Chuyện về những lớp học đặc biệt!

Đăng bởi Cao Tiến

10/12/2020 10:04

Với mong muốn đem lại cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các em khuyết tật thêm niềm tin và động lực vào cuộc sống, nhiều thầy cô giáo đã dành trọn tâm huyết của mình để mở những lớp học “đặc biệt” và cố gắng duy trì trong nhiều năm qua. Trên mọi miền Tổ quốc, mỗi người, với mỗi câu chuyện khác nhau, các thầy cô đã cùng nhau lan tỏa những hành động đẹp, ý nghĩa.

Cô giáo xương thủy tinh

Ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, tấm gương về cô gái khuyết tật Nguyễn Thị Ngọc Tâm được nhiều người biết đến và ca ngợi. Tâm mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh nên cơ thể co quắp, không thể đi lại. Từ nhỏ đến lớn, cô luôn phải chịu nhiều đau đớn do căn bệnh này mang lại, mọi sinh hoạt cá nhân đều gắn liền với chiếc xe lăn. Cho đến nay, Tâm đã 30 tuổi nhưng chỉ nặng vỏn vẹn 15kg, thân hình như một trẻ nhỏ.

Chuyện về những lớp học đặc biệt!

Ảnh minh họa nguồn internet

Vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, cô gái nhỏ bé đó bằng nghị lực chiến thắng bản thân mình đã luôn cố gắng học tập, trau dồi kiến thức. Tâm chia sẻ, ước mơ lớn nhất của cô là được làm cô giáo, mang tri thức tới cho các em học sinh. Không thể đứng trên bục giảng như các giáo viên khác, Tâm hiện thực mong muốn của mình bằng cách mở lớp học miễn phí ngay tại nhà để phụ đạo cho các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 8 gần nhà.

Người bình thường làm cô giáo đã vất vả, với Tâm thì điều ấy còn khó khăn gấp nhiều lần. Vậy mà, trong 16 năm qua, cô giáo khuyết tật đó vẫn luôn bền bỉ gắn bó với lớp học nhỏ của mình. Một lớp học đặc biệt 5 “không”: Không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án và không học phí, nhưng lớp học ấy luôn đầy ắp sự yêu thương, cô và trò luôn tíu tít bên nhau. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều học sinh ở địa phương và các vùng lân cận đến xin học ở lớp của cô Tâm.

Không chỉ có lớp học, Tâm còn mở một thư viện nhỏ và lập quỹ học bổng “Ngọc Tâm thủy tinh” để khích lệ các em học tập tốt hơn. Không phụ công sức và tấm lòng của Tâm, nhiều em từng được cô kèm học sau này đã đỗ vào các trường đại học khác nhau, có em còn được chọn vào trong các đội tuyển đi thi học sinh giỏi ở huyện, tỉnh. Với Tâm, đây là nguồn động lực giúp cô có thêm niềm tin, có thêm sức khỏe để tiếp tục giúp đỡ những thế hệ học sinh tiếp theo.

Bà Ba với lớp học tình thương

Ngày đi bán vé số, chiều tối lại đến lớp học tình thương để dạy, đó là câu chuyện về bà Nguyễn Thị Ba ở thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương). Dù đã bước sang tuổi 72, nhưng bà vẫn rất nhiệt huyết với công việc mang con chữ đến gần hơn với những trẻ em nghèo, trẻ có hoàn cảnh không may mắn tại địa phương.

Bà Ba trước đây là giáo viên, sống một mình không lập gia đình, sau khi nghỉ hưu, bà đi bán vé số để có thêm thu nhập. Trên đường đi bán vé số, bà gặp nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, phải mưu sinh từ sớm, không có điều kiện đi học. Biết được mong muốn được đi học của các em, bà trăn trở tìm cách để giúp.

