hàng, đẩy mạnh nghiên cứu mang tính ứng dụng, xuất phát từ quan điểm và nhu cầu của khách hàng. Và trên hết, chúng ta cần liên kết các hệ sinh thái này lại với nhau để tạo ra nguồn lực dồi dào cho khởi nghiệp sáng tạo.