Có kế hoạch cho con theo từng độ tuổi
Trước những lo lắng về dịch bệnh Covid-19, đến ngày 15/2, đã có trên 54 tỉnh thành quyết định cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2/2020 để phòng dịch bệnh. Việc con cái được nghỉ học cũng là mong muốn của không ít phụ huynh. Thế nhưng, nhiều gia đình bố mẹ vẫn phải đi làm nên sự khó khăn về việc quản lý con cái cũng như chăm con, chăm sóc con khiến không ít người đau đầu.
Vì thế, để có một kế hoạch dài hơn giúp bố mẹ yên tâm khi con nghỉ học tránh Covid-19, PV đã được lắng nghe ý kiến của một số chuyên gia giáo dục.
Khi hỏi về vấn đề đang khiến không ít phụ huynh đau đầu, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên “hiến kế”: “Trước hết, bố mẹ phải có kế hoạch cho con mình từng độ tuổi để giúp con những ngày nghỉ như thế này không bị lãng phí thời gian. Đối với học sinh THPT và THSC, phụ huynh hãy cùng con lên một danh mục trong ngày về những công việc con đã làm.
Trong danh mục đó cố gắng định hướng để con làm việc nhà cùng bố mẹ. Nhưng bố mẹ cũng cần rất tâm lý trong vấn đề này bởi không phải đứa trẻ nào cũng nghe lời. Từ những việc nhỏ con đã làm được như nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa bố mẹ hãy nói câu cảm ơn con và từ đó lên kế hoạch trong hai tuần tiếp theo nên làm gì”.
Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên
Vị chuyên gia này cũng cho hay, đối với học sinh THPT và THCS, ngoài việc học ở trường thì nên cho con học thêm những thứ khác. Nếu con gái thì hãy cắm hoa, thêu thùa, con trai chơi các môn thể thao hoặc mỗi sáng cả ra đình chạy bộ. Đây là những hoạt động khá tích cực vì trước đây con phải đi học từ 7h sáng. Tranh thủ cơ hội này bố mẹ cùng các con tập thể dục thể thao với nhau. Ít nhất là được thêm 2 tuần nữa, nếu như dài ngày chúng ta sẽ có kế hoạch chỉnh chu hơn để thay đổi thói quen lành mạnh trong gia đình.
Ở lứa tuổi tiểu học, bố mẹ nên có những điều dạy cho con, hướng dẫn cho con việc nhà, những công việc nhẹ nhàng. Cùng con lên lịch học và học cùng con, nhưng quan trọng là phải biết học cái gì cho con đỡ nhàm chán và cảm thấy áp lực.
Bố mẹ hãy mua sách cho con đọc và nói với con: “Bố mẹ thích đọc sách này nhưng không có thời gian, con hãy đọc và kể lại cho bố mẹ nghe”. Để làm được những điều đó bố mẹ cần phải có kỹ năng, tạo sự hứng thú cho con, khen thưởng con và mô tả rõ cảm xúc của mình chứ không chỉ là nói con giỏi quá, đừng bốc lời khen lên quá cao để trẻ ảo tưởng và nhàm lời khen.
Tùy theo từng lứa tuổi để lựa chọn công việc phù hợp với con
Với mầm non, bố mẹ tăng cường sức đề kháng cho con bằng cách ăn uống, rèn luyện sức khỏe như tập thể dục, các trò chơi vận động. Dạy con những bài hát con yêu thích, nhưng nhớ bố mẹ phải luân phiên học cùng con. Nếu những gia đình quá bận rộn thì hãy nhờ người thân chăm sóc, trông con hoặc thuê người như cô giáo mầm non trông giúp.
“Đây là dịp để trẻ được học nhiều thứ thay vì học khối kiến thức khổng lồ trên lớp như học thêm ngoại ngữ trên mạng. Con thích xem phim thì hãy giúp con tìm những bộ phim thật bổ ích. Nhưng, bố mẹ cũng cần kín đáo kiểm tra lịch sử con đã xem những gì trên web. Cách tốt nhất bố mẹ hãy đăng ký bằng tài khoản của mình để nếu trẻ muốn xóa bố mẹ vẫn phục hồi được. Bố mẹ cũng cần phải có sự quản lý con thật chặt chẽ trong những ngày này để tránh khi con quay lại trường rơi vào tình trạng sa sút, lơ đãng”, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cho hay.
XEM NGAY: PhòngkhámsảnphụkhoaANa
Đừng đặt nặng vấn đề học
Đó là câu mở đầu của thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh khi bàn về vấn đề này. Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh bày tỏ quan điểm: “Nhiều phụ huynh trong thời gian con nghỉ vẫn đang đặt nặng vấn đề học mà không hề biết sau này con chúng ta sẽ được học bù. Hãy coi đây là kỳ nghỉ hè của các con để trẻ được chơi, tham gia các chương trình ngoại khóa. Trong đợt nghỉ này, nếu cha mẹ thấy con mình có vấn đề về lỗ hổng kiến thức ở kỳ một thì phụ huynh có thể kiếm gia sư phụ đạo để lấp lỗ hổng còn thiếu, sau đó cho bé nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ”.
Cho con chơi theo sở thích nhưng cũng cần có sử quản lý, giám sát chặt
Để “ứng phó” khi con nghỉ học dài ngày tránh COVID-19, thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh cho biết, cha mẹ hãy biến thời gian này để cùng con làm những công việc nhà như nấu ăn, lau dọn nhà cửa. Tìm những bài giảng về kỹ năng sống để trau dồi thêm cho con. Nếu con thích làm phim, chụp ảnh thì hãy chiều theo sở thích đó chứ đừng ép buộc, như vậy sẽ tạo thêm những điều thú vị cho trẻ.
Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên để con lạm dụng mạng xã hội, các thiết bị công nghệ. Hãy kiểm soát thời gian chơi của con. Tạo cho con sự thỏa mái chứ đừng tạo cho con sự áp lực để cả nhà được gắn kết hơn. Khi con quay lại trường học có sự tự tin, niềm vui và hứng khởi.
Theo Mai Thu
"https://www.nguoiduatin.vn/chuyen-gia-giao-duc-hien-ke-giup-bo-me-hoc-ma-choi-cung-con-nhung-ngay-tranh-covid-19-a466112.html"