Năm 2016, bà Ba tham gia giảng dạy ở lớp học tình thương phường Phú Cường, đồng thời động viên nhiều trẻ lang thang, cơ nhỡ đến lớp học. Lớp có khoảng 20 em với nhiều độ tuổi khác nhau, học vào 5 giờ chiều mỗi ngày và hoàn toàn miễn phí. Tại đây, các em được dạy đọc, viết và được bà Ba cũng như các thầy cô giáo khác chia sẻ những câu chuyện ý nghĩa trong cuộc sống, những câu chuyện thực tế về bài học “làm người” nhân nghĩa, giàu lòng yêu thương và sự chia sẻ. Qua đó, tạo cho các em có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống, nghị lực vượt qua khó khăn, phấn đấu trở thành người có ích trong xã hội.

Đặc biệt, bà Ba với tình thương cho con trẻ, bà luôn cố gắng dành dụm những đồng lương và thu nhập thêm của mình để giúp đỡ các em học sinh ở lớp học; kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ cho các em. Mỗi tháng, bà hỗ trợ mỗi em học sinh 5 cân gạo; mỗi ngày đều đến sớm trước khoảng 1 tiếng để chuẩn bị bữa ăn chiều do nhà hảo tâm tài trợ cho lớp.

Lớp võ cho trẻ tự kỷ

Tại thành phố Hồ Chí Minh, võ sư Lê Hoàng Mai (45 tuổi) cũng dành tâm huyết của mình để giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh không may mắn. Trong 15 năm qua, anh vẫn luôn duy trì lớp dạy võ Aikido miễn phí dành riêng cho trẻ tự kỷ, trẻ mắc bệnh Down, trẻ bị khuyết tật bẩm sinh không thể tự đi đứng, sinh hoạt...

Lớp học được tổ chức nhằm giúp các bạn nhỏ cải thiện khả năng vận động, giao tiếp, học tập và sinh hoạt, từ đó tự tin hòa nhập với cộng đồng. Phương án giảng dạy được thực hiện phù hợp với từng em sao cho vừa dễ dàng, vừa an toàn, làm cho bé khỏe hơn theo từng giai đoạn, kết hợp với phương pháp mát-xa, đả thông kinh huyệt.

Anh Mai chia sẻ, việc dạy võ cho trẻ bình thường đã khó, dạy cho trẻ bị khuyết tật vận động còn khó hơn rất nhiều, đôi khi hướng dẫn nhưng các em không hiểu, hoặc không tập trung. Vì thế, hướng dẫn cho các em cần hết sức kiên nhẫn, nhẹ nhàng và kiên trì. Quan trọng nhất là tấm lòng nhân ái, coi các em như người thân của mình để dành trọn yêu thương, sự đồng cảm.

Với anh, động lực để anh có thể duy trì công việc thiện nguyện này hơn chục năm qua chính là sự tiến bộ từng ngày của các em, không chỉ sức khỏe của các em được cải thiện mà tâm sinh lý cũng ổn định hơn nhiều, có thể giao tiếp với thầy và các bạn trong lớp. Đặc biệt, sự tin tưởng của các em và gia đình các em là hạnh phúc lớn nhất mà anh nhận được khi thực hiện công việc ý nghĩa này.

Với những đóng góp tích cực của mình, “bà giáo” Nguyễn Thị Ba, cô giáo xương thủy tinh Nguyễn Thị Ngọc Tâm và thầy giáo dạy võ Lê Hoàng Mai vinh dự là 3 trong số 10 cá nhân tiêu biểu được trao Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2020. Giải thưởng do Trung ương Đoàn Thanh niên ,Trung tâm Tình nguyện Quốc gia trao tặng cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động tình nguyện vì cộng đồng

Cao Tiến
Nguồn https://laodongthudo.vn/chuyen-ve-nhung-lop-hoc-dac-biet-116422.#html

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện về những lớp học đặc biệt!" tại chuyên mục Giáo Dục.

Đọc các tin bài có liên quan tại trang https://nongthonvaphattrien.vn